Mặt trái của #BLM: Người biểu tình cực đoan đã quên bài học lịch sử khi công kích tượng Tổng thống Lincoln?
Công trình Đài tưởng niệm Giải phóng (Emancipation Memorial) với tượng Tổng thống Abraham Lincoln đang giữ bản Tuyên ngôn Giải phóng (Emancipation Proclamation) và một người đàn ông da đen "quỳ" dưới chân - kẻ mới được giải thoát khỏi chế độ nô lệ, đã trở thành mục tiêu công kích của các cuộc biểu tình gần đây. Thậm chí đại biểu quốc hội Hoa Kỳ Eleanor Holmes Norton đã kêu gọi gỡ bỏ bức tượng mà bà cho là "có vấn đề".
Holmes Norton phát biểu:
Mặc dù trước đây những người Mỹ nô lệ được giải phóng đã góp tiền để xây dựng bức tượng này vào năm 1876, quá trình thiết kế và điêu khắc đã được thực hiện mà không có sự đóng góp về ý tưởng của họ.
Bức tượng đã thất bại trong việc ghi nhận nỗ lực của người nô lệ Mỹ gốc Phi trong công cuộc giành lại tự do của chính họ.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức và chuyên gia quan tâm đến vấn đề sắc tộc đã không đồng ý với nữ đại biểu quốc hội người da màu. Ví dụ như chính trị gia người da màu Star Parker - một ứng viên Hạ viện Mỹ và là sáng lập viên của Trung tâm đổi mới và giáo dục đô thị (UrbanCURE).
Star Parker đã tổ chức một buổi lễ gọi là "Lễ kỷ niệm sự giải phóng" ở công viên Lincoln gần nơi bức tượng gây tranh cãi tọa lạc, nhằm khẳng định bức tượng là "một phần trái tim và linh hồn của đất nước chúng ta".
Nhà sáng lập UrbanCURE nói:
Tuyên bố "phân biệt chủng tộc" về bức tượng này cho thấy sự thiếu hiểu biết của phong trào. Người da màu như Thị trưởng DC Muriel Bowser và Đại biểu Quốc hội Eleanor Holmes Norton cần tìm hiểu lại về lịch sử của chính người da màu.
Archer Alexander (người làm mẫu cho hình tượng người da đen trong bức tượng) không phải trong tư thế đang quỳ mà đang ở tư thế chuẩn bị cho một cuộc chạy đua nước rút, việc mô tả sự chuyển động trong tác phẩm này cho thấy anh ta vừa được giải phóng để đứng lên và quyết định cuộc đua của mình như một người tự do.
Ai đứng sau công trình đài tưởng niệm?
Trên thực tế, những đồng tiền đầu tiên để tạo nên bức tượng Lincoln nói trên được quyên góp bởi chính một một người phụ nữ da màu từng là nô lệ, cô muốn bày tỏ lòng tôn kính với Lincoln sau khi ông bị ám sát vào năm 1865, theo Dịch vụ Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
Charlotte Scott ở Virginia - một nữ nô lệ được giải phóng, đã góp số tiền 5 USD đầu tiên của mình để bắt đầu một phong trào gây quỹ nhằm trang trải chi phí cho việc điêu khắc và xây dựng bức tượng, rất nhiều người Mỹ gốc Phi từng bị bắt làm nô lệ trước đây đã tham gia quyên góp.
Mặc dù vậy, việc điều hành quá trình xây dựng bức tượng lại được một đơn vị tư nhân do người da trắng sáng lập và quản lý có tên là Western Sanitary Commission chịu trách nhiệm - đây là lý do chính mà Đại biểu Quốc hội Eleanor Holmes Norton xoáy sâu vào để làm luận điểm yêu cầu dỡ bỏ bức tượng.
Thực ra, Western Sanitary Commission vốn là một tổ chức được thành lập trong thời kỳ Nội Chiến Hoa Kỳ để chăm lo cho những chiến sĩ bị thương hoặc bị bệnh. Bất kể là được vận hành bởi người da trắng, tổ chức này ủng hộ việc giải phóng người da màu khỏi ách nô lệ.
Cụ thể, Western Sanitary Commission được thành lập dưới sự bảo hộ của John C. Frémont - một nhà thám hiểm, sĩ quan quân đội, và chính trị gia hoạt động vì lý tưởng giải phóng nô lệ của Tổng thống Abraham Lincoln. Vào đầu cuộc Nội chiến Hoa Kỳ năm 1861, John C. Frémont được Tổng thống Abraham Lincoln trao quyền lãnh đạo Bộ chỉ huy Phương Tây của quân Miền Bắc.
Đi tìm người mẫu cho Đài tưởng niệm Giải phóng
Về phần người trong cuộc, ví dụ như Archer Alexander, ông cũng không hề có ý kiến phản đối gì về ý tưởng tạo hình của bức tượng mà chính mình đã làm mẫu.
Vào năm 1869, 4 năm sau cái chết của Tổng thống Lincoln, nhà sư phạm lỗi lạc của Hoa Kỳ là William Greenleaf Eliot cùng với điêu khắc gia Thomas Ball chịu trách nhiệm phác thảo ra kiểu dáng và ý tưởng cho bức tượng trên đài tưởng niệm. Thomas Ball đã có một người mẫu tốt, tuy nhiên Eliot lại muốn tìm một người thực sự là nô lệ được giải phóng để làm mẫu, thế là ông đã chọn Archer Alexander.
Archer Alexander vốn là một nô lệ ở Virginia, từ bé ông đã chứng kiến bố mình bị chủ nô bán đi để gạt nợ. Trải qua nhiều đời chủ và chịu nhiều cay đắng, thậm chí bị chia cắt với vợ mình, Alexander cuối cùng đã trốn chạy khỏi chủ nô và gặp được Eliot - vị học giả đã che chở, bảo vệ ông cho đến khi Tuyên ngôn giải phóng được thông qua, giúp vợ chồng Alexander đoàn tụ.
Câu chuyện về cuộc đời của Archer Alexander khiến Eliot nghĩ rằng không có người mẫu nào phù hợp hơn nữa cho đài tưởng niệm. Đến tận lúc Alexander sắp qua đời, ông đã "cảm ơn Chúa" vì "được chết như một người tự do". Trước khi trút hơi thở cuối cùng, thậm chí Alexander còn tặng lại một chiếc đồng hồ vàng cho Christopher (con của Eliot) vì đã dạy ông đọc chữ.
Thực tế mà nói, Đài tưởng niệm Giải phóng cùng bức tượng Tổng thống Lincoln và Archer Alexander không chỉ được xây dựng bởi tiền của người da màu tự do, nó còn được nuôi ý tưởng từ những người da trắng đấu tranh phá bỏ chế độ nô lệ, và được tạo tác dựa trên hình ảnh của một người da màu có cuộc đời đáng kinh ngạc với chuỗi ngày đấu tranh đi tìm tự do cho chính mình.
Đọc thêm: Lợi dụng phong trào đòi công lý cho George Floyd, một số người biểu tình cướp phá siêu thị ở Mỹ
- 0
- 0Bình luận