Pin mặt trời làm từ chất thải thực phẩm
Carvey Ehren Maigue, một sinh viên kỹ thuật thuộc đại học Mapúa, Philippines đã được vinh danh là người chiến thắng tại giải thưởng Bền vững toàn cầu James Dyson nhờ chế tạo hệ thống AuReus. Phát minh này cho phép các loại rau củ phế thải được tái chế trở thành các tấm pin có thể tạo ra năng lượng sạch từ tia cực tím.
Khác với các tấm pin mặt trời truyền thống, chỉ hoạt động trong điều kiện quang đãng, có ánh sáng mặt trời, vật liệu AuReus có thể thu năng lượng từ các tia UV ngay cả trong điều kiện ánh sáng hạn chế.
Việc sử dụng AuReus như một lớp phủ huỳnh quang cho cửa sổ hoặc mặt tiền bên ngoài tòa nhà để thu các tia UV đã tối đa hóa lượng năng lượng có thể được tạo ra. Hệ thống được đặt tên theo cực quang Borealis và lấy cảm hứng từ hiện tượng tạo ra năng lượng của các cột ánh sáng. Những hạt phát quang trong khí quyển, trước khi bị phân hủy, đã hấp thụ các hạt năng lượng như tia cực tím hoặc tia gamma và tạo ra ánh sáng nhìn thấy được.
Tương tự, hệ thống của Maigue sử dụng các hạt phát quang có nguồn gốc từ rau củ phế thải. Để tách chúng từ các loại trái cây và rau quả, Maigue đã nghiền chúng và chiết xuất nước ép trước khi lọc, chưng cất hoặc ngâm.
Maigue cho biết: Ánh sáng được tạo ra nhờ phản xạ bên trong của vật liệu và tự điều chỉnh hướng phát xạ ánh sáng nhờ các mẫu laser. Sau đó, ánh sáng được tích trữ và chuyển đổi thành điện năng bởi một chuỗi tế bào quang điện (PV) tương tự tế bào quang điện ở pin mặt trời thông thường.
Có khoảng một phần tư dân số Philippines sống nhờ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do sự nóng lên toàn cầu, ngành này đang chịu ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan với tần suất thường xuyên hơn.
Maigue chia sẻ: Tạo ra AuReus đồng nghĩa với việc tạo ra một giải pháp năng lượng hướng tới tương lai, tạo ra giá trị hiện tại cho người nông dân, những người đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.
Tiếp theo, Maigue có kế hoạch biến chất nền AuReus thành sợi vải và các tấm cong để gắn vào xe cộ và máy bay.
- 0
- 0Bình luận