Jonny Johansson - Khi nhà thiết kế theo đuổi chủ nghĩa tối đa tạo nên sự tối giản trong thời trang
Jonny Johansson được sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Umeå, Thụy Điển vào năm 1970. Với mẹ là một nghệ sĩ và bố là một nhạc sĩ, Jonny đã được tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm. Khi còn bé, Jonny bị ảnh hưởng bởi những thiết kế mang nét truyền thống của Thụy Điển và thậm chí là đồ nội thất của ông bà mình, nhưng trở thành một nhà thiết kế thời trang lại chưa từng nằm trong suy nghĩ của anh. Thay vào đó, anh lại muốn được như cha mình và theo đuổi ước mơ nhạc sĩ, tham gia một ban nhạc.
Sau khi học xong trung học, Jonny thành lập một ban nhạc rock mang tên Violet. Với tư cách là người điều hành ban nhạc, Jonny phụ trách cả việc thiết kế trang phục cho buổi biểu diễn và các áp phích đi kèm. Điều này đã giúp Jonny trải nghiệm nghệ thuật toàn diện, không chỉ ở khía cạnh âm nhạc.
“Tôi cũng cảm thấy rằng, trở thành một người sáng tạo không chỉ là một loại ý nghĩa, một cách biểu hiện mà còn là rất nhiều thứ kết hợp với nhau.” - Jonny trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Net-A-Porter.
Năm 1996, sau một thời gian ngắn làm việc tại Diesel, anh đã sáng lập nên ACNE cùng với Tom Skoging và hai đối tác khác. Lấy cảm hứng từ Andy Warhol’s Factory, công ty có trụ sở tại Stockholm muốn trở thành một nơi tư vấn nghề thuật toàn diện. Mặc dù cái tên Acne có thể gây nhầm lẫn với lĩnh vực da liễu nhưng Jonny đánh giá cao về việc “sử dụng một từ khó” và biến nó thành một yếu tố văn hóa. Acne Studios mong muốn kết hợp 4 yếu tố trụ cột: quảng cáo, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và thời trang, để tạo nên một thứ gì đó thực sự tuyệt vời. (ACNE ban đầu là từ viết tắt của Associated Computer Nerd Enterprises, sau này được đổi thành Ambition to Create Novel Expressions).
Vào thời điểm đó, Jonny mới 26 tuổi, nguồn cảm hứng đưa anh đến với thế giới thời trang là người bố với phong cách ăn mặc không giống ai. Ban đầu khi còn là một đứa trẻ, anh cảm thấy xấu hổ vì sự khác thường của bố mình. Nhưng khi lớn hơn, anh bắt đầu nhận ra rằng sự khác thường khiến bạn trở nên độc nhất. Jonny bị thuyết phục rằng “không có cách nào để ăn mặc đẹp nhất” - quần áo nên được diễn giải theo cách riêng của bạn. Anh thích xem thời trang như một thể hiện của sự sáng tạo hơn là một “gánh xiếc của người nổi tiếng”.
Jonny Johansson không chỉ là một nhà thiết kế, anh tiếp cận thời trang theo một hướng mới, lấy cảm hứng từ nhiếp ảnh, nghệ thuật, văn hóa, lướt sóng và kiến trúc. Trong những năm qua, chàng trai người Thụy Điển này vừa biến Acne Studios trở thành một thương hiệu thời trang nổi tiếng, vừa thay đổi bối cảnh của thời trang với những quan điểm mới mẻ về xu hướng, chất liệu vải và trang phục.
“Tôi thực sự say mê tính “trung thực” trong thời trang. Tôi đang cố gắng duy trì sự hiện đại, đồng thời cũng mang tính cá nhân. Đôi khi, tôi thấy thời trang như trở thành một chủ nghĩa đẹp lạ (exoticism). Tôi nghĩ rằng thực tế thú vị hơn nhiều, bạn biết đấy, cuộc sống hằng ngày diễn ra theo một cách nào đó.” - Jonny giải thích trong buổi phỏng vấn với tạp chí GQ.
Khi thương hiệu đạt được sự công nhận toàn cầu, nhiều người cũng thắc mắc rằng liệu Jonny có ứng dụng thiết kế Scandinavian vào thời trang hay không? Nhưng bản thân Jonny lại không thực sự hiểu cách trả lời câu hỏi. Anh chia sẻ rằng,
“Tôi đã thực hiện một dự án lớn về một kiến trúc Scandinavian, mất khoảng một năm để xem liệu tôi có mối quan hệ nào đó với kiểu thiết kế này hay không và cố gắng tìm hiểu xem nó là gì? Nhưng thật không may, kết luận cuối cùng chỉ ra rằng tôi là một người theo chủ nghĩa tối đa. Vấn đề là tôi nghĩ chủ nghĩa tối đa quan trọng và mang tính dân chủ hơn chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa tối giản bị hạn chế rất nhiều. Trong khi chúng tôi lại liên quan nhiều hơn đến thiên nhiên khi nói đến màu sắc và kết cấu, cách mọi thứ được sản xuất hoặc bất cứ thứ gì, và đồng thời phải hữu ích.”
Jonny mô tả cách tiếp cận của mình là đa lĩnh vực và anh không thích thời trang vì không quan tâm đến xu hướng. Anh thường thiết kế theo ý thích, một động thái gây khó hiểu cho các nhà phê bình khi xem các buổi trình diễn thời trang của anh. Đơn cử như năm 2016, anh đã tạo nên một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ trang phục quân đội vì anh nhớ lại thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một lần khác, anh bắt đầu thiết kế nên nhiều quần áo sử dụng gam hồng và tím vì anh nghĩ rằng chúng “kì lạ”.
Vốn bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhạc sĩ, anh không theo học về thời trang truyền thống. Vì vậy, với Jonny, mỗi thiết kế là một sự học hỏi, thử và sai. Anh thích thời trang mang tính “trung thực” và “hiện đại”, có thể nói, Jonny Johansson tập trung vào tính thực dụng trong thời trang ngay từ những ngày đầu thành lập.
“Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi chưa bao giờ nói rằng chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu streetwear hay một thương hiệu ready-to-wear, chúng tôi chỉ nói rằng muốn làm thời trang. Nó giống như: “Được rồi, đâu là loại quần áo quan trọng nhất đối với mọi người trên thế giới ngày nay?”. Bởi vì chúng tôi muốn thực sự hiện đại...đó là lí do tại sao chúng tôi bắt đầu với quần jeans...nhưng điều quan trọng với tôi là luôn có điều gì đó đan xen giữa chúng.”
Sự cống hiến của Jonny Johansson đối với thời trang đương đại cho phép anh không chỉ tìm thấy “tấm vải trắng của thời trang” bằng vải denim mà còn để lại dấu ấn nghệ thuật của riêng mình trên đó. Ngay từ khi thành lập Acne Studios vào năm 1996, thương hiệu vẫn luôn cống hiến cho mục tiêu và tầm nhìn sáng tạo của mình: nơi hội tụ các bộ môn nghệ thuật. Không phụ thuộc quá nhiều vào các ngôn từ thông dụng của đương đại, Jonny Johansson đã thể hiện rất tốt vai trò của một giám đốc sáng tạo.
- 0
- 0Bình luận