logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

x: Lược sử điện ảnh Hồng Kông: Từ hào quang rực rỡ giờ chỉ còn là đống tro tàn

Hồng Kông từng là một trong những nền điện ảnh đặc biệt nhất thế giới. Mặc dù kế thừa di sản nghệ thuật từ Đại lục, một số thể loại điện ảnh Hoa ngữ được nâng tầm và biết đến rộng rãi đều nhờ Hồng Kông, ví dụ như phim kung fu, phim võ thuật, hay một số thể loại đặc trưng như phim hài “mo lei tau”, phim hành động anh hùng đổ máu.

Trong thời kỳ hoàng kim từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990, phim Hồng Kông thống trị phòng vé Đông Á và gây tiếng vang lớn đối với giới Âu Mỹ.

Mặc dù là một đặc khu đất chật người đông, Hồng Kông là nơi xuất khẩu nhiều phim nhất thế giới nếu không tính nước Mỹ. Những ngôi sao Hương Cảng như Thành Long và Ngô Vũ Sâm rất được yêu thích ở Hollywood, hay như Châu Nhuận Phát và Lý Liên Kiệt cũng có cơ hội tỏa sáng ở Mỹ. Theo nhà sử học điện ảnh David Bordwell, trong kỷ nguyên vàng, Hồng Kông đã sản xuất ra “những bộ phim đại chúng giàu trí tưởng tượng, sinh động và gây bàn tán trên thế giới”.

Vậy tại sao điện ảnh Hồng Kông từng một thời làm mưa làm gió bỗng chốc gần như mất hút trong mấy năm gần đây?

Giai đoạn đầu của điện ảnh Hồng Kông

Trang Tử Thí Thê được xem là phim đầu tiên của Hồng Kông, sản xuất năm 1913. Đến năm 1939, mặc dù các hãng phim sản xuất hơn 100 phim mỗi năm bằng tiếng Quan Thoại và Quảng Đông, điện ảnh xứ Cảng Thơm vẫn chỉ xếp thứ hai, đứng sau trung tâm điện ảnh lúc đó là Thượng Hải.

Mọi thứ thay đổi sau cuộc Nội chiến Quốc – Cộng lần thứ hai năm 1949, điện ảnh Trung Quốc ngày càng quan liêu và nhiều nhà làm phim bỏ trốn sang Hồng Kông lánh nạn. Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản, Hồng Kông đã tận dụng tình thế và điều kiện lý tưởng để thúc đẩy nền điện ảnh.

Một cảnh trong phim Đại Túy Hiệp

Hồng Kông đã xây dựng một hệ thống studio, tận dụng kho phim nước ngoài và các thiết bị do là thuộc địa của Anh. Các quy định cho ngành công nghiệp điện ảnh cũng không bị siết chặt. Đến tận năm 1988, điện ảnh Hồng Kông thậm chí còn chưa có hệ thống phân loại phim. Một lý do khác giúp phim Hồng Kông ăn khách ở châu Á là cộng đồng người Hoa phổ biến ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Thập niên 1960, các hãng phim đã học theo phim samurai của Nhật để sản xuất những phim Hồng Kông tương tự. Nổi bật nhất gồm có Đại Túy Hiệp (1966) và Độc Tý Đao (1967).

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Lý Tiểu Long trong thập niên 1960 và 1970. Những bộ phim nổi tiếng và phá vỡ kỷ lục phòng vé châu Á của Lý Tiểu Long phải kể đến Đường Sơn Đại Huynh (1971), Tinh Võ Môn (1972) và Long Tranh Hổ Đấu (1973). Trong đó có Long Tranh Hổ Đấu là bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long, được phát hành sau khi ông qua đời và góp phần đưa tên tuổi của ông trở thành một huyền thoại điện ảnh.

Song song đó, Đệ Nhất Quyền Vương (1972) của hãng phim Thiệu Thị được chiếu ở Mỹ và rất phổ biến. Bộ phim này cùng với các phim của Lý Tiểu Long đã tạo bước đệm để phim Hồng Kông không chỉ được trình chiếu ở khu phố Tàu mà còn lan tỏa ra New York, San Francisco và Vancouver. Chính vì sức ảnh hưởng lớn như vậy, các hãng phim Hồng Kông đã sản xuất những bộ phim kung fu chỉ dành riêng cho khán giả quốc tế và không được chiếu ở thị trường nội địa.

Lý Tiểu Long

Những năm tháng vàng son

Cùng lúc này, một cuộc cách mạng khác đang lặng lẽ diễn ra. Những bộ phim kiếm hiệp có kinh phí lớn cực kỳ phổ biến hầu như chỉ được quay bằng tiếng Quan Thoại, trong khi phim dành cho cộng đồng nói tiếng Quảng Đông rất ít ỏi. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng trong năm 1972, không có một bộ phim tiếng Quảng Đông nào được sản xuất.

Năm 1973, một sự thay đổi đột ngột diễn ra khi bộ phim hài Thất Thập Nhị Gia Phòng Khách đứng đầu các bảng xếp hạng doanh thu phòng vé và lập kỷ lục mới ở Hồng Kông. Phim hài tiếng Quảng Đông tiếp theo của Michael Hui là Quỷ Mã Song Tinh đã vượt qua Thất Thập Nhị Gia Phòng Khách để lập kỷ lục mới doanh thu phòng vé năm 1974.

Bên cạnh đó, Liên hoan phim Hồng Kông Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1977 đã làm tăng khả năng tiếp cận điện ảnh Hồng Kông của khán giả thế giới, đồng thời thúc đẩy thêm sự quan tâm của khán giả đối với di sản điện ảnh của Hồng Kông.

Cảnh đốt tiền kinh điển của Châu Nhuận Phát trong Anh Hùng Bản Sắc

Làn sóng mới Hồng Kông ra đời với những tác phẩm tiêu biểu của Hứa An Hoa và Từ Khắc đã cho thấy bản sắc của điện ảnh Hồng Kông và chứng tỏ Hồng Kông không chỉ có “phim chưởng”. 

Trong thời kỳ này, điển hình là từ năm 1986 đến năm 1993, điện ảnh Hồng Kông tiếp tục thống trị thị trường nội địa và trong khu vực. Rất nhiều nhà làm phim du học ở nước ngoài quay về Hồng Kông và gia nhập ngành công nghiệp điện ảnh. Họ đã đem những đánh giá về tiêu chuẩn làm phim Âu Mỹ vào trong những bộ phim của mình và đưa điện ảnh Hồng Kông thành đối thủ sừng sỏ ở Đông Á. Nói như Vương Tinh, phim Hồng Kông có “vẻ ngoài của phương Tây và mang tinh thần của phương Đông”.

Ngoài ra, các nhà sản xuất Hồng Kông đã làm việc hết sức để thu hút những gương mặt mới lạ bên ngoài Hồng Kông, ví dụ như Dương Tử Quỳnh từ Malaysia, Lâm Thanh Hà từ Đài Loan và Oshima Yukari từ Nhật Bản. Hay như trong Trùng Khánh Sâm Lâm của Vương Gia Vệ, có sự tham gia của ngôi sao người Đài Loan gốc Nhật là Takeshi Kaneshiro, còn được biết đến với cái tên Kim Thành Vũ.

Phim Hồng Kông cũng được “xào nấu” sao cho phù hợp với từng thị trường điện ảnh. Các nhà phân phối Đài Loan và Hàn Quốc muốn nhiều cảnh hành động, vậy thì phim Hồng Kông phát hành ở hai thị trường này sẽ có nhiều cảnh đánh đấm hơn. Trong khi đó, vì vấn đề kiểm duyệt ở Malaysia và Singapore nên các yếu tố tội phạm chắc chắn sẽ được giảm đến mức tối thiểu.

Những thước phim của Vương Gia Vệ

Thời kỳ hoàng kim rồi cũng có lúc phải lụi tàn

Bước ngoặt bắt đầu vào năm 1993 khi Jurassic Park lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Hồng Kông. Cũng trong năm này, Đài Loan - vốn là thị trường nước ngoài sinh lợi nhiều năm của Hồng Kông - chứng kiến sự ra đời của truyền hình vệ tinh và kỹ thuật số, dẫn đến khán giả bắt đầu thích xem phim ở nhà hơn là ra rạp.

Bắt đầu từ thập niên 1980, thị trường quốc tế chiếm hơn một nửa doanh thu của Hollywood. Với sự bùng nổ dân số và khán giả ngày càng có điều kiện hơn, Đông Á là thị trường mục tiêu để Hollywood mở rộng đế chế.

Sau Jurassic Park là sự thành công tiếp nối của The Fugitive (1993), Speed (1994) và True Lies (1994), các hãng phim Mỹ bắt đầu đầu tư vào các rạp chiếu phim ở Nhật Bản và những thị trường lớn khác nhằm đẩy mạnh phim ảnh Hollywood. Bản thân Hồng Kông cũng rơi vào cơn khát các phim bom tấn Mỹ và tạo điều kiện để phim Hollywood tiếp tục thu lợi nhuận tại đây.

Hứa An Hoa giành giải Thành tựu trọn đời tại LHP Venice năm 2020

Sự xuất hiện của các tổ hợp phim hiện đại ở Hồng Kông cũng là một vấn đề. Mặc dù những phòng chiếu này có âm thanh, ghế ngồi và máy chiếu tiên tiến hơn, song nó cũng phải trả giá bằng sự biến mất của những rạp chiếu phim cũ có sức chứa hơn 1.000 khán giả. Điều đó có nghĩa là số lượng rạp chiếu phim tăng lên, còn số lượng ghế giảm đi.

Số lượng ghế trong rạp giảm, còn giá vé thì tăng cao. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ việc các ngôi sao “hét giá” quá cao. Đầu thập niên 1990, Lý Liên Kiệt có thể kiếm hàng triệu đô la từ việc đóng phim và ngốn hơn 1/3 chi phí sản xuất. Một nguyên nhân khác là giá bất động sản ở Hồng Kông tăng vọt khiến giá thuê mặt bằng mở rạp chiếu phim cũng tăng theo, dẫn đến việc không thể không tăng giá vé xem phim. Khi giá vé xem phim vượt quá khả năng chi trả của khán giả, họ sẽ chuyển sang những hình thức giải trí khác.

Các hãng phim Hồng Kông còn phải đối mặt với vấn nạn vi phạm bản quyền. Vi phạm bản quyền là một vấn đề nhức nhối từ những năm 1980 và nó tiếp tục kéo sang những năm 1990 do sự phát triển của đĩa VCD. Hoàng Văn Tuyển, nhà sản xuất loạt phim Người Trong Giang Hồ, cho biết ông có thể mua một chiếc đĩa lậu phần bốn Người Trong Giang Hồ vào đúng ngày bộ phim công chiếu năm 1997.

Trong những năm tháng đỉnh cao đầu 1990, Hồng Kông có số lượng phim tính theo bình quân đầu người. Đây là một chỉ số nhằm thổi phồng sức mạnh của ngành điện ảnh. Trong thực tế, đây là một nhược điểm lớn vì nó cho thấy có hàng trăm bộ phim được sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn. Nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả sự tham gia của các băng nhóm xã hội đen, đã tìm kiếm lối tắt trong thị trường ăn nên làm ra này, dẫn đến việc sản xuất ồ ạt những bộ phim kém chất lượng. Bên cạnh đó, các nhà làm phim liên tục nhảy từ xu hướng này sang xu hướng khác cũng làm khán giả mệt mỏi theo.

Trương Quốc Vinh và Thư Kỳ trong Sắc Tình Nam Nữ

Giai đoạn huy hoàng của điện ảnh Hồng Kông còn có sự phân loại của phim cấp ba. Một số tác phẩm điển hình như Thiên Thần Sa Đọa (1993), Buông Thả Lả Lơi (1994) và Mãn Thanh Thập Đại Khốc Hình (1994).

Một số ít phim cấp ba ngoại lệ được đánh giá cao và nhiều người biết đến. Huỳnh Thu Sinh đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại lễ trao giải Kim Tượng với Bánh Bao Nhân Thịt Người (1993) hay Thư Kỳ giành được giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với Sắc Tình Nam Nữ (1996). Dẫu vậy, đa số phim cấp ba vẫn không chiếm được cảm tình của khán giả. Ước tính trong kỷ nguyên vàng điện ảnh Hồng Kông, phim cấp ba chiếm từ 25 đến 50%. Đây cũng là một trong những lý do khán giả Hồng Kông quay lưng với điện ảnh nước nhà và dần dần tìm đến phim Hollywood.

Sự thoái trào của điện ảnh Hồng Kông vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 1988, Hồng Kông bán được 65 triệu vé xem phim. Năm 1993, số vé bán ra giảm xuống còn 45 triệu và năm 1996 là 22 triệu. Đầu thập niên 1990, Hồng Kông sản xuất hơn 400 phim mỗi năm (nhiều hơn cả Nhật Bản), nhưng đến năm 1997, số lượng giảm xuống chỉ còn hơn 200 phim. Cũng trong năm 1997, lần đầu tiên, tổng doanh thu phòng vé của các phim xuất khẩu vượt xa tổng doanh thu nội địa. Điều này ngụ ý chính khán giả Hồng Kông cũng mất đi niềm tin với điện ảnh nước nhà.

Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã giáng một đòn vào nền điện ảnh Hồng Kông vốn đang chao đảo. Một số ít phim Hồng Kông vẫn được xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, nhưng đó là xuất khẩu với đồng tiền mất giá.

Lý Liên Kiệt trong phim Anh Hùng

Một vấn đề cuối cùng nổi cộm trong vài năm nay và vẫn còn nhức nhối trong nhiều năm tới. Điện ảnh Hồng Kông từng dựa hơi vào những ngôi sao quốc tế như Lý Tiểu Long, Thành Long và Trương Quốc Vinh. Giờ đây Hồng Kông vẫn chưa tìm được đáp án cho câu hỏi “ai sẽ là người kế thừa?”.

Khi nền điện ảnh ngày càng sa sút, các nhà làm phim chỉ còn biết trông cậy vào những người nổi tiếng, đảm bảo yếu tố hút khách. Nhưng Châu Nhuận Phát đã ngoài 60, Lưu Đức Hoa đã bước sang tuổi 58, hay như Cổ Thiên Lạc, người trẻ tuổi nhất trong số những cây đại thụ của điện ảnh Hồng Kông, cũng đã cận kề 50.

Trong 20 năm vừa qua, vẫn chưa có diễn viên mới nào đủ sức thay thế lớp tiền bối. Thậm chí cho dù những diễn viên thuộc thế hệ trước rất nổi tiếng ở quê nhà, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, họ chỉ là lớp người cũ trong những bộ phim cũ. Điều này trái ngược với làn sóng Hallyu của Hàn Quốc bùng nổ trong những năm gần đây. Đó cũng là lý do vì sao khán giả ở các quốc gia khác không còn xem phim Hồng Kông nữa.

Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa trong Vô Gian Đạo

Điện ảnh Hồng Kông rất khó khôi phục lại được danh tiếng sau những tác động lớn như vậy. Những tác động đó còn đến từ đại dịch SARS và sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở rộng nền điện ảnh của riêng mình. Trớ trêu thay, khi điện ảnh Hồng Kông đang kiệt quệ, một vài bộ phim vẫn gặt hái thành công như Tâm Trạng Khi Yêu (2000), Vô Gian Đạo (2002) hoặc những tác phẩm từ các đạo diễn tiếng tăm như Hứa An Hoa và Đỗ Kỳ Phong.

Liệu đây sẽ là một lời an ủi cho thời quá vãng hay hy vọng le lói cho một nền điện ảnh suy tàn?

Đọc thêm bài: Bảng xếp hạng 100 phim điện ảnh Hong Kong hay nhất mọi thời đại (Phần 1)

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)