Điều gì làm nên thành công của thương hiệu thời trang Thụy Điển - Acne Studios?
Acne Studios là một thương hiệu thời trang có trụ sở tại Stockholm sở hữu một di sản đa ngành. Ban đầu, ACNE được thành lập vào năm 1996 như một phần của một tập thể sáng tạo tập trung vào đồ họa, thiết kế, film, sản xuất và quảng cáo. Vào năm 1997, Jonny Johansson (người sáng lập và giám đốc sáng tạo của thương hiệu) đã sản xuất và tặng 100 chiếc quần jean với những đường chỉ khâu màu đỏ cho người thân và bạn bè, điều này đã tạo tiền đề thúc đẩy mảng thời trang của doanh nghiệp phát triển.
Vào năm 2006, thương hiệu đã tách khỏi ACNE để trở thành một công ty độc lập mang tên Acne Studios. Năm 2012, Acne Studios phát hành cuốn sách đầu tiên được hợp tác với nhiếp ảnh gia Lord Snowdon với tên gọi Snowdon Blue. Đồng thời, thương hiệu cũng mở cửa hàng flagship đầu tiên của mình tại New York. Năm 2014, Acne Studios cho ra mắt Acne Paper, một tạp chí định kì 6 tháng từng là phương thức quảng cáo duy nhất của hãng trong một thập kỉ, nay đã ngừng hoạt động.
Năm 2017, Acne Studios tái ra mắt bộ sưu tập denim mang tên Acne Studios Blå Konst và tiếp tục mở các cửa hàng tại Los Angeles, Milan và một điểm bán lẻ khác ở San Francisco. Tính đến nay, thương hiệu đã phát triển đáng kể với 40 địa điểm bán lẻ trên khắp thế giới và các cửa hàng hàng đầu ở Paris, London, New York, Los Angeles và Tokyo.
Jonny mô tả phong cách của Acne Studios là tối giản theo cách của chủ nghĩa tối đa. Kể từ những chiếc quần jeans chỉ đỏ đặc trưng được tung ra vào năm 1997 và trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trên Vogue Paris và Elle Thụy Điển, các bộ sưu tập sau này đều mang tính chiết trung, tập trung vào việc may đo và sử dụng đa dạng chất liệu. Phong cách cốt lõi của Acne Studios không chỉ là “sẵn sàng để mặc” mà nó còn dễ mặc, nhờ vào sự tối giản, thực dụng và hiện đại. Thương hiệu phản ánh những ảnh hưởng từ sự yêu thích của Jonny với nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa đường phố.
Đơn cử như bộ sưu tập Thu Đông 2017 được lấy cảm hứng từ những con rối ngón tay mà Paul Klee, nghệ sĩ nổi tiếng người Đức gốc Thụy Sĩ, đã làm cho con trai mình vào giữa những năm 1910 và 1920. Bộ sưu tập sử dụng vải lanh để tạo thành những chiếc váy dài tông màu đất với những đường cắt bất đối xứng dọc theo chiều dài váy. Jonny luôn thích thử nghiệm các tỉ lệ và giới hạn của cơ thể bằng những phom dáng cực đại. Trong bộ sưu tập này, anh đã vượt lên trên các quy ước may đo để đem đến những chiếc áo khoác blazer kẻ sọc mặc ngược với chiều dài chấm đất. Acne Studios thường được biết đến với định hướng thiết kế thiên về nghệ thuật nhưng lần này, Jonny quyết định quay về nguồn gốc của thương hiệu là chất đường phố và vật liệu denim quen thuộc. Điều này được thể hiện qua chiếc quần và những bộ suit sọc trắng và chàm.
Nguồn cảm hứng của Jonny Johansson cũng có thể đến từ bất cứ đâu và thường gây sự bối rối hoặc ngạc nhiên cho các khán giả tham dự buổi trình diễn. Từ chuyến tham quan cuối tuần tại Lâu đài Lismore, nơi ngự trị của Công tước xứ Devonshire của Ireland trong suốt 250 năm qua, Jonny đã được truyền cảm hứng từ người phụ nữ trong gia tộc, Debo, Nữ công tước xứ Dowager và cho ra mắt bộ sưu tập Pre-Fall 2011 vỏn vẹn 10 thiết kế mang đậm sự nữ tính. Tất cả được thể hiện qua những chiếc váy xòe, kết hợp với sự đơn giản của chiếc áo sơ mi trắng được sơ vin và một chiếc áo khoác da.
“Trước đây tôi chưa bao giờ bị cuốn hút bởi những thứ kinh điển, nhưng bây giờ, tôi có lí do để làm nên điều đó.” - Jonny Johansson chia sẻ cảm nghĩ của mình về bộ sưu tập
Jonny Johansson luôn khiến công chúng nhớ đến bởi sự khác thường của mình. Tư duy của nhà thiết kế không những được thể hiện qua các bộ sưu tập mà còn thông qua bao bì của sản phẩm. Đặc biệt là chiếc túi lớn màu hồng kinh điển của Acne Studios. Cũng giống như chiếc quần jean chỉ đỏ đầu tiên, chiếc túi màu hồng vừa ra mắt bị xem là xấu xí và kì quặc vì màu hồng ở thời điểm đó không được nhiều người ưa chuộng. Nhưng đó lại chính xác là điều Jonny thích và làm nên thành công của Acne Studios. Thay vì chọn những con đường dễ dàng, anh thích những sản phẩm có “năng lượng” nhất định và khiến mọi người phải suy nghĩ. Khi thiết kế chiếc túi, anh ấy biết rõ mọi người sẽ không thích nó vào ban đầu, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ bắt đầu đánh giá cao nó. Jonny thích thách thức những quan điểm, lí tưởng và xu hướng làm đẹp hiện có, vốn là một mục tiêu được thể hiện từ tên thương hiệu. (Acne là từ viết tắt của Ambition to Create Novel Expression).
- 0
- 0Bình luận