Yankee, Bosozoku - Băng đảng Nhật Bản cùng phong cách thời trang và văn hoá
Ở Nhật Bản có không ít các thuật ngữ để chỉ về dân anh chị, đầu gấu như là Sukeban, Ijime, Yakuza, Bancho, Gyaru,… Bài viết này sẽ đề cập về thuật ngữ Yankee và Bosozoku.
????????????????????????
Yankee hay còn gọi là phường bất hảo (不良少年). Yankee thực chất là cách gọi người Nam Mỹ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc. Trong tiếng Nhật yankee được sử dụng để nói về tội phạm vị thành niên, có nguồn gốc từ cụm từ “yanki zuwari (ヤンキー座り)” - ngồi xổm.
Kiểu ngồi xổm là kiểu ngồi mà tất cả Yankee cho là thoải mái nhất. Họ hay ngồi ngay trên đường, trước cửa hàng tiện lợi hay bất cứ nơi nào họ càm thấy thích.
Hầu hết mọi người đều tin rằng các yankee- thế hệ đầu gấu Nhật Bản sẽ trở thành một thành viên yakuza, tuy nhiên không hoàn toàn đúng. Không ít các đầu gấu học đường Yankee sau khi lớn dã chọn sống tử tế.
????????????????????????????????
"Bosozoku – Bạo Tẩu Tộc" (暴走族) là thuật ngữ dùng để gọi các băng đảng đua xe xuất hiện tại Nhật Bản từ sau chiến tranh Thế giới II với đồng phục “chất lừ” mang tên "Tokkoufuku – 特攻服" và những chiếc mô tô độ "Kaizousha – 改造車". Với sự nổi loạn của tuổi trẻ, băng đảng này diễu hành qua khắp các thị trấn và nhiều thành phố, gây ra tình trạng tắc nghẽn đường cao tốc làm cảnh sát nhiều phen phải điêu đứng.
Lịch sử ra đời các băng đảng đua xe Bosozoku
Sau khi chiến tranh Thế giới II kết thúc, đất nước Nhật Bản bị tàn phá khủng khiếp và trở thành đống hoang tàn. Các lĩnh vực công nghiệp và thương mại được đầu tư đổi mới nhưng việc kiến thiết lại xã hội vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Lúc này, những người từng tham gia chiến đấu vốn được cả xã hội tôn vinh trước đây thì vào thời hậu chiến, họ như những người bị "bỏ lại”. Với mong muốn sống lại những ngày tháng chiến đấu anh dũng, cũng như trải nghiệm những cảm giác mạnh, những cựu chiến binh này đã tụ họp lại với nhau và thành lập nên nhóm "Kaminari Zoku" (カミナリ族). Họ bắt đầu lái mô tô cùng nhau qua các thị trấn và nhiều thành phố vào cuối tuần để làm sống lại trong họ những cảm xúc khi đối mặt với hiểm nguy và tình đồng đội ngày xưa.
Dần dần, thế hệ này bắt đầu già yếu và thay thế vào đó là thế hệ trẻ của những năm 1960, 1970. Nguồn năng lượng trẻ tràn vào băng nhóm Kaminari Zoku làm số lượng thành viên tăng lên đột biến. Việc gia tăng thành viên cũng xuất phát từ bối cảnh xã hội Nhật lúc này xảy ra nhiều cuộc bạo loạn. Điển hình là cuộc biểu tình chống lại Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ - Nhật Bản làm nhiều người chết.
Thuật ngữ "Bosozoku – Bạo Tẩu Tộc" (暴走族) xuất hiện khi cuộc xung đột giữa băng đảng đua xe với cảnh sát nổ ra. Nhanh chóng sau đó, thuật ngữ này trở nên phổ biến hơn và tạo nên một làn sóng đua xe trên toàn nước Nhật. Năm 1982 là thời kỳ huy hoàng của Bosozoku khi xuất hiện đến 835 nhóm với số lượng thành viên lên đến 42.510 người.
Bosozoku dần bị suy thoái.
Bắt đầu từ những năm 1990, Nhật Bản rơi vào “thế kỷ mất mát” khi suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy cho giới trẻ. Tình trạng thất nghiệp diễn ra trên diện rộng dẫn đến nguồn thu nhập giảm mạnh. Điều này làm cho việc độ lại xe mô tô trở nên đắt đỏ và xa xỉ. Đỉnh điểm của sự lụi tàn văn hóa Bosozoku chính là cuộc đàn áp của Chính phủ bắt đầu từ năm 2004 khiến cho từng nhóm cũng như cả văn hóa bị xóa bỏ. Cảnh sát Nhật Bản được trao quyền truy bắt bất kỳ thành viên nào đáng ngờ nhằm loại bỏ tất cả các hoạt động nào liên quan đến đua xe. Từ đây, văn hóa Bosozoku tàn lụi và không bao giờ trỗi dậy lần nữa.
Chống lại với phong trào mặc âu phục với cà vạt đang thịnh hình tại Nhật Bản thời bấy giờ, băng đảng Bosozoku đã tự tạo phong cách riêng với thương hiệu đồng phục "chất lừ" xuất phát từ mong muốn tỏ lòng kính trọng với những người tiền nhiệm trong băng đảng.
Bộ đồng phục của họ có tên là Tokkoufuku (特攻服) có hình dạng là bộ đồ liền thân lấy cảm hứng từ lính nhảy dù. Băng đảng Bosozoku đã thiết kế lại với màu sắc và họa tiết trang trí riêng biệt, thêu tên, câu khẩu hiệu và biểu tượng của nhóm lên bộ đồng phục này.
Các thủ lĩnh của băng đảng Bosozoku được nhận diện bằng những chiếc áo khoác với chữ Kanji cách điệu. Áo khoác này sẽ được truyền qua các đời thủ lĩnh. Điều này giúp phân biệt được thành viên mới và thành viên cũ, cũng như tạo biểu tượng cho sức mạnh và sự ổn định của băng đảng Bosozoko trong nhịp sống nhanh và phát triển không ngừng nghỉ tại Nhật Bản lúc bấy giờ.
Biểu tượng chính của văn hóa Bosozoku chính là những chiếc mô tô của họ. Từ những chiếc xe mô tô từ 250-400cc được sản xuất tại địa phương, băng đảng Bosozoku đã độ lại để tạo nên một diện mạo mới vô cùng mạnh mẽ và bắt mắt. Những chiếc xe mô tô này được gọi là "Kaizousha" (改造車)
Được biết, những chiếc mô tô Kaizousha được truyền cảm hứng từ loại xe mô tô chopper của Mỹ và dòng xe đua Cafe racer của Anh. Tuy nhiên, những chiếc mô tô này được độ lại một cách hoàn toàn khác biệt, tạo nên mô tô “độc nhất vô nhị” với ống pô được thay đổi, đầu xe kích thước khủng và đuôi xe khổng lồ. Xe mô tô được sơn bóng loáng cùng hình dán và cờ, trong đó, biểu tượng mặt trời mọc được dán khắp xe và trở thành hình ảnh nhận diện của các băng đảng Bosozoku . Thỉnh thoảng, một số tay đua của băng đảng Bosozoku còn lắp thêm còi đặc biệt để phát các bản nhạc thương hiệu riêng của nhóm.
Cùng với phong cách thời trang nổi loạn, họ cũng để kiểu tóc khác biệt "pompadour" với phần tóc hai bên gáy được cắt gọn, trong khi phần tóc trên đỉnh được để dài và hất ngược về phía sau. Các thành viên của băng đảng Bosozoku cũng thường trang bị sẵn bên mình các loại vũ khí như gậy bóng chày, kiếm gỗ, gậy sắt và bom xăng Molotov.
Hầu hết những tay đua trong băng đảng Bosozoku không quá chú tâm đến tốc độ của xe. Điều họ quan tâm chính là thực hiện những màn trình diễn trên các chiếc xe mô tô độc đáo do mình độ lại. Toàn bộ các tay đua sẽ chạy diễu hành qua các thành phố và thị trấn, thỉnh thoảng con số này lên đến hàng nghìn chiếc, gây ra tình trạng tắc nghẽn đường cao tốc. Đó là những hành động nổi loạn thời tuổi trẻ khó quên của các thành viên Bosozoku
- 0
- 0Bình luận