Hiện thực phũ phàng thế kỷ 19: Trẻ mồ côi bị đem bán như hàng hóa
Từ những năm 1850 đến những năm 1920, tại nước Mỹ xuất hiện những chuyến tàu vận chuyển hàng trăm nghìn cô nhi từ khu vực miền Đông đến vùng Trung Tây để sinh sống. Những đứa trẻ có số phận bất hạnh không có quyền lựa chọn, chúng phải lên đường để tìm kế sinh nhai ngay khi còn tuổi đời còn rất nhỏ với mong muốn có cơ hội sống sót.
Bùng nổ số lượng trẻ mồ côi
Từ năm 1841 đến 1860, có hơn 4,3 triệu người nhập cư đến Tân Thế Giới để đổi đời với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính điều này khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, nghèo đói và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Việc tìm một công việc có trả lương định kỳ tại các thành phố đông đúc là điều vô cùng khó khăn. Để mưu sinh, người lớn đã làm việc ngày đêm và bỏ bê việc chăm sóc con cái, thậm chí trẻ em 6 tuổi cũng phải đi làm để phụ giúp gia đình.
Ở các khu người nhập cư, nam giới thường nhận những công việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và hay bị sát hại do tranh chấp khác biệt về sắc tộc. Thế nên phụ nữ và trẻ em phải tự tìm cách nuôi sống chính mình nếu người cha không may qua đời.
Một điều đáng buồn là tỷ lệ các bà mẹ chết khi con còn nhỏ là khá cao vì môi trường sống khắc nghiệt, bẩn thỉu dễ nảy sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó tại các khu lao động nghèo, tệ nạn rượu chè, cờ bạc xuất hiện khiến nhiều bậc cha mẹ bỏ rơi con cái. Và từ đó số lượng trẻ mồ côi cứ ngày một tăng lên.
Theo tài liệu lịch sử thống kê cho thấy vào năm 1850, dân nhập cư ở thành phố New York là 500 nghìn người, trong đó trẻ vô gia cư là từ 10 nghìn đến 30 nghìn người. Những đứa trẻ sống trong trại tế bần hoặc lang thang nơi đầu đường xó chợ.
Hiện thực khắc nghiệt tại trại trẻ mồ côi
Từ năm 1820 đến năm 1900, dân số tại Hoa Kỳ đã tăng chóng mặt từ 9,6 triệu lên đến 76,1 triệu người do lượng người nhập cư từ châu Âu đổ về. Vì các trại trẻ quá đông đúc nên trẻ mồ côi chưa được nhận nuôi sẽ bị đuổi đi khi đủ 14 tuổi.
Trong các trại tình thương, trẻ em luôn sống trong tình trạng sợ hãi khi thường xuyên bị ngược đãi, đánh đập, luôn đói khát và thiếu ăn thiếu mặc. Chúng phải ra ngoài kiếm sống, lao động và đưa tiền về cho ban quản lý để trại trẻ duy trì hoạt động.
Phụ nữ độc thân lớn tuổi sẽ được nhận vào trại trẻ để nuôi dưỡng các em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Các em bé này đa số đều có số phận bất hạnh, một số sẽ được đem bán cho những gia đình có nhu cầu nhận nuôi, còn lại thì đều chết do sức đề kháng yếu khi phải sống trong môi trường dễ lây lan các dịch bệnh như: cúm, sởi, sốt phát ban, hen suyễn và bệnh phổi.
Chuyến tàu mồ côi
Số lượng trẻ mồ côi quá đông khiến các trại tình thương dần bị quá tải và để khắc phục tình trạng đó, chuyến tàu mồ côi đã xuất hiện. Năm 1850, phái đoàn Thiếu nhi Destiny đã thực hiện chuyến tàu đầu tiên, tập hợp trẻ vô gia cư và đưa chúng đến mọi miền của đất nước. Ba mươi đứa trẻ đã được đưa từ Boston đến New Hampshire và Vermont để tìm người nhận nuôi.
Vào tháng 10/1854, chuyến tàu tiếp theo chở 45 đứa trẻ đi từ thành phố New York đến Dowagiac. Khi đến nơi, trẻ mồ côi bị đưa lên sàn đấu giá, các gia đình giàu có, chủ trang trại sẽ tham gia vào cuộc đấu giá để mua lại những đứa trẻ. Sau đó, chúng được dẫn đến nơi làm việc, tham gia vào công việc đồng áng và bị bóc lột sức lao động. Từ năm 1850 đến 1920 đã có khoảng 250 nghìn đứa trẻ được vận chuyển trên chuyến tàu mồ côi.
Trong hành trình đó, trẻ em thường đi với nhau theo từng nhóm nhỏ, chủ yếu là các anh chị em trong gia đình. Đáng tiếc là nhiều đứa trẻ đã bị lạc mất anh chị, chúng bị chia rẽ khi chuyến tàu cập bến ở những địa điểm khác nhau.
Trên tàu cũng có hiện tượng cờ bạc, say xỉn, đánh nhau giữa những đứa trẻ. Việc không được dạy dỗ tử tế và sống trong hoàn cảnh khốn khó khiến trẻ em sớm sa đà vào các tệ nạn xã hội khi tuổi còn rất nhỏ.
Cuộc sống khi đến vùng đất mới
Những đứa trẻ khi đến địa điểm nhận nuôi sẽ có số phận khác nhau. Có đứa bị đem bán đấu giá, giống như những món hàng thuộc quyền sở hữu của kẻ trả giá cao nhất.
Từ đây chúng sẽ trở thành người hầu cho giới thượng lưu hay lao động trong các khu trang trại, đồn điền, được trả lương để trang trải cuộc sống. Trường hợp xui xẻo thì bị chủ nhân ngược đãi, bóc lột cho đến chết.
Cũng có những em may mắn được các gia đình khá giả nhận nuôi, được học hành, đối xử tử tế. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Chuyến tàu cuối cùng
Chuyến tàu mồ côi cuối cùng diễn ra vào ngày 31/05/1929 từ New York đến Sulphur Springs, Texas. Những đứa trẻ mất nhiều ngày, thậm chí là vài tuần để di chuyển đến địa điểm mới, nơi chúng hy vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Vào thập niên 30 cho đến nay, pháp luật Mỹ đã thông qua đạo luật cấm vận chuyển trẻ em giữa các vùng bang. Trẻ em mồ côi cũng được bảo vệ về quyền lợi, các nhà tình thương được chính quyền bảo trợ về tài chính nhằm tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho trẻ lang thang cơ nhỡ.
Đọc thêm: Sự thật về đao phủ thời Trung Cổ - Nghề lấy mạng người đầy nỗi khổ tâm
- 0
- 0Bình luận