Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài
Thái tử phi 14 tuổi và cuộc hôn nhân chính trị
Marie Antoinette là Vương hậu cuối cùng của nước Pháp trước khi cuộc Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ. Mang biệt danh “phu nhân Chúa Chổm”, lối sống xa hoa của Marie Antoinette trở thành biểu tượng cho sự ngông cuồng không kiểm soát của tầng lớp quý tộc Pháp và là một nguyên nhân khiến bà phải chết trên đoạn đầu đài. Nhưng Marie Antoinette có thực sự là hoàng hậu phù phiếm như lời tố cáo của các nhà cách mạng Pháp? Hay bà chỉ là một vật tế thần khi nước Pháp suy yếu trong tình trạng hỗn loạn kinh tế?
Người đẹp từ nước Áo
Mặc dù đã sống và chết như một nữ hoàng khét tiếng nhất trong lịch sử Pháp, Marie Antoinette - tên thật là Maria Antonia Josefa Johanna - sinh ra là một công chúa người Áo, dòng họ Hapsburg, đối thủ lâu năm của dòng họ Bourbons Pháp. Giống như nhiều cuộc hôn nhân hoàng gia thời bấy giờ, lời hứa hôn giữa Marie Antoinette với vị vua tương lai Louis-Auguste là một ván bài được thực hiện vì lợi ích chính trị. Cuộc hôn nhân được sắp đặt trong tay người mẹ Antonia, Hoàng hậu Áo đầy quyền uy Maria Theresa. Maria Theresa muốn củng cố liên minh để xoa dịu sự thù địch lâu đời giữa Pháp và Áo, chủ yếu như một phương tiện nhằm lật đổ quyền lực đang lên mạnh của nước Phổ và Vương quốc Anh. Bà xem việc con gái của mình kết hôn với người thừa kế ngai vàng Pháp là giải pháp hoàn hảo. Mẹ Antonia định đoạt cuộc sống của tất cả 16 đứa con giống như bà làm với cả đế chế của mình - bằng một nắm đấm sắt. Hoàng hậu đặc biệt khắc nghiệt, thậm chí còn mắng nhiếc công chúa Antonia vô tư, ngay cả sau khi con gái đã lên ngôi.
“Vẻ đẹp của con thật ra không phải là tuyệt vời. Tài năng cũng không, trí tuệ cũng không. Con biết rõ rằng con chẳng có gì”, Maria Theresa viết cho con gái mình sau khi cô trở thành Hoàng hậu Pháp.
Năm 1770, Antonia chính thức thành hôn, trở thành Thái tử phi khi mới 14 tuổi. Từ đây cô chấp nhận cái tên mới mang đúng phong cách Pháp, Marie Antoinette. Pháp lúc này là quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, với cung điện Hoàng gia ở Versailles đẹp lộng lẫy.
Những năm tháng tràn trề sức thanh xuân lại phải ép mình vào bao nhiêu khuôn phép cung đình nghiêm ngặt cùng các phép tắc xã giao, lễ nghi rườm rà kéo dài suốt từ thời Vua Louis XIV khiến Marie Antoinette luôn cảm thấy tuổi trẻ phơi phới của mình bị đánh cắp. Hoàng hậu trẻ tuổi không giấu được sự mệt mỏi và chán nản với những thủ tục khắt khe vây bọc lấy địa vị của mình.
Lễ cưới không có động phòng
Cuộc đời Antonia lên tới đỉnh cao của danh vọng khi nhà vua qua đời và chồng nàng trở thành Vua Louis XVI vào năm 1774. Marie Antoinette, lúc này mới 18 tuổi, chính thức lên ngôi Hoàng hậu nước Pháp.
Nhưng hoàng hậu trẻ tuổi lại không được hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình. Trong khi cả triều đình đều ngay lập tức ngưỡng mộ vẻ ngoài xinh đẹp, yêu kiều của Marie Antoinette, thì Nhà vua lại phải mất một thời gian khá dài để hiểu được hết diễm phúc của đời mình. Theo thông lệ, hai người phải động phòng ngay trong đêm tân hôn, nhưng điều này đã không xảy ra.
Nhà vua bị bệnh hẹp bao quy đầu, gây ra sự cương cứng đau đớn. Không thể gần gũi với chồng, thái tử phi trẻ tuổi Marie Antoinette chuyển ánh mắt sang các bữa tiệc, trò chơi và những người đàn ông khác. Bế tắc trong phòng ngủ hoàng gia không chỉ là vấn đề trong nhà. Đối với Maria Theresa, điều đó có thể khiến gia đình cô phải trả giá về mặt chính trị. Theo lệnh của mẹ, Hoàng hậu Theresa, anh trai Antoinette, Hoàng đế La Mã Joseph II, đã đến thăm em gái và Nhà vua Pháp với hy vọng cải thiện mối quan hệ chăn gối của họ. Ông vi hành dưới tên giả của Bá tước Falkenstein để tránh các nghi thức hoàng gia ngột ngạt cản trở chuyến đi.
Trước khi khởi hành đến Áo, Joseph II đã cho hai vợ chồng một lời khuyên rất cần thiết: Marie Antoinette cần phải có tình cảm hơn với chồng, và Louis XVI nên trải qua một cuộc phẫu thuật đơn giản để điều chỉnh chuyện phòng the.
Những lời khuyên khôn ngoan của Hoàng đế La Mã dường như đã hiệu quả. Bảy năm sau đám cưới, Vua Louis XVI mới thực hiện được bổn phận làm chồng của mình, lúc nhà vua 23 tuổi, còn hoàng hậu 22 tuổi. Sau đó, Marie Antoinette có đứa con đầu lòng, công chúa Marie-Thérèse Charlotte. Những năm tiếp theo, Hoàng hậu cuối cùng của vương triều Pháp có bốn đứa con, nhưng chỉ một người sống đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, Marie Antoinette và Vua Louis XVI giống như bạn bè hơn là một cặp vợ chồng. Nữ hoàng dành nhiều thời gian với những người bạn tâm giao hơn với chồng. Điều này một phần vì họ là hai thái cực đối lập. Marie Antoinette là người phấn khích, ưa các cuộc vui, còn Nhà vua thì tính tình nghiêm túc và kiềm chế. Vương hậu tuổi teen say sưa trong các vũ phòng xa hoa thâu đêm đến tận bình minh, thậm chí đánh bạc hết tiền trong ngân khố. Trong khi đó, Louis có năng khiếu về khoa học và ngôn ngữ, thích ngồi yên tĩnh đọc sách.“Gu của tôi không giống như Vua, ông chỉ thích săn bắn và làm việc”, hoàng hậu viết thư cho một người bạn vào tháng 4/1775. Antoinette cũng nói với người cố vấn tin cậy của mình, Đại sứ Áo Comte Florimond de Mercy-Argenteau, rằng bà “cảm thấy sợ hãi vì buồn chán”. Để tìm thú vui bản thân, Hoàng hậu đã chi rất nhiều tiền cho quần áo, giày dép, tóc giả và trang sức - chủ yếu là kim cương, ngọc trai.
Phu nhân "chúa Chổm"
Ẩn sau hành vi thái quá của Antoinette là một trái tim non nớt. Bà được những người gần gũi mô tả là một người nhân hậu. Hoàng hậu đã từng chăm sóc một người nông dân bị nai húc và nhận nuôi một vài đứa trẻ.
Nhưng lối sống xa hoa, ngang ngược của Antoinette đã lấn át cả lòng tốt của bà, khiến Hoàng hậu trở nên khét tiếng trong hoàng gia và công chúng, và cũng khiến người mẹ nghiêm khắc của bà nổi giận. Sau khi nghe tin con gái mình cư xử xấc xược, Hoàng hậu Áo đã cảnh báo bà phải sửa ngay lối sống. “Con đang sống một cuộc đời tiêu tan”, Hoàng hậu Maria Theresa viết cho con gái, Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette vào năm 1775. “Mẹ hy vọng sẽ không phải sống để nhìn thấy kết cục thảm họa sẽ xảy ra”.
Lời nói của Hoàng hậu Theresa là một điềm báo sớm về số phận người con gái ngang bướng của bà.
Nữ hoàng tiệc tùng
Trước khi Vua Louis XVI lên ngôi, Pháp đã rơi vào suy thoái kinh tế. Mặc dù lối chi tiêu xa hoa của Nữ hoàng Marie Antoinette, chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nước Pháp sụp đổ, nhưng nó không giúp ích gì cho nền kinh tế, mà ngược lại còn gây bất mãn trong cộng đồng.
Hoàng hậu nổi tiếng với việc thường xuyên tổ chức những cuộc vui chơi xa hoa tột đỉnh, mua sắm những bộ trang phục vô cùng đắt đỏ, trang hoàng cung điện bằng những khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân khố trong khi tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ, một phần do Hoàng gia Pháp ủng hộ cuộc Cách mạng Mỹ. Lối sống vung tiền của Marie Antoinette trong tình cảnh khó khăn của đất nước khiến bà bị gán cho biệt danh "Phu nhân Chúa Chổm".
Nữ hoàng gốc ngoại quốc đắm chìm trong những thú vui xa xỉ giữa lúc phần còn lại của nước Pháp đang chết đói, đó là một chủ đề thường thấy thời đó trong những câu chuyện về Marie Antoinette.
Tai tiếng của Hoàng hậu càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự bất tài chính trị của bà. Dưới ảnh hưởng của người mẹ và anh trai, Marie Antoinette đã phạm hết sai lầm chính trị này đến sai lầm khác khi thúc đẩy lợi ích của Áo tại Hoàng gia Pháp. Các đối thủ người Pháp, vốn đã cảnh giác với hoàng hậu ngoại quốc đến từ Áo mà Pháp có chung lịch sử thù địch, lại có thêm lý do để nghi ngờ hoàng hậu không trung thành.
"Hãy cho nông dân chết đói ăn bánh kem"
Bằng cách nào đó, tất cả những tin đồn không hay về Nữ hoàng Marie Antoinette cuối cùng đã dẫn đến một trong những sự trích dẫn sai nổi tiếng nhất trong lịch sử. Sau khi được thông báo rằng người dân Pháp đang chết đói vì không đủ tiền mua bánh mì, Hoàng hậu Antoinette được cho là đã thốt ra những lời chế giễu: “Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy cho họ ăn bánh kem”. Với câu nói này, hoàng hậu trẻ tuổi trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận mặc dù Marie Antoinette được biết đến là người có tính cách khá ân cần.
Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng những lời chế giễu đó chưa bao giờ thốt ra trên môi Marie Antoinette. Lời nói của hoàng hậu có thể đã bị triết gia nổi tiếng thế kỷ 18 Jean-Jacques Rousseau hiểu sai. Một số sử gia khác suy đoán rằng, chủ nhân của câu nói bị chỉ trích trên có thể là một phụ nữ quý tộc gốc Tây Ban Nha. Nhiều người đưa ra giả thuyết rằng những lời chế giễu sau đó được gán vào miệng Marie Antoinette để có thể thúc đẩy cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ Pháp.
Trên thực tế, tình cảm thực sự của Marie Antoinette có lẽ là ngược lại. Trong một lá thư gửi cho mẹ vào khoảng thời gian thiếu bánh mì ở Pháp, bà viết, “chắc chắn rằng khi chứng kiến những người đối xử với chúng con rất tốt dù họ còn đang bất hạnh, chúng con có nghĩa vụ hơn bao giờ hết phải làm việc hết mình vì hạnh phúc của họ”.
Kiệt sức vì nghĩa vụ hoàng gia nhàm chán và sự thù địch tại chốn cung đình, Marie Antoinette trốn tránh bằng cách lui vào khu biệt thự riêng Petit Trianon. Nhưng khu vực khép kín này là một sai lầm nữa của Hoàng hậu Pháp, vì nó thể hiện tâm lý xa lánh và xúc phạm các quan chức khác của triều đình.
Sự suy đồi của Marie Antoinette, sự coi thường của bà đối với nghi thức hoàng gia và nỗ lực rõ ràng của bà trong việc duy trì những cơn gió cuối cùng của chế độ quân chủ trước sự phản kháng ngày càng tăng của người dân khiến bà dễ dàng trở thành mục tiêu của các nhà cách mạng Pháp.
Bê bối tình ái
Một trong những bê bối khác về Hoàng hậu Marie Antoinette đó là việc bà đã ngoại tình sau 7 năm hôn nhân. Thất vọng về người chồng của mình, Hoàng hậu Marie Antoinette đã qua lại với Bá tước Thuỵ Điển hào hoa Axel von Fersen.
Marie Antoinette trúng tiếng sét ái tình với Bá tước Fersen ngay khi hai người gặp nhau lần đầu trong một trận bóng vào tháng 1/1774. Không lâu sau, Hoàng hậu phản bội chồng, hẹn hò bí mật với người tình. Thậm chí, bà còn thường xuyên mời Fersen tới Petit Trianon - ngôi nhà riêng mà bà đã bỏ số tiền tương đương 6 triệu USD để tu sửa theo ý mình.
Đôi tình nhân thường xuyên trao đổi thư từ bí mật cũng như cùng thiết kế nội thất cho ngôi nhà Petit Trianon. Người ta còn cho rằng Bá tước Fersen mới chính là cha đẻ của đứa con trai thứ hai của Hoàng hậu bởi đứa bé chào đời đúng 9 tháng sau khi hai người gặp gỡ. Điều này càng khiến thanh danh của Hoàng hậu Pháp bị tổn hại nghiêm trọng.
Cách mạng Pháp và sự sụp đổ của nền quân chủ
Đến năm 1786, ba năm trước cuộc Cách mạng Pháp, uy tín trước thần dân của Marie Antoinette đổ vỡ nặng nề. Những bức tranh biếm họa và tin đồn về lối sống hưởng thụ khoái lạc của bà cùng những vị khách trong cung điện tiếp tục lan truyền, và được nhấn mạnh hơn bởi những người phản đối chế độ quân chủ.
Một vụ bê bối lớn liên quan đến một chiếc vòng cổ xa hoa được làm từ 650 viên kim cương trị giá 4,7 triệu USD theo giá trị ngày nay, lại không may dính đến Hoàng hậu, còn được gọi là “Chuyện tình chuỗi vòng cổ”- khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Nhưng có lẽ tai hại nhất là những tin đồn rằng con của Hoàng hậu không phải của Nhà Vua. Nhiều người tin rằng ít nhất hai trong số những người thừa kế hoàng gia là kết quả của mối tình say đắm giữa Antoinette với Bá tước Thụy Điển Fersen.
Sự bất mãn ngày càng tăng do tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, trong khi ngân khố Pháp ngày càng cạn kiệt đã biến thành áp lực lên chế độ quân chủ Pháp.
Chiếm ngục Bastilles
Vào ngày 11/7/1789, Vua Louis, dưới ảnh hưởng của các quý tộc bảo thủ trong Hội đồng Cơ mật, cũng như của vợ ông, Hoàng hậu Marie Antoinette, và em trai, Quận công Artois, đã trục xuất vị bộ trưởng cải cách Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ. Đa phần người Paris coi đó là sự khởi đầu cuộc đảo chính của hoàng gia và họ đã nổi loạn.
Ngày 14/7/1789, khoảng 900 công nhân và nông dân Paris đã xông vào ngục Bastille để cướp vũ khí và đạn dược. Không nghe lời Marie Antoinette, Vua Louis XVI đã từ chối gửi quân để dập tắt cuộc nổi dậy. Vì thế cuộc Cách mạng Pháp chính thức bắt đầu.Vào tháng Mười năm đó, đám đông khởi nghĩa gồm hàng ngàn người dân Paris đã đi bộ 12 dặm từ toà thị chính Paris tới Versailles; họ muốn đưa Vua Louis XVI và Hoàng hậu về thủ đô để lãnh trách nhiệm cho sự khốn cùng của người dân Pháp.
Khi kéo đến Versailles, đám đông đã mở rộng lên tới 10.000 người. Họ la hét đòi Hoàng hậu phải xuất hiện trên ban công Cung điện. Marie Antoinette đã làm như vậy, cúi đầu thật thấp về phía đám đông người Paris giận dữ, đến nỗi trong một khoảnh khắc, bà thậm chí còn được chào đón bằng những tiếng hô “Hoàng hậu vạn tuế”.
Nhưng Marie Antoinette hiểu rằng điều đó sẽ không tồn tại lâu. "Họ sẽ buộc chúng ta phải đến Paris, Nhà vua và tôi, sau khi treo đầu các vệ sĩ hoàng gia lên cọc", Hoàng hậu nói khi rút lui vào cung điện. Trong vòng vài giờ, những người biểu tình - mang theo những chiếc cọc nhọn mắc đầu vệ sĩ của Hoàng hậu - đã bắt giữ toàn bộ thành viên hoàng gia và đưa họ về Cung điện Tuileries ở Paris.
Gia đình hoàng gia Pháp sống dưới sự giám sát tại nơi ở mới của họ. Nhưng trong khi Vua Louis XVI vật lộn để sống sót dưới sự canh gác nghiêm ngặt do tính khí thiếu quyết đoán và hiền lành, thì Hoàng hậu Marie Antoinette lại nung nấu ý chí phải hành động.
Kết thúc chế độ quân chủ Pháp
Trong thời gian bị giam cầm tại Tuileries, Marie Antoinette đã tổ chức họp kín với các bộ trưởng, đại sứ, và thông qua các phái đoàn ngoại giao kêu gọi các quốc gia châu Âu khác xâm chiếm Pháp hòng làm lung lay cuộc Cách mạng Pháp.
Sau khi tất cả những nỗ lực của hoàng hậu nhằm dập tắt cuộc cách mạng đều thất bại, cuối cùng hoàng gia đã lên kế hoạch trốn khỏi Paris. Tháng 6/1791, với sự giúp đỡ của người tình Marie Antoinette là Bá tước Fersen, nhà vua, hoàng hậu và các con của họ đã lên xe ngựa chạy đến Montmédy, thành phố gần Hà Lan do Áo kiểm soát. Nhưng đoàn người ngựa đã bị bám theo và cuối cùng bị đội Vệ binh Quốc gia bắt trở lại Paris theo lệnh của Nghị viện.
Với đa số đại biểu trong Nghị viện vẫn còn ủng hộ chế độ Quân chủ lập hiến hơn là chế độ Cộng hoà, các phe phái đã đi đến thỏa thuận cho Vua Louis XVI làm một đấng quân vương bù nhìn: nhà vua phải lập một lời thề trong Hiến pháp và ban sắc lệnh để tuyên bố rằng nếu ông chống lại lời thề đó, chỉ huy quân đội với mục đích gây chiến tranh với quốc gia, hay cho phép ai làm điều đó nhân danh ông thì Vua sẽ phải thoái vị.
Tuy nhiên, trong cuộc nổi dậy ngày 10/8/1792, Nhà vua đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử trước Nghị viện. Vua bị kết tội phản quốc, rồi bị xử chém ngày 21/1/1793.
Trong khi đó, ngày 21/9/1792, nền Cộng hòa Pháp thứ Nhất được chính thức công bố, chấm dứt nền quân chủ kéo dài liên tục một ngàn năm. Louis XVI trở thành quân vương duy nhất của Pháp bị xử tử hình.
Về phần mình, Hoàng hậu Marie Antoinette bị đưa từ Tháp Đền đến Conciergerie ngay sau khi Nhà vua bị hành quyết. Bà chịu chung số phận với chồng, chết trên máy chém vào tháng 10/1793.Năm 1815, sau khi dòng họ Bourbons giành lại quyền lực đối với Pháp, hài cốt của Hoàng hậu và Vua Louis XVI mới được chuyển đến Vương cung thánh đường Saint-Denis.
- 0
- 0Bình luận