Dân Hàn lạnh nhạt với Điên Thì Có Sao và loạt K-drama do Netflix sản xuất - phát hành, vì sao nên nỗi?
Những bộ phim dài tập Hàn Quốc (K-Drama) đang dần trở nên phổ biến với khán giả quốc tế thông qua "ông lớn" của ngành truyền thông trực tuyến: Netflix
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc gu phim của hai đối tượng trên sẽ có sự đồng nhất. "Người Hàn Quốc và người nước ngoài có thị hiếu trái ngược nhau!" Một người trong ngành giải trí chia sẻ với tờ Korea Times. "Những bộ phim K-drama do Netflix phát hành hoàn toàn không phù hợp với gu thưởng thức của người Hàn một chút nào."
Đó là lý do mà bộ phim Điên Thì Có Sao (It Okay to Not Be Okay) dù liên tục đứng top trending ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng lại sở hữu rating (tỷ suất người xem) thấp đến mức đáng ngạc nhiên tại chính quê hương của mình.
Tuy nhiên, với những người đang làm việc trong ngành giải trí ở Hàn Quốc, thông tin này lại chẳng hề gây sốc. Dù có ý tưởng lạ và nhân văn nhưng Điên Thì Có Sao bị chê kịch bản dài dòng, lê thê, không có điểm nhấn, không có những tình tiết đẩy mạch phim lên cao trào khiến khán gỉa hào hứng theo dõi.
Trong khi người dân tại "xứ sở Kim Chi" đã quá ngán ngẩm với những bộ phim hài kịch lãng mạn (rom-com) một màu, thì công chúng thế giới dường như vẫn còn ngủ yên trong lối tư duy: phải có yếu tố tình cảm lãng mạn mới ra đúng chất... phim Hàn!
Tất nhiên, không phải công chúng Hàn Quốc muốn tẩy chay các bộ phim tình cảm mà chỉ muốn yếu tố này được giảm bớt đi và những khía cạnh khác được tập trung nhiều hơn. Ví dụ điển hình nhất chính là series Lời Hồi Đáp: Reply 1997, Reply 1994 và Reply 1988.
Series này đã khắc họa thành công những yếu tố khác nhau như: gia đình, xã hội, phong trào hâm mộ thần tượng, tình bạn, giáo dục... thay vì chỉ tập trung vào mỗi chủ đề tình yêu đôi lứa thông thường.
Thậm chí, ngay cả một bộ phim thuần lãng mạn như Hậu Duệ Mặt Trời cũng được lồng ghép những yếu tố mới mẻ về lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng xả thân vì cộng đồng của thế hệ trẻ trong những tình huống ngặt nghèo, nguy hiểm.
Trong khi đó, Quân Vương Bất Diệt lại lâm vào tình trạng bị công chúng ngó lơ một cách thảm thương - dù cho có sự tham gia của hai cái tên hot là Lee Min Ho và Kim Go Eun.
Nguyên do bởi vì bộ phim đã khắc họa quá nhiều chi tiết "ảo tưởng", phi hiện thực và không hề gần gũi một chút nào với xã hội Hàn Quốc hiện đại, không những thế còn gắn quảng cáo một cách lộ liễu và quá đà.
Điều này xuất phát từ phong trào chủ nghĩa hiện thực tại Hàn Quốc. Một vị vua ở xứ sở giả tưởng cùng mô-típ anh hùng cứu mỹ nhân ư? Thực sự đã quá lỗi thời rồi!
Nó không thực tế. Công chúng Hàn Quốc cần nhiều hơn thế! Họ đã quá chán những bộ phim tình yêu sến súa mà rõ ràng là sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thực.
Họ cần yếu tố tình cảm, nhưng phải "chân thật" nhất có thể và liên tục yêu cầu chúng tôi phải đa dạng hóa các thể loại hơn.
Hơn nữa, công chúng Hàn Quốc cũng chẳng còn hứng thú với những kịch bản "đầu voi đuôi chuột" mở đầu hoành tráng nhưng càng về sau càng trở nên nhàm chán và dài lê thê (mô-típ thường thấy ở các bộ phim tại Hàn) nữa.
Việc xuất hiện các sản phẩm quảng cáo trong phim cũng khiến cho thiện cảm của khán giả vụt tắt. Nhìn chung, quảng bá sản phẩm tại Hàn Quốc rất nghiêm ngặt, chỉ cần tên của một nhãn hàng nào đó "lỡ" lọt vào tầm ngắm của ống kính máy quay cũng đủ bị coi là PR quá đà.
Quân Vương Bất Diệt đã vi phạm đủ cả hai điều trên! Vậy nhưng bộ phim vẫn tạo nên một cơn sốt tại nhiều nước Châu Á và liên tục đứng top trending trên hệ thống Netflix của nhiều khu vực, dù bị coi là thất bại toàn tập tại quê nhà.
Song công chúng thế giới dường như lại chẳng mấy bận tâm tới những yếu tố kể trên. Với họ, một bộ phim chỉ cần có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng xinh đẹp cùng nội dung lãng mạn là đủ. Còn việc bộ phim có "đầu voi đuôi chuột" hay sở hữu những chi tiết phi thực tế hay không lại chẳng hề là mối quan tâm bậc nhất của nhóm đối tượng này.
Còn quảng cáo ư? Không là vấn đề khi người xem nước ngoài lại rất cần chúng để "tiếp cận" với các sản phẩm nội địa Hàn Quốc nổi tiếng. Nhờ vào loạt quảng cáo được cài cắm trong phim, nhiều người mới có cơ hội biết tới và đặt mua những sản phẩm đồ ăn, mỹ phẩm "made in Korea" mà mình yêu thích.
Chính vì vậy, đối với các NSX phim truyền hình và nhãn hàng, việc bán lại phim cho Netflix và những trang mạng streaming đang dần trở thành một chiêu giúp giảm thiểu chi phí quảng bá cho các bộ phim.
Với sự suy yếu của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, rất khó để các công ty sản xuất phim tìm được đối tác phát hành và quảng bá phù hợp.
Trong khi đó nếu như hợp tác cùng Netflix, sự phổ biến của "ông lớn" streaming sẽ tạo ra một môi trường quảng bá rộng rãi, giúp hướng tới nhiều đối tượng khán giả hơn mà không cần phải tiêu tốn nhiều chi phí dành cho quảng cáo hay truyền thông.
Hiện nay, một bộ phim không nhận được tỷ suất người xem cao không còn quá quan trọng.
Điều này có thể là bản án tử cho những bộ phim trong quá khứ, nhưng hiện tại miễn là chúng phổ biến với khán giả nước ngoài thì những con số này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả.
- 0
- 0Bình luận