logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Để nữ diễn viên \'Wonder Woman\' Gal Gadot vào vai nữ hoàng Cleopatra liệu có phù hợp với bằng chứng lịch sử?

Ngày 12 tháng 10, nữ diễn viên Wonder Woman Gal Gadot chia sẻ trên Twitter cho biết cô vừa nhận vai Cleopatra trong phim mới do Patty Jenkins đạo diễn. Hoa hậu Israel đặc biệt "cảm thấy rất hào hứng""Cleopatra là vai tôi muốn diễn từ lâu". Thông điệp trên đã bất ngờ gây tranh cãi về sắc tộc, sự việc hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của Gal Gadot.

Ý kiến của nhiều người trên mạng xã hội cho rằng Cleopatra - Nữ hoàng cuối cùng của vương triều Ptolemy ở Ai Cập vào thế kỷ thứ 51 - 30 trước Công Nguyên nên được thể hiện bởi một người da màu. Họ quả quyết Gal Gadot - một phụ nữ Do Thái có màu da "hơi trắng" nên không thể vào vai Cleopatra.

Trước Gal Gadot, một số diễn viên da trắng được chọn vào vai Cleopatra như Vivien Leigh (Anh), Elizabeth Taylor (Anh) hoặc Claudette Colbert (Pháp) cũng từng gây tranh cãi. Tuy nhiên các cuộc khẩu chiến sớm bị quên lãng vì tạo hình và diễn xuất của họ đều tuyệt vời, nhất là ngôi sao Elizabeth Taylor của Anh Quốc.

Elizabeth Taylor với vai diễn huyền thoại trong Cleopatra (1963)

Thực ra, vương triều Ptolemy được ra đời từ cuộc chinh phạt Ai Cập của Alexander Đại Đế vào năm 332 trước Công Nguyên, ông mang tới đây các quan lại, quý tộc Macedonia (vương quốc thuộc Hy Lạp cổ) và dựng nên chính quyền quân chủ. Tổ tiên của Cleopatra, vua Ptolemaios - 1 trong 7 vị đại tướng dưới quyền Alexander Đại Đế đã lập nên vương triều Ptolemy hoàn toàn là người Hy Lạp (ông tự xưng là Pharaoh đầu tiên). Quý tộc Macedonia rất coi trọng việc giữ sự thuần khiết trong dòng máu cao quý của họ, thậm chí không ngần ngại kết hôn cận huyết. Vì vậy, nữ hoàng Cleopatra có khả năng cao là mang dòng máu thuần Hy Lạp và là "một trong những người phụ nữ Macedonia nổi tiếng nhất trong lịch sử".

Tuy nhiên, có một lỗ hổng lịch sử ở đây là "chính sử không ghi nhận cụ thể và không biết được chính xác mẹ của Cleopatra là ai", có thể thân mẫu của Cleopatra là nữ hoàng Cleopatra VI Tryphaena, cũng có thể là bất kỳ một phụ nữ Ai Cập bản địa nào. Thế nên, cuối cùng các nhà sử học đi đến một kết luận rằng "Cleopatra có thể là một người không mang, hoặc mang rất ít dòng máu Ai Cập bởi cô là hậu duệ trực hệ của quý tộc Macedonia có màu da trắng".

Thế nhưng, chỉ cần chi tiết nhỏ như vậy thôi cũng đã đủ cơ sở để một số ý kiến cho rằng Cleopatra "vẫn có thể là người da màu". Ví dụ như nữ phóng viên người Mỹ gốc Pakistan Sameera Khan nói trên Twitter (một cách khá nặng nề về Gal Gadot):

Thằng ngu nào ở Hollywood đã nghĩ rằng sẽ là một ý kiến ​​hay nếu chọn nữ diễn viên Israel vào vai Cleopatra (một người có màu da trông rất nhợt nhạt nữa chứ) thay vì một nữ diễn viên Ả Rập tuyệt đẹp như Nadine Njeim? Và xấu hổ thay cho cô, Gal Gadot. Đất nước của cô đánh cắp đất của người Ả Rập và cô đang đánh cắp vai diễn trong phim của họ... smh.

Sameera Khan cũng nói thêm:

Bọn da trắng gian dối tỏ ra nổi giận khi một vài nam diễn viên da trắng đóng vai các vị thần "hư cấu" trong phim God of Egypt, nhưng lại tỏ ra ổn khi nữ diễn viên Israel gốc Châu Âu vào vai Cleopatra.

Nữ nhà văn người Mỹ Morgan Jerkins nói:

Tôi chắc rằng Gal Gadot sẽ hoàn thành xuất sắc vai diễn Cleopatra. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi, tôi sẽ thích một nữ hoàng Cleopatra có làn da tối hơn một chiếc túi giấy màu nâu, bởi vì điều đó có vẻ chính xác hơn một chút về mặt lịch sử.

Ngoài ra, nhiều lập luận khác trên Twitter cho rằng Gal Gadot được chọn vì cô có được phong độ khá tốt trong các bộ phim gần đây, đồng thời cũng đã trở thành một tên tuổi lớn, đủ sức thu hút khán giả nhằm tăng doanh thu phòng vé.

Người Ai Cập không có nghĩa là da phải đen

Có không ít giai thoại buồn cười xoay quanh các cuộc tranh cãi xem người Ai Cập thì da trắng, đen, hay vàng. Trên thực tế thì người bản xứ ở Ai Cập tự nhận rằng họ có làn da "đỏ", và nó thực sự là một màu pha trộn giữa nâu, vàng và đỏ, trông hoàn toàn có thể phân biệt được với màu da vàng của người Châu Á hoặc màu đen của người ở các quốc gia Châu Phi khác.

Ai Cập ở Bắc Phi, khá gần với Châu Âu so với phần còn lại của Châu Phi, đất nước của các kim tự tháp này cũng từng chịu sự ảnh hưởng văn hóa, tệ hơn là đồng hóa từ các đế chế như Hy Lạp và La Mã, Ba Tư, Ả Rập, Ottoman...

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hoa hậu Ai Cập Diana Hamed từng tham dự Miss Universe 2019, cô có màu da vàng sáng.

Vì những lý do trên, Ai Cập là một nước đa dạng sắc tộc, đặc biệt vào thời kỳ huy hoàng nhất, tức vương triều Ptolemy kéo dài 300 năm, giới cầm quyền và quý tộc cai trị Ai Cập 100% là người da trắng gốc Hy Lạp, Macedonia. Vì vậy, khi thể hiện một người Hy Lạp trên màn ảnh, không nhất thiết phải biến họ thành da đen, thậm chí khi thể hiện một vai là quý tộc Ptolemy thì càng phải là da trắng.

Thậm chí phần đông người Ai Cập hiện nay da của họ cũng không phải là đen sạm mà có một màu vàng nâu đặc trưng. Một trong những trường hợp gây tranh cãi chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của một bộ phận "dân mạng" Âu Mỹ liên quan đến nam diễn viên Rami Malek (Bohemian Rhapshody, Mr. Robot). Khi Malek được chọn vào vai Pharaoh Ahkmenrah trong phim Night at the Museum, đã có ý kiến phản đối rằng "Vì sao lại cho một gã da trắng đóng người dân Ai Cập?", mặc dù nam diễn viên 39 tuổi trên thực tế là người Ai Cập 100%.

Rami Malek sinh ngày 12 tháng 5, năm 1981 tại California bởi cha mẹ Nelly Abdel-Malek và Said Malek là người Ai Cập di cư đến Mỹ, anh tự nhận mình có 1/8 dòng máu Nam Âu do di truyền của tổ tiên là các thương nhân đến từ Hy Lạp.

Một trong những bằng chứng lịch sử đáng tham khảo khác là những bức họa cổ đại của người Ai Cập, họ thường thể hiện màu da của các Pharaoh là màu nâu đỏ hoặc màu trắng, và không phải màu đen. Đây cũng là một yếu tố để các nhà làm phim có thể quyết định xem chọn diễn viên như thế nào cho phù hợp.

Trong bức họa trên, Pharaoh Ramesses III (ngoài cùng bên phải) đang đứng trước các vị thần của Memphis. Rõ ràng ông ta được thể hiện có màu da trắng khá nhợt nhạt, thời đại của Ramesses III từ 1186 đến 1155 trước Công Nguyên.

Gần đây nhất, một lăng mộ cổ thời Ptolemy (thời đại của Cleopatra) lại được phát hiện vào năm 2019, nhân vật bên trong lăng mộ được xác định với cái tên Tutu - một quý tộc có làn da trắng nhợt, theo như những hình vẽ bên trong lăng mộ của ông ta và vợ.

Như vậy, trong trường hợp các bằng chứng lịch sử không thực sự chính xác, cũng như hiện trạng đa sắc tộc của Ai Cập hiện nay, việc bắt buộc vai Cleopatra phải được thể hiện bởi diễn viên da màu là khá vô lý, đồng thời nó không phù hợp với tiêu chí thể hiện sự đa dạng trên màn ảnh.

Trong trường hợp này, vẻ đẹp ngoại hình, tư chất và năng lực diễn xuất của diễn viên là quan trọng hơn, Gal Gadot hoàn toàn có thể được sử dụng một loại kem thoa để có màu da ngả vàng hơn khi vào vai nữ hoàng Cleopatra (để làm vừa lòng những khán giả khó tính).

Khá chắc là hầu hết người xem sẽ đồng ý với phương án này, trừ một số người kịch liệt phản đối vì một mục đích khác vốn không liên quan đến nền nghệ thuật thứ 7.

Đọc thêm: 'Wonder Woman 1984': Gal Gadot lộng lẫy giáp 'đại bàng vàng' trong poster mới nhất

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky4 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)