Biểu tượng của Hội chợ thế giới Osaka 2025 gây bối rối vì hình ảnh kinh dị và ý nghĩa khó hiểu
Cuộc bầu chọn thành phố tổ chức "Hội chợ triển lãm thế giới" World Expo 2025 đã diễn ra tại khán phòng Cục Triển lãm quốc tế (Paris, Pháp). Kết quả là thành phố Osaka, Nhật Bản đã đánh bại các đối thủ ở Nga và Azerbaijan trong cuộc đua giành quyền đăng cai triển lãm nổi tiếng này.
Một sự kiện lớn World Expo cần hàng triệu USD để chuẩn bị và có thể diễn ra trong thời gian dài đến 6 tháng. Nhưng đây là cơ hội tốt để một đất nước có thể trưng bày những thành quả trong sản xuất và sáng tạo của mình nhằm rao bán, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch thập phương.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Osaka trúng thầu và chuyện chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng chính quyền thành phố đã quyết định công bố một biểu tượng chính thức gây sốc. Nhắc đến Nhật Bản, bạn có thể mong đợi logo là sự pha trộn giữa phong cách anime và sự dễ thương "kawaii" hoặc "chibi" vốn có, vì đó là hai khía cạnh quan trọng của thiết kế đồ họa phong cách Nhật Bản.
Tuy nhiên, mặt trái của phong cách này là sự pha trộn giữa kinh dị và rùng rợn, hoặc hơn thế nữa là có chút bệnh hoạn đối với những đầu óc có trí tưởng tượng phong phú. Hãy ngắm nhìn biểu tượng chính thức của World Expo 2025 do Osaka thiết kế để xem bạn sẽ liên tưởng đến điều gì.
Logo chính thức là một vòng tròn không đồng đều được tạo thành từ các khối hình cầu màu đỏ máu hợp nhất với nhau cùng năm con mắt với các nhãn cầu to lồi ra, tất cả đều nhìn về các hướng khác nhau. Thoạt nhìn, bạn có thể cho rằng đây là kết quả của việc các nhà tổ chức Expo 2025 không may thuê phải một nhà thiết kế có khiếu thẩm mỹ khác thường hơn nhiều so với những gì họ đã đặt hàng ban đầu, nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Thay vào đó, logo này đã được ban tổ chức lựa chọn từ 5.984 bài dự thi của các nghệ sĩ khác nhau được thu thập từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái. Vì vậy, họ đã từ chối gần 6.000 tác phẩm khác để chọn ra cái mà nhiều người Nhật nhận xét rằng:
"Trông nó chẳng khác gì một chùm 'ruột già có mắt'!"
"Xúc tu kèm theo mắt, rất lợi hại!"
"Một thứ gì đó thoát ra từ trong truyện hentai?"
"Thực thể ma quỷ này có thể đeo bám theo các cô gái!"
"Giết tôi đi, cái thứ ký sinh trùng gì đây này!"
"Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu thứ này chui vào người!"
"Tôi thấy dễ thương đó chứ vì nó đã xuất hiện rất nhiều trong truyện tranh guro*."
"Con này mà chui vào... thì chắc chết!"
Người Nhật gọi biểu tượng này là Expo-chan và họ không thể ngừng react một cách rất hài hước về nó:
Dễ thương quá!
Hãy làm một con thú nhồi bông như thế này đi nó quá dễ thương!!!
Nó có thể là một thứ đồ buộc tóc ướt và nhớp nhúa?
Gợi nhớ tới game bắn người ngoài hành tinh.
Chắc chắn là một giống loài đến từ hành tinh khác rồi.
Ngay cả nhà thiết kế logo "Expo-chan" - nghệ sĩ 55 tuổi tên Tamotsu Shimada, người Osaka, cũng không ngờ rằng tác phẩm của mình sẽ đánh bại hàng nghìn đối thủ. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi nó được chọn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ trở thành bộ mặt của triển lãm, tôi không thể hạnh phúc hơn được nữa!” ông nói tại lễ công bố.
Vậy tại sao logo trông giống như chùm ruột đẫm máu này lại ra đời? Shimada nói rằng nó có nghĩa là "thể hiện ánh sáng rực rỡ của cuộc sống” và vì vậy ông muốn nó trông giống như một chuỗi các tế bào liên kết với nhau. Lý do nó không phải là một vòng tròn hoàn hảo là vì không gian trống ở giữa được cho là phù hợp với hình dạng của Osaka và vùng Kansai xung quanh của Nhật Bản.
Còn ý nghĩa của những đôi mắt? Tamada nói rằng chúng là một sự tôn kính “thể hiện sự kế thừa thông tin di truyền DNA của Hội chợ triển lãm quốc tế Osaka 1970 trước đây” và nó vốn là một bông hoa anh đào năm cánh cách điệu.
Tin hay không tùy ở bạn đọc, nhưng chính tác giả đã nói rằng nó lấy ý tưởng từ hoa anh đào đấy nhé!
Chú thích: Ero gurotesuku nansensu hay ngắn gọn là ero guro hoặc guro, là cách viết tắt cho gurotesuku là trường phái nghệ thuật Nhật Bản tập trung mô tả, khắc họa những điều quái dị, bất thường, méo mó, đáng sợ. Chủ đề thường thấy là cái chết, giết chóc, tự sát, tra tấn, tình dục, thậm chí ăn thịt người ở cấp độ nặng.
Đọc thêm: Nam ca sĩ Nhật Bản gây tranh cãi vì ủng hộ thuyết ưu sinh, tôn sùng 'giống nòi thượng đẳng'
- 0
- 0Bình luận