logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Languishing - Cảm giác chết trong lòng mà chúng ta không thể gọi tên

Bình thường…

- Vẫn thế…

- Cũng ổn...

Đây có phải câu trả lời quen thuộc của bạn mỗi khi được hỏi “dạo này thế nào?” Nhưng thực chất trong lòng bạn cảm thấy không buồn, không vui, không hứng thú với cái gì, nhưng cũng không biết phải diễn tả ra sao? Bạn nhận ra trong lần giãn cách này, tinh thần của bạn tệ hơn lần trước rất nhiều. Mỗi sáng khi mở mắt, bạn không biết hôm nay mình thức dậy để làm gì… Bạn cố làm việc hay đọc sách, nhưng không thể tập trung quá 5 phút… Bài tập abs của Chloe Ting, làm bánh hay trồng cây, nói chung là những “thú tiêu khiển” đã giúp bạn vượt qua mùa giãn cách thứ nhất đến bây giờ đành mất phép, vì bạn chỉ cảm thấy chán và không muốn làm gì cả. Rồi bạn lại cảm thấy tội lỗi vì tại sao mình không muốn và không thể làm gì cả. Một ngày nữa trôi qua thật vô nghĩa, và bạn thấy mình thật vô dụng.

Hãy cứ bình tĩnh nhé, vì bạn không một mình đâu. Rất nhiều người cũng đang loay hoay với cảm xúc mơ hồ này, và nó được gọi tên là: LANGUISHING.

Đứa con thứ bị phớt lờ của sức khỏe tinh thần

Theo Adam Grant - giáo sư tâm lý học tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và tác giả bài viết "There’s A Name For The Blah You’re Feeling: It’s Called Languishing" đăng trên The New York Times vào 21/04/2021, languishing là cảm giác trì trệ và trống rỗng, là “đứa con thứ bị phớt lờ của sức khỏe tinh thần”, và là “cảm xúc chủ đạo của năm 2021”.

Người trải qua cảm giác languishing không có triệu chứng của rối loạn trầm cảm hay rối loạn lo âu nhưng cũng không phấn chấn hay tích cực. Languishing không phải một chứng bệnh tâm lý, nhưng không có nghĩa là nó không có thật và gây khó khăn cho sinh hoạt của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến khả năng tập trung và bào mòn động lực trong cuộc sống của con người.Languishing nguy hiểm ở chỗ: khi trải qua cảm giác này, bạn có xu hướng buông xuôi. Bạn dần rơi vào sự cô độc và thờ ơ, nhưng cũng thờ ơ với chính sự cô độc và thờ ơ của mình. Khi không nhìn thấy “vấn đề” của bản thân thì rất dễ trượt xuống “thung lũng tiêu cực” - trầm cảm. Nhà xã hội học Corey Keyes - người đầu tiên đưa ra thuật ngữ 'languishing' - dự đoán rằng những người đang trải qua languishing tại thời điểm này có nguy cơ phải đối mặt với trầm cảm trong vòng 10 năm nữa.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Gọi tên cảm xúc - đó đã là một bước khởi đầu tích cực rồi. Khi biết rằng những cảm xúc mơ hồ này cũng có tên, chúng ta cũng sẽ phần nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Mặt khác, cập nhật thuật ngữ ‘languishing’ vào vốn từ vựng của mình sẽ giúp bạn nhận thấy những biểu hiện của nó ở xung quanh mình, trong cử chỉ hay lời nói của những người thân và dễ dàng tìm thấy sự chia sẻ và đồng cảm hơn.(Tuy nhiên mình vẫn không biết languishing nên dịch sang tiếng Việt là gì cho chính xác nhất, bạn nào có gợi ý gì hãy comment nhé.)

Flow - tạm dịch là “dòng chảy”, là một khái niệm mà Adam Grant cho rằng có thể là “thuốc giải” languishing. Nôm na khi bạn flow có nghĩa là bạn tự cuốn mình vào một hoạt động hay một thực hành nào đó như: viết lách, đọc sách, vẽ tranh, nghiên cứu tài liệu, xem phim... để tâm trí tạm thời quên đi không gian và thời gian thực tại.

Cho phép mình có thời gian để flow - Các thói quen như liên tục xem điện thoại, kiểm tra email, check instagram, facebook, tiktok hay làm việc đa nhiệm sẽ phân tán tâm trí và gián đoạn sức tập trung của bạn. Tương tự, nếu bạn có con nhỏ hay phải lo ti tỉ thứ việc không tên thì cũng khó mà flow hơn. Do đó các chuyên gia khuyên rằng chúng ta rất nên dành một khoảng thời gian cố định trong ngày, đều đặn mỗi ngày chỉ để flow - tập trung đọc sách, tập thể dục, xem phim hay tìm tòi khám phá những sở thích mới mà không bị phân tán bởi những mối quan tâm khác. Đây là một phương pháp hiệu quả để nuôi dưỡng tinh thần đủ đầy và tích cực hơn.

Tìm những niềm vui nhỏ - Nghĩ quá xa về tương lai, kế hoạch 5 năm, 10 năm, con đường sự nghiệp, mục tiêu cuộc đời,... trong thời điểm nhạy cảm này rất dễ khiến bạn bị “ngợp” và căng thẳng. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng hơn với bản thân, đặt ra những mục tiêu nhỏ và ăn mừng những chiến thắng nhỏ như là đọc xong một cuốn sách bỏ dở từ 2 tuần trước, nấu thêm được một món ngon hay gọi điện cho bố mẹ sau 1 tháng chạy deadline mà quên mất không hỏi thăm gia đình.

Như đã nói, languishing không phải là bệnh mà là một trạng thái phổ biến nhiều người cùng trải qua khi phải bất ngờ “làm bạn với cô đơn” thêm một lần nữa. Quan trọng là chúng ta phần nào hiểu được nó là gì, để kiên nhẫn với bản thân hơn, bình tĩnh đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của mình, và biết đâu bạn sẽ học được những điều mới mẻ về chính mình và tiến thêm một bước dài trên con đường trưởng thành.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)