Tác phẩm điêu khắc ở Nga gây tranh cãi vì trông giống như … đống phân
Moscow đã phải chờ đợi nhiều năm để khánh thành GES-2, một trung tâm nghệ thuật mới, tài trợ bởi quỹ nghệ thuật đương đại V-A-C của tỷ phú người Nga Leonid Mikhelson. Tuy nhiên việc khánh thành lại bị hoãn suốt hơn một năm nay do tình hình dịch bệnh.
Để nhắc nhở người dân về sự tồn tại của dự án này, người ta đã cho lắp đặt một tác phẩm điêu khắc cao 12 mét bên bờ kè Bolotnaya trong trung tâm thành phố, đó chính là Big Clay No.4 của nhà điêu khắc người Thụy Sĩ Urs Fischer. Bề ngoài tác phẩm là sự mô phỏng lại phiến đất sét được nhào nặn trong tay người nghệ sĩ. Tuy nhiên, công trình này ngay lập tức gây ra tranh cãi bởi một số người dân Moscow cả bên ngoài lẫn trên mạng.
"Nó đơn giản chỉ là một đống hỗn độn cao 12 mét." - Diễn viên hài kiêm người dẫn chương trình truyền hình Maksim Galkin viết trên Instagram của mình. Theo đó có hàng trăm bình luận với ý kiến tương tự.
Không chỉ người bình thường, công trình này cũng nhận lại sự ghét bỏ của chính những người trong giới nghệ thuật. Dù đang ở nước ngoài khi công trình được công bố nhưng nghệ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế nổi tiếng Yekaterina Rozhdestvenskaya vẫn bày tỏ sự bức xúc trên Facebook:
Moscow hiện đang có một đống phân! Các bạn thấy đấy, tác giả của nó, một tay Fischer nào đó, đã gọi đống bầy nhầy ấy là 'Big Clay No.4'. Anh ta nhào nặn đất sét bằng tay và có vẻ rất thích cách nó ra đời đấy nhỉ! Chà, các bạn có thể tự mình đi chiêm ngưỡng kết quả mà.
Katerina Chuchalina, người phụ trách V-A-C, cho biết mình bị xuống tinh thần vì sự thiếu tưởng tượng của người dân Moscow. Bà nói, tác phẩm này là hình ảnh của “sự khởi đầu cho một cái gì đó”, đất sét mà “người nghệ sĩ đang nhào nặn trong tay … Big Clay là một phép ẩn dụ cho sự sáng tạo."
Nhà phê bình kiến trúc Grigory Revzin hóm hỉnh diễn tả lại cảm xúc chung của nhiều người:
Chúng tôi tức giận thật sự! Tất cả chúng tôi luôn ấy! Bởi ai cơ chứ? Và họ thì có quyền gì? Chính phủ tìm ở đâu ra vậy?
Revzin cho rằng đây là một tác phẩm điêu khắc khá bình thường, nhưng những tranh cãi quanh nó mới là một phần của mục tiêu. Và từ quan điểm này, nó đã đạt được thành công.
Hơn một thế kỷ trước, nghệ thuật đã áp dụng chiến lược là trở thành một cái tát vào thị hiếu xã hội. Nó sẽ cố tình kích động để người bình thường có những cảm xúc tiêu cực và cường độ tiêu cực đó tự nó rồi sẽ trở thành một tiêu chí của tác phẩm nghệ thuật.
Theo các chuyên gia, những lời bàn tán xung quanh nghệ thuật đương đại là một phần không thể tách rời của bối cảnh. Nhà quan sát nghệ thuật Dmitry Pilikin viết:
Tất nhiên, đó là một hành động khiêu khích có chủ đích (và khá thành công) của Urs Fischer, nó khiến những người bình luận phát điên, tức là chiến lược này được lựa chọn khá chính xác.
Ivan Polissky, người tổ chức Arkhstoyaniye - một lễ hội nghệ thuật lớn lại cho rằng V-A-C đã chọn sai chiến lược.
Bạn không thể nào phớt lờ những người đang hợp tác với bạn được. Ngay cả khi nó hoạt động theo một cách nào đó và cần phải có các tranh cãi xung quanh. Bạn cũng cần nó được xuất hiện trong các viện bảo tàng thay vì chỉ chăm chăm thúc đẩy những tư tưởng phản nghệ thuật.
Về phần mình, nhà điêu khắc Urs Fischer thừa nhận rằng ông không hề mong đợi sự chú ý đến vậy. Ông nói trên kênh truyền hình Moskva 24:
Tôi hoàn toàn thích thú với tác phẩm này, vị trí của nó, nơi nó nằm ... thực sự là một sự kết hợp tuyệt đẹp. Thật tuyệt khi nó được tọa lạc tại một nơi công cộng. Đây là bản năng nguyên thủy nhằm thể hiện một số cảm xúc, cách chúng ta liên hệ chính xác với thế giới này ... đó là nguồn gốc công việc của tôi. Chứ không phải tôi muốn tạo ra thứ gì đó xấu hay đẹp.
Ông cũng nói thêm rằng thủ đô của Nga là nơi thứ ba tác phẩm này xuất hiện. Trước đó, nó đã được đã triển lãm ở New York (Hoa Kỳ) và Florence (Ý).
Tác phẩm của Fischer đã trở thành một phép thử thực sự cho mối quan hệ của xã hội Nga với nghệ thuật đương đại. Trước khi đến Moscow, nó đã được đứng ngay bên cạnh bản sao David của Michelangelo và chẳng bị công chúng nào ở những nơi đó phản đối cả.
Nhà quan sát văn hóa Anna Narinskaya lại không thấy ngạc nhiên khi người Moscow có vẻ khó chịu với tác phẩm trên, bà tin rằng nó có một số điểm giống với công trình Peter Đại đế đứng gần đó. Đây cũng là một trong những tác phẩm điêu khắc bị ghét nhất ở Moscow. Bà viết trong một bài báo: “Tác phẩm điêu khắc lặng lẽ chiếm vị trí của nó giữa những thứ vốn đã bị ghét bỏ khác."
Tác phẩm của Fischer không phải vụ việc gây tranh cãi duy nhất xung quanh nghệ thuật đương đại nước Nga. Với lịch sử lâu dài bao gồm phong trào hiện thực xã hội chủ nghĩa thời Xô Viết, phần lớn chỉ sử dụng những hình ảnh và phương tiện diễn đạt trực tiếp và cực kỳ rõ ràng, thì khi có bất kỳ điều gì mới, đòi hỏi bối cảnh và sự phân tích sâu hơn, thường gây ra sự phẫn nộ của công chúng.
Grigory Rezvin cũng cho rằng điều này dường như đúng với mọi tác phẩm điêu khắc mới được ra mắt, đó có thể là Đài tưởng niệm Chiến sĩ Rzhev, tượng đài người phát minh ra AK-47 Mikhail Kalashnikov, ... và nhiều tác phẩm khác nữa.
- 0
- 0Bình luận