logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Tại sao ngày càng có nhiều người chọn ăn chay? (Phần 1)

© Pinterest

Chế độ ăn chay đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm trở lại đây. Nói một cách khái quát, ăn chay tức là ưu tiên thực phẩm từ thực vật hơn các sản phẩm động vật.

Trên thực tế, có nhiều yếu tố khiến mọi người chọn ăn chay và điều này đã giúp khái niệm ăn chay trở nên đa dạng hơn nhiều. Trong phần 1, Lost Bird sẽ giới thiệu 6 kiểu ăn chay thường gặp và những loại thực phẩm nên bao gồm và cần tránh của mỗi kiểu nhé.

1. Lacto-ovo

Một số ý kiến cho rằng chế độ lacto-ovo là kiểu ăn chay truyền thống nhất. Ở chế độ này, bạn sẽ không ăn thịt, cá, nhưng vẫn có thể ăn trứng và các sản phẩm từ sữa.

© Pinterest

Chữ lacto bắt nguồn từ từ lac, tức sữa trong tiếng Latinh, dùng để chỉ sữa bò và các chế phẩm từ sữa. Chỉ có động vật có vú như bò và người mới có thể sản xuất sữa. Còn chữ ovo bắt nguồn từ từ ovum, tức trứng trong tiếng Latinh, dùng để chỉ trứng.

© Healthline

Chế độ ăn chay lacto-ovo bao gồm các loại rau củ quả, trứng, sữa, phomai, bơ, sữa chua, kem chua, kem và các chế phẩm từ sữa khác, đồng thời không ăn tất cả các loại thịt động vật như thịt bò, heo, gà, cá.

Chế độ lacto-ovo là lựa chọn phổ biến của nhiều người ăn chay vì lý do tôn giáo như Ấn Độ giáo và Phật giáo.

2. Lacto

Lacto là kiểu ăn chay cho phép các thực phẩm từ thực vật, sữa và các chế phẩm từ sữa, đúng như ý nghĩa của từ lacto đã giải thích ở trên.

Chế độ ăn chay này bao gồm các chế phẩm từ sữa như sữa bò và các loại thực phẩm được làm từ sữa như phomai các loại, bơ, kem chua, sữa chua, kem,... Người theo chế độ lacto không ăn tất cả các loại thịt động vật như thịt bò, heo, gà, cá và cả trứng.

Cũng giống như lacto-ovo, chế độ lacto là sự lựa chọn của những người ăn chay theo tôn giáo như Kỳ Na giáo (Jaïn), Ấn Độ giáo và Phật giáo.

3. Ovo

© Healthline

Những người chọn chế độ ovo không ăn/uống sữa và các chế phẩm từ sữa, nhưng vẫn dùng được trứng. Họ có thể thoải mái ăn các món trứng chiên, trứng chần, trứng luộc, trứng nướng hay sử dụng trứng trong mỳ, bánh mì và bánh ngọt các loại.

© ChinaSichuanFood

Ngoài việc không ăn thịt và cá, chế độ ăn chay ovo còn loại trừ sữa và tất cả các thực phẩm được chế biến từ sữa như sữa bò, phomai, bơ, kem chua, sữa chua, kem,...

4. Flexitarian

Với tiền tố flexi ở tên gọi, đây là chế độ ăn chay linh hoạt được thiết kế để người ăn có thể chủ động hơn so với chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay trường. Chế độ này làm nổi bật những lợi ích của thực phẩm gốc thực vật mà vẫn cho phép một lượng nhỏ các sản phẩm động vật.

© Pinterest

Những người chọn chế độ flexitarian chủ yếu tập trung ăn các loại rau củ quả và vẫn ăn thịt, cá và các sản phẩm khác từ động vật như trứng, sữa ở mức độ vừa phải.

Nguyên tắc chính của chế độ flexitarian, tức ăn chay linh hoạt, là ưu tiên chọn thực phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật, bổ sung đạm chủ yếu từ thực vật thay vì động vật, hạn chế thêm đường và các thực phẩm chế biến sẵn nếu có thể, thỉnh thoảng kết hợp thịt và các sản phẩm động vật.

Về cơ bản thì người theo chế độ flexitarian không được coi là người ăn chay bởi vì họ thỉnh thoảng vẫn ăn thịt. Việc thiết kế chế độ ăn uống sao cho phù hợp với lối sống của bản thân là sự lựa chọn của mỗi người.

5. Pescatarian

Chế độ pescatarian là chế độ ăn bao gồm thực phẩm gốc thực vật và cá. Như các kiểu ăn chay phía trên, bạn có thể đoán được thông qua từ pesce có nguồn gốc từ tiếng Ý, nghĩa là .

Những người theo chế độ pescatarian sẽ ăn các loại cá như cá ngừ, cá bơn, cá hồi và các món có cá như sushi, sashimi nhưng phải kiêng các loại thịt khác như thịt bò, heo, gà, v.v... Ngoài ra, các món từ trứng và sữa cũng có thể được ăn tùy từng trường hợp cụ thể.

Lợi ích từ chế độ pescatarian là có thể cung cấp cho cơ thể các axit béo omega-3 lành mạnh từ cá và hải sản. Đây là một trong những dưỡng chất có thể bị thiếu trong một số chế độ ăn chay nhất định.

6. Vegan / Thuần chay

Thuần chay là chế độ ăn chay loại trừ tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật: tất cả các loại thịt, cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa. Một số người theo chế độ thuần chay cũng chọn không sử dụng mật ong.

© The Bojon Gourmet

Chế độ ăn thuần chay chỉ dựa trên thực phẩm gốc thực vật, bao gồm trái cây, rau, củ, ngũ cốc, quả hạch, hạt và các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu lăng, v.v...

Người ăn thuần chay có thể kết hợp các loại thực phẩm gốc thực vật cho các sản phẩm động vật truyền thống, chẳng hạn như sữa hạt, sữa đậu, các chế phẩm từ sữa thực vật, các sản phẩm thay thế trứng có nguồn gốc thực vật và các sản phẩm gốc thực vật thay thế thịt như đậu phụ (đậu hũ), tempeh (món tương nén có nguồn gốc từ Indonesia), mì căn và mít.

Hoisin glazed tempeh bowl - © The Curious Chickpea
Sữa hạt ngày càng được nhiều người ưa chuộng - © Pinterest

Bên cạnh mối quan tâm về sức khỏe và môi trường thì đạo đức cũng là một lý do chính khiến nhiều người chọn chế độ ăn thuần chay.

Ngày nay, thuần chay không chỉ là một chế độ ăn mà đã mở rộng ra thành lối sống của một bộ phận không nhỏ. Từ việc ăn thuần chay, nhiều người đã bắt đầu ưu tiên các sản phẩm tiêu dùng lành tính như quần áo, giày dép, mỹ phẩm,... không chứa các thành phần có nguồn gốc từ động vật hay đã được thử nghiệm trên động vật.

Vì nguồn cung cấp thực phẩm cho chế độ ăn thuần chay khá hạn chế so với các chế độ khác nên có xu hướng ít chất dinh dưỡng. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường khuyến nghị người ăn thuần chay nên bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất như vitamin B12, sắt, omega-3, kẽm, v.v...

Tạm kết

Tùy theo nhu cầu, mục đích và quan điểm cá nhân mà mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho chế độ ăn hàng ngày của mình.

Nếu bạn quan tâm đến chế độ ăn chay thì nhớ theo dõi phần 2 của bài viết nha. Lost Bird sẽ tiếp tục bật mí cách chọn chế độ ăn chay sao cho phù hợp nhất, đồng thời giải thích một số lý do tại sao xu hướng ăn chay ngày càng được nhiều người đón nhận đó.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)