logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Tại sao không thể rơi nước mắt? (P.1)

Có những lúc bạn muốn khóc nhưng không thể? Bạn cảm nhận được cảm giác muốn ứa nước mắt nhưng cuối cùng vẫn không có giọt lệ nào rơi?

Hoặc cũng có thể bạn chưa bao giờ cảm thấy muốn khóc cả, ngay cả khi phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó chịu hoặc đau khổ. Những người xung quanh bạn đều khóc, còn bạn vẫn không thể.

Nếu những mô tả phía trên đúng với bạn, hẳn bạn đã ít nhất một lần tự hỏi tại sao mình lại khó khóc đến vậy. Đừng lo! Lost Bird sẽ giải đáp ngay sau đây những nguyên nhân thường gặp nhất nhé.

Những lý do y khoa

Trên thực tế, có những người không thể khóc chỉ đơn giản là do khả năng điều tiết nước mắt của cơ thể họ. Một số hội chứng thường gặp bao gồm:

Keratoconjunctivitis sicca

Thường được biết đến với tên gọi Dry Eye Syndrome (hội chứng khô mắt), hội chứng này có liên quan đến việc giảm sản xuất nước mắt.

Hội chứng khô mắt thường xuất hiện ở :

  • Phụ nữ mang thai hoặc có những thay đổi hormone liên quan đến thời kỳ mãn kinh
  • Người ở tuổi trưởng thành
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Người mắc các vấn đề về tuyến giáp
  • Người bị thấp khớp
  • Người sử dụng kính áp tròng
  • Người bị viêm hoặc co thắt mí mắt

Hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögren là một loại bệnh lý tự miễn thường xuất hiện nhất ở phụ nữ trên 40 tuổi. Hội chứng này khiến các tế bào bạch cầu trong cơ thể tấn công các tuyến tiết nước mắt và nước bọt, gây khô mắt và khô miệng.

Nhân tố môi trường

Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô hoặc nhiều gió, bạn có thể quan sát thấy rằng cơ thể sẽ ít tiết nước mắt hơn. Điều này xảy ra do không khí khô khiến nước mắt của chúng ta bay hơi nhanh chóng.

Bên cạnh đó, nước mắt cũng dễ bay hơi hơn nếu không khí xung quanh có khói do cháy rừng hoặc các nguyên nhân khác.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc cũng có thể giảm khả năng tiết nước mắt. Nếu sử dụng những loại thuốc sau đây thì có khả năng bạn sẽ khó rơi nước mắt hơn:

  • Thuốc tránh thai, đặc biệt nếu bạn cũng đeo kính áp tròng
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi
  • Thuốc huyết áp

Ngoài ra, phẫu thuật khúc xạ (LASIK) cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất nước mắt. Vì vậy không có gì lạ khi bạn bị khô mắt sau khi trải qua phẫu thuật khúc xạ.

Các nguyên nhân khác

Nếu không mắc những bệnh lý ảnh hưởng đến việc tiết nước mắt thì việc bạn không thể khóc có thể liên quan đến các yếu tố cảm xúc hoặc tâm lý.

Trầm cảm u sầu

Các dạng khác nhau của bệnh trầm cảm có thể bao gồm một loạt những triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, những người sống chung với bệnh trầm cảm sẽ không nhất thiết có những trải nghiệm giống hệt nhau.

Trầm cảm u sầu là một loại của rối loạn trầm cảm, thường bao gồm các triệu chứng nghiêm trọng.

Với chứng trầm cảm u sầu, người mắc có thể cảm thấy:

  • Không cảm xúc
  • Như bị chậm lại
  • Tuyệt vọng, trống trải, ảm đạm
  • Không quan tâm và không hứng thú đến thế giới xung quanh

Người mắc chứng trầm cảm u sầu thường không tương tác với các sự việc/hiện tượng, (nhất là những sự việc/hiện tượng tích cực) theo cách mà họ thường tương tác. Trên thực tế, họ có thể cảm thấy như thể họ đang bị ngắt kết nối cảm xúc. Chính vì thế rất khó để người mắc chứng trầm cảm u sầu rơi nước mắt được.

Anhedonia

Anhedonia thường xuất hiện như một triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng đồng thời cũng có thể phát triển thành một trạng thái riêng biệt, hoặc trở thành triệu chứng của các tình trạng sức khỏe tâm lý khác.

Anhedonia được miêu tả là sự mất hứng thú và niềm vui trong các hoạt động xã hội hoặc cảm giác thể chất. Họ không chỉ cảm thấy niềm vui bị giảm đi mà còn có thể nhận thấy khả năng thể hiện cảm xúc của mình cũng giảm sút. Một số người mắc chứng anhedonia (đặc biệt là anhedonia của bệnh trầm cảm) nhận thấy rằng họ còn không thể khóc nữa.

Cảm xúc bị kìm nén hoặc chối bỏ

Một số người gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, vì vậy họ thường đối phó bằng cách gạt hết cảm xúc sang một bên hoặc đơn giản là giấu nhẹm đi.

Việc kìm nén cảm xúc ban đầu là do chủ ý, nhưng dần dần theo thời gian sẽ tự động trở thành một thói quen. Cuối cùng, họ có thể trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc của mình một cách nhẹ nhàng. Ngay cả khi có điều gì đó khiến họ khó chịu, họ cũng không thể hiện ra nhiều phản ứng nữa.

Do đó, tuy khả năng khóc của họ về mặt thể chất vẫn hoàn toàn ổn nhưng nước mắt không chảy ra được.

Niềm tin cá nhân về việc khóc

Nếu một người tin rằng khóc chỉ cho thấy sự tổn thương hoặc thể hiện sự yếu đuối thì họ sẽ có xu hướng kìm nước mắt. Và rồi cuối cùng, họ thậm chí không cần phải nỗ lực để giữ cho mình không khóc nữa. Họ sẽ thực sự không khóc luôn!

Có một sự thật thú vị là phần lớn mọi người chỉ bắt đầu đánh đồng việc khóc là dấu hiệu của sự yếu đuối từ khi họ bị chê cười bởi những người xung quanh khi còn nhỏ (có thể là cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa, bà hàng xóm, v.v...).

Bên cạnh đó, không rơi nước mắt cũng có thể phát triển như một hành vi đã học được. Nếu các thành viên trong gia đình và những người thân cận không bao giờ khóc, thì người đó có khả năng không được học rằng khóc cũng chỉ là một hình thức biểu lộ cảm xúc tự nhiên.

Tạm kết

Tuy khóc được xem như một phản ứng tự nhiên của con người nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng thể hiện. Ngoài những lý do y khoa như hội chứng khô mắt, hội chứng Sjögren, nhân tố môi trường, tác dụng phụ của thuốc thì có thể những người khó rơi nước mắt gặp các vấn đề khác liên quan đến cảm xúc hoặc tâm lý như bệnh trầm cảm u sầu, chứng anhedonia, thói quen kìm nén/chối bỏ cảm xúc hoặc niềm tin cá nhân về việc khóc.

Ở phần 2, Lost Bird sẽ tiếp tục cùng các bạn tìm hiểu xem liệu khóc có thực sự quan trọng với chúng ta. Trong trường hợp bạn muốn dễ dàng bộc lộ cảm xúc hơn bằng nước mắt thì cũng đừng quên theo dõi tiếp nha.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)