x Hội chứng Erotomania: Căn bệnh ảo tưởng người khác yêu mình và những cái kết bi kịch, đẫm máu
Nghe thì có vẻ không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người chung quanh, nhưng thực tế những người mắc bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hành động đáng sợ, thậm chí là tạo thành vụ án thương tâm.
Vụ án đầu tiên được ghi nhận về người mắc hội chứng này là vào ngày 13/11/1996
Một người đàn ông tên Gerald Atkins sống ở Wixom, Oakland, Michigan, Mỹ đã lái chiếc xe tải mình ăn trộm tông thẳng vào nhà xưởng lắp ráp ô tô, ngay sau đó gã rút súng bắn chết giám đốc Darrell Izzard của nhà xưởng này, rồi bắn bị thương hàng loạt công nhân vô tội, cảnh sát đã phải giằng co với tên này suốt 5 tiếng mới có thể khống chế được tình hình.
Nghe thì có vẻ như đây chỉ là một vụ xả súng bình thường ở Mỹ, nhưng điều đặc biệt là động cơ gây án của Atkins. Khi bị bắt giữ, gã khai mình và Debra – một nữ công nhân làm việc trong xưởng đang yêu nhau, Debra thường xuyên than thở với gã về việc cô bị giám đốc và mọi người đối xử bất công ra sao, nên trong lúc nóng giận gã quyết định báo thù cho bạn gái.
Cảnh sát dựa theo lời khai của Atkins tìm đến Debra, nhưng Debra thì chẳng hiểu gì cả. Cô nói mình hoàn toàn không biết Atkins, nếu không phải cảnh sát đến tìm, cô còn chẳng biết có người tên Gerald Atkins.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện khoảng 4 ngày trước khi xảy ra vụ án, Debra từng gặp Atkins trong quán bar, đây là lần gặp đầu tiên cũng như cuối cùng của cả hai. Sau khi trò chuyện với nhau được một lát, Atkins đã nhận định rằng Debra đem lòng yêu mình, thậm chí gã tự động ảo tưởng ra những ký ức khi cả hai bên nhau. Ngay hôm sau gã nhanh chóng chạy đi mua nhẫn, định sau khi gây án xong sẽ cầu hôn Debra.
Kết quả chẩn đoán tinh thần cho biết Gerald Atkins mắc hội chứng Erotomania mức độ nặng.
Tình huống của John Hinckley cũng tương tự như Gerald Atkins, sau khi xem xong bộ phim Taxi Driver, gã ảo tưởng mình và nữ diễn viên Jodie Foster đang yêu nhau. Vì muốn đáp lại tình yêu của Jodie, gã bắt chước nhân vật ám sát ứng cử viên tổng thống trong phim, lên kế hoạch ám sát Ronald Reagan - Tổng thống thứ 40 của Mỹ.
Hội chứng Erotomania là gì?
Hội chứng Erotomania là một nhánh nhỏ của chứng rối loạn ảo giác, làm người bệnh sinh ra ảo giác rằng ai đó đang ca ngợi hoặc yêu mình.
Vào thế kỷ 17, người ta cho rằng đây là một chứng bệnh khi một người rơi vào trạng thái tương tư đơn phương. Mãi đến năm 1921, khi bác sĩ tâm thần học Clérambault phát biểu luận văn tương quan, nó mới được chính thức đưa vào phạm trù bệnh tâm thần – nên còn một cái tên khác là hội chứng Clérambault.
Hội chứng Erotomania cũng như các chướng ngại tâm lý khác, đều có nguồn gốc khá phức tạp, nó thường đi kèm với các hội chứng tâm lý như: rối loạn nhân cách, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm. Trong đó khoảng 70% người bệnh là nữ, tuổi từ 17-25, các đối tượng ảo tưởng của họ thường là chính trị gia, người nổi tiếng hoặc những người có địa vị xã hội.
Những trường hợp nổi tiếng trong lịch sử
Cô con gái nhỏ nhất của đại văn hào Pháp Adèle Hugo cũng mắc căn bệnh này, nhưng vì thời điểm cô sống chưa có cách điều trị bệnh hữu hiệu, nên cuối cùng phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch.
Hoặc như ví dụ mà Clérambault đã đưa ra trong bài luận của mình:
Khi bước vào cung điện Buckingham, vị tiểu thư nọ vô tình ngước lên, nàng nhìn thấy đằng sau ô cửa sổ có một bóng người, nàng cho rằng đó là vua George V đang bày tỏ tình yêu với mình nên rơi vào ảo tưởng không thể thoát ra. Nhưng may mắn là tiểu thư chỉ tương tư đơn phương chứ chưa có bất kì hành động quá khích nào.
Nhưng nói vậy không đồng nghĩa với việc hội chứng này không nguy hiểm. Thực tế đa số người mắc hội chứng Erotomania đều rất khó khống chế được hành vi của bản thân, họ sẽ làm ra những chuyện quá khích như theo dõi, xâm hại, bạo lực,…
Margaret Mary Ray từng là một cô sinh viên tài giỏi, tốt bụng. Năm 20 tuổi cô gặp phải áp lực từ hôn nhân, cộng thêm ảnh hưởng từ tiền sử bệnh tâm thần của gia đình nên đã mắc chứng rối loạn nhân cách.
Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Ray vô tình nhìn xem được talk show của David Letterman, cô cho rằng mỗi hành vi trên show của Letterman đều đang ám chỉ tình yêu dành cho mình. Từ đó cô bắt đầu sưu tầm tất cả báo chí có sự xuất hiện của Letterman để tìm kiếm những ám hiệu này, cuối cùng cô tin chắc rằng Letterman yêu mình sâu đậm, do đó đã xiêu lòng và đáp lại tình cảm của ông.
Tháng 5 năm 1986, Ray có hành vi đầu tiên. Cô dẫn theo đứa con trai 3 tuổi trộm xe của Letterman, rồi cả hai mẹ con dùng chiếc xe này đi hóng gió, đến đường Lincoln cô bị cảnh sát chặn lại. Khi bị hỏi, Ray cho rằng hành vi của mình hoàn toàn hợp pháp, cô chỉ đang lái xe của chồng chở con đi chơi mà thôi.
Những năm tiếp theo, Ray bị bắt thêm 8 lần vì tội xâm phạm tài sản của Letterman, cuối cùng cô bị đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị suốt 3 năm mới được xuất viện. Nhưng sau khi xuất viện, Ray không tiếp tục tái khám hay dùng thuốc nên đã tái phát bệnh, lần này đối tượng ảo tưởng của cô đã chuyển từ Letterman sang nhà du hành vũ trụ Franklin Story Musgrave.
Musgrave không chỉ là một nhà du hành vũ trụ xuất sắc, ông còn rất nổi tiếng trong các lĩnh vực chụp ảnh, văn học, làm vườn,… Trong mắt Ray, tất cả những chuyện này đã trở thành cách để Musgrave giành lấy trái tim cô, chính vì thế cô đã rung động và đáp trả lại tình cảm này.
Cô bắt đầu gửi thư nặc danh, giả làm phóng viên phỏng vấn Musgrave rồi lén trèo vào vườn nhà Musgrave ngủ qua đêm. Cô ngày càng có những hành vi quá quắt, mãi đến tháng 9 năm 1997, Musgrave phát hiện Ray đang ngủ trong phòng mình. Hết chịu nổi, ông báo cảnh sát, Ray mới bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Nếu đối tượng ảo tưởng của nữ giới thường là người thành công, vậy ở nam giới thì sao?
Tuổi phát bệnh của họ thường sớm hơn nữ giới, tuy nhiên họ không để ý nhiều tới địa vị xã hội của đối tượng mà quan tâm tới sức hấp dẫn hơn.
Bác sĩ tâm thần học Carol W. Berman có một bệnh nhân, khi cô vô tình chạm vào chân anh ta, anh ta đã sinh ra ảo tưởng và điên cuồng theo dõi, chụp ảnh, quấy rầy cô trong suốt 6 tháng tiếp theo, đến mức cô đã phải chuyển bệnh nhân này cho một bác sĩ khác để điều trị. Tuy nhiên kết quả vẫn không khả quan, đến cuối cùng cô và chồng phải chuyển đi nơi khác.
Chỉ một ảo giác đơn giản đã gần như huỷ hoại cuộc sống bình thường của nhiều người. Đây cũng chính là điểm đáng sợ của hội chứng Erotomania, cũng như nhiều hội chứng tâm thần khác, hội chứng này rất khó điều trị tận gốc.
Một phần nguyên nhân là do con người chúng ta vẫn còn chưa đủ hiểu biết về các bệnh tâm thần. Song bù lại chúng ta vẫn có thể dùng vật lý trị liệu hoặc các loại thuốc để khống chế nó, nên nếu bạn hoặc bất kì ai xung quanh có những triệu chứng tương tự kể trên, hãy tìm đến các bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- 0
- 0Bình luận