Một người có thể nhạy cảm đến mức nào?
"Vì thế giới khô khan hay anh là kẻ buồn ướt át?"
- Hoàng Dũng
Khi nhắc đến từ "nhạy cảm", ai là người đầu tiên mà bạn nghĩ tới? Đứa bạn cùng bàn ngày nào cũng càu nhàu vì tiếng bấm bút, nhóc em lớn tướng rồi nhưng hễ gặp chuyện là lại sụt sịt ngay, hay bạn nghĩ đến chính bạn - người có thể trải qua hàng đống cung bậc cảm xúc chỉ trong một ngày? Đúng vậy, có thể đó chính là những người nhạy cảm. Thế nhưng đây chỉ mới là ba trong số rất nhiều biểu hiện khác của hội những người nhạy cảm: HSP (Highly Sensitive Person). Bạn biết không, HSPs chiếm khoảng 20% dân số, tức tương đương với số dân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Đến đây thì hẳn bạn đã bắt đầu hứng thú hơn về HSP rồi chứ?
Mách nhỏ: Bạn có thể làm bài test để xem mình có thuộc nhóm HSP không tại một số website uy tín.
4 ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA NHỮNG NGƯỜI NHẠY CẢM
Theo tiến sĩ Elaine Aron, những người nhạy cảm (HSPs) là những người sở hữu một đặc điểm di truyền về độ nhạy trong việc xử lý cảm giác. Bà sử dụng chữ viết tắt D.O.E.S để chỉ ra 4 đặc điểm cơ bản của HSPs.
D - Depth of processing - Xử lý thông tin theo chiều sâu
Những người nhạy cảm có khả năng vượt trội trong việc phân tích sâu sắc gần như tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, quá trình này có hơi... tốn thời gian một chút. Ví dụ, khi có thời gian riêng tư là họ sẽ tự động tua lại những cuộc nói chuyện trước đó một ngày, một tuần hoặc thậm chí là một (vài) tháng. Và rồi họ sẽ xâu chuỗi, liên kết từng sự việc và suy nghĩ xem lúc đó đối tượng giao tiếp cùng nói với họ câu đó có ý nghĩa gì, tại sao họ lại nói/hành động như thế, v.v...
"Chỉ vì một câu nói
Lại khiến anh e sợ những cơn đau chưa bắt đầu.
Chỉ vì một câu nói
Lại khiến anh tin rằng những giấc mơ sẽ sớm phai màu..."
- Hoàng Dũng
O - Overstimualation - Quá khích
HSPs thường dễ bị choáng ngợp bởi môi trường xung quanh. Người nhạy cảm có thế giới nội tâm cực kỳ sống động. Dù có thể chẳng mấy khi bộc lộ ra ngoài nhưng cảm xúc của họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, 24/7, 365 ngày/năm. Họ thu nạp năng lượng (tích cực lẫn tiêu cực) và chuyển chúng thành những cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình.
Đối với cùng một sự việc, hiện tượng, trong khi những người khác cảm thấy abcxyz thì HSPs sẽ cảm thấy ABCXYZ. Đúng vậy, họ luôn đào thật sâu vào cảm xúc một cách không hề có chủ đích. Nếu họ buồn thì đó là những nốt Do thấp nhất được viết trên khuông nhạc, còn khi họ vui thì hẳn sẽ là những giai điệu trong trẻo nhất. Chính vì thế, HSPs thường nhận được những phản hồi kiểu như "mày nhạy cảm quá rồi đó", "đừng có lúc nào cũng đóng vai nạn nhân", "em phải mạnh mẽ lên, đừng yếu đuối như vậy", v.v...
E - Emotionally reactive - Nhạy bén với cảm xúc
HSPs nhạy bén với cảm xúc của tất cả mọi người, bất kể có thân thiết với họ hay không. Họ có thể để ý thấy bạn A lúc nãy dập cửa hơi mạnh chắc đang giận ai, bạn B hôm nay ít nói hẳn đang có chuyện buồn, bạn C đăng story tâm trạng thế này thì chắc có biến gì rồi.
Cũng tương tự như đặc điểm "quá khích" phía trên, không khí và cảm xúc của những người xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến HSPs. Bởi vậy chẳng có gì lạ nếu họ có thể bật khóc ngon lành khi xem phim, nghe nhạc, đọc truyện hay cả khi cãi nhau cũng có thể nghẹn ngào, bị người ta nói nặng lời là muốn òa khóc ngay.
S - Sensitivity to Subtleties - Nhạy cảm với những điều nhỏ nhất
Những người nhạy cảm giống như được trang bị sẵn bộ cảm biến tinh chỉnh vậy. Họ rất nhạy trong việc nhận biết được những thứ nhỏ nhặt nhất mà bình thường chả ai để ý tới, chẳng hạn như ánh sáng hơi chói, nhiệt độ trong phòng hơi lạnh/nóng hơn bình thường, tiếng nước nhỏ giọt ở bồn rửa chén, tiếng còi xe của người phía sau, tiếng bấm bút của đứa bạn kế bên,... đều có thể khiến họ khó chịu. Có lẽ, sự nhạy cảm này đến từ việc các giác quan của họ, phổ biến nhất là thị giác và thính giác, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng "hú còi".
Đó chính là 4 đặc điểm cơ bản của HSPs. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta nên làm gì?
NẾU NGƯỜI BẠN YÊU THƯƠNG LÀ MỘT HSP, HÃY:
Chấp nhận và tin tưởng vào năng lực nhạy cảm của họ
Đây là một đặc điểm hết sức bình thường có sẵn trong cơ chế vận hành của cơ thể họ. Cũng như họ, bạn không thể nào thay đổi được điều này.
Khi một HSP đang khóc vì một chuyện không-đáng-khóc-đến-vậy, thay vì bảo họ nín thì hãy động viên tinh thần cho họ. Khi một người từ chối xem phim kinh dị hoặc bạo lực, thay vì cố thuyết phục rằng phải dũng cảm thì hãy chấp nhận là điều này nằm ngoài sức chịu đựng của họ. Bạn không thể biết được những cảnh tượng đó đáng sợ và gây ám ảnh đến mức nào đâu.
Thấu hiểu và sẻ chia
Hãy cho họ cảm giác an toàn.
Chỉ cần bạn bày tỏ thiện chí bằng cách sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với họ và nhớ cho họ không gian riêng tư để họ tự "sạc pin" nữa nhé. Một HSP hạnh phúc sẽ tận dụng sự nhạy cảm của mình để tận hưởng cuộc sống và chăm sóc thật tốt những người xung quanh đấy!
CÒN NẾU BẠN LÀ HSP, HÃY:
Chấp nhận và tin tưởng vào năng lực nhạy cảm của mình
Một lần nữa, đây là một đặc điểm hết sức bình thường trong cơ chế vận hành của cơ thể. Đừng bao giờ cảm thấy có lỗi chỉ vì các giác quan của bạn nhạy bén hay vì một số vùng trên vỏ não của bạn phát triển mạnh giúp bạn để ý mọi thứ xung quanh tốt hơn đa số mọi người đến 80%.
"The ocean does not apologize for its depth and the mountains do not seek forgiveness for the space they take and so, neither shall I." - Becca Lee
------------------------------------
"Đại dương xanh kia chưa khi nào xin lỗi vì nó thẳm sâu, ngọn núi chẳng cần tìm kiếm sự tha thứ vì khoảng không gian mà nó hiên ngang đứng, và chúng ta cũng vậy."
Rèn luyện sự nhạy cảm
Cứ chân thật với cảm xúc của mình vì không ai có thể bắt ép bạn phải cảm thấy khác đi được. Tuy nhiên, chúng ta không sống trên thế giới này một mình.
Chúng ta không thể quyết định cảm xúc, nhưng chúng ta có thể kiểm soát hành vi của bản thân.
Tập thói quen thấu hiểu và phân tích cảm xúc để đưa ra những phản hồi phù hợp là cách để tự bảo vệ mình và đồng thời cũng không làm tổn thương đến cảm xúc của những người xung quanh. Tất nhiên nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng vì khó mới cần phải rèn luyện. Hơn ai hết, chúng ta biết cảm giác bị tổn thương nó tệ như thế nào mà, phải không? Hãy để chính sự nhạy cảm này giúp mình trở nên cứng cáp hơn.
Bảo toàn năng lượng
Sự thật là không ai có thể chữa lành những vết thương lòng của bạn ngoài chính bạn, nên hãy tự bảo toàn năng lượng của mình. Chăm sóc bản thân thật tốt, dành thời gian ở một mình mỗi khi cảm xúc của của bạn quá tải. Hãy tự "sạc pin" bằng bất kỳ hoạt động lành mạnh nào khiến bạn thoải mái và vui vẻ. Và cũng đừng quên rằng phòng cháy luôn tốt hơn chữa cháy. Nếu biết việc đó có hại cho cảm xúc của bạn, đừng làm. Hãy quay lại giải quyết tận gốc vấn đề khi năng lượng tích cực đã đầy nhé.
Bày tỏ cảm xúc đúng cách
Nên nhớ rằng có tới 80% dân số không phải là người nhạy cảm, bởi vậy nếu bạn không bày tỏ cảm xúc rõ ràng và đúng cách thì cũng đừng kỳ vọng người khác phải thấu hiểu cho bạn. Có nhiều người sẵn sàng chia sẻ, yêu thương và bảo vệ bạn ngoài kia, chỉ là hãy tạo cơ hội để họ làm điều đó.
KẾT
Một vài thông tin thêm về HSP:
- HSPs trải dài ở mọi đối tượng bất kể giới tính nào
- Trái với suy đoán của mọi người, có đến 30% HSPs là người hướng ngoại
- Mỗi HSP sẽ nhạy cảm theo những cách khác nhau: có người nhạy cảm về ngôn từ, có người lại nhạy về âm thanh, và tất nhiên cũng sẽ có người nhạy bén hơn về hình ảnh thị giác, v.v...
- Những gương mặt vàng trong làng HSPs: Nhà bác học Albert Einstein, nữ diễn viên Nicole Kidman, mục sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr., ông hoàng nhạc pop Michael Jackson,...
Tóm lại, bất cứ ai khi sinh ra cũng đều mang trong mình một sự nhạy cảm nhất định, chỉ là mức độ nhạy cảm của mỗi người chẳng khi nào giống nhau hoàn toàn. Bởi vậy, Lost Bird mong rằng với những thông tin trên, chúng ta có thể thấu hiểu bản thân hơn để rồi tôn trọng sự khác biệt của nhau nhé.
- 0
- 0Bình luận