logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Tại sao không thể rơi nước mắt? (P.2)

Không thể khóc có tệ lắm không?

Có thể nhiều bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng khóc đôi khi cũng rất quan trọng.

Nước mắt thực ra đảm nhận khá nhiều chức năng khác nhau. Nước mắt vừa có lợi cho cơ thể chúng ta, vừa mang lại cảm giác nhẹ nhõm và khiến cảm xúc thăng hoa.

Ở cấp độ cơ bản nhất, khóc rửa sạch bụi bẩn giúp đôi mắt của chúng ta sạch sẽ và khỏe mạnh. Nước mắt cũng giúp giảm đau thông qua việc giải phóng endorphin. Do đó, khóc sau khi bị thương có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn đó.

Người ta cho rằng nước mắt cảm xúc còn giúp rửa sạch các độc tố (chẳng hạn như các hormone gây căng thẳng) ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, khóc cũng là một cách để thể hiện cảm xúc nên nước mắt hoàn toàn có thể giải tỏa căng thẳng và áp lực, giúp cải thiện tâm trạng.

Nước mắt cũng thay lời bạn nói với người khác rằng bạn đang buồn, và nhờ vậy họ biết bạn cần được an ủi và động viên. Chính vì thế, bằng một cách nào đó, khóc có thể giúp củng cố mối quan hệ của bạn với những người xung quanh.

Một số cách để tập... khóc

Nếu đã đọc hết phần 1 nhưng bạn vẫn không chắc đâu là lý do khiến mình không thể khóc thì có thể bạn sẽ cần tư vấn bởi các chuyên gia, bác sĩ hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín. Sau khi họ đã loại trừ hết các rủi ro sức khỏe thì bạn có thể thử một số cách sau đây để xem liệu bạn có thực sự không thể rơi nước mắt không nhé.

Dành thời gian để quan sát phản ứng của bản thân

Nếu bạn đã quen với việc kìm nén hoặc chối bỏ những cảm xúc mạnh thì có thể bạn đã bỏ lỡ nhiều phản ứng của bản thân khi đối mặt với tình huống gợi dậy cảm xúc sâu sắc, chẳng hạn như khi mất người mình yêu thương hoặc khi bỏ lỡ cơ hội trong mơ.

Thay vì tương tác lại, bạn có xu hướng nhún vai và tỏ ra bất cần trước nỗi buồn.

Tuy việc phải ngồi đó cảm nhận nỗi buồn hay sự đau khổ tất nhiên không hề dễ chịu chút nào hết nhưng nhìn chung, đó vẫn là việc chúng ta cần làm. Cố gắng chối bỏ cảm xúc sẽ khiến chúng ta bị ngắt kết nối với trải nghiệm của mình, từ đó ngăn chặn những phản ứng cảm xúc tự nhiên như khóc.

Thoải mái hơn với cảm xúc của bạn

Thật khó để thoải mái bộc lộ cảm xúc khi bạn cảm thấy bối rối hoặc lo sợ vì không biết liệu cảm xúc của bạn có thích hợp không. Do đó, nhiều người có thói quen kìm nén và ngăn chặn cảm xúc.

Đừng phủ nhận hay chối bỏ, hãy thoải mái với bản thân hơn. Hãy học cách thừa nhận và chấp nhận cảm xúc của bạn bằng cách:

Nói ra cảm giác của bạn

Không nhất thiết phải nói cho người khác nghe, điểm mấu chốt ở đây là bạn có thể tự nhận diện cảm xúc của bản thân. Hãy nói chi tiết nhất có thể, ví dụ như “Tôi cảm thấy tức giận”, “Tôi cảm thấy thất vọng” hoặc “Tôi cảm thấy bị tổn thương”.

Viết ra cảm xúc của bạn

Viết nhật ký giúp bạn nhận diện cảm xúc tốt hơn. Khi viết xong, hãy đọc lại một lượt và bạn sẽ nhận thấy sự liên kết của những trải nghiệm xung quanh, từ đó thấu hiểu cảm xúc bản thân hơn.

Hãy nhớ rằng mọi cảm xúc đều bình thường

Nhắc nhở bản thân “Không sao cả!” khi lòng bạn dậy lên những cảm xúc, ngay cả khi đó là những cảm xúc dữ dội.

Tìm một không gian an toàn để bộc lộ cảm xúc

Bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi thể hiện cảm xúc nơi công cộng và điều đó hoàn toàn ổn. Cứ từ từ từng chút một vì có thể mất một chút thời gian để chúng ta làm quen với việc chia sẻ cảm xúc với người khác.

Hãy thử tìm một chỗ riêng tư và an toàn, nơi mà bạn có thể chiêm nghiệm và bộc lộ những cảm xúc của bản thân, hoặc có khi là những giọt nước mắt. Đó có thể là phòng ngủ của bạn, một nơi nào đó bạn luôn ở một mình, một chỗ yên tĩnh ngoài trời (bên bờ biển, trên núi, trong rừng,...), hoặc bất kỳ nơi nào khác mà bạn biết rằng bạn an toàn và sẽ không bị làm phiền.

Nói chuyện với những người bạn tin tưởng

Khi bạn đã cảm thấy thoải mái hơn với những cảm xúc của mình thì hãy thử chia sẻ những cảm xúc này với một (vài) người mà bạn tin tưởng xem.

Nói chuyện với người khác về việc bạn cảm thấy như thế nào có thể giúp bình thường hóa cảm xúc của bạn, vì rất có thể họ sẽ công nhận những cảm xúc đó hoặc chia sẻ thêm về những trải nghiệm tương tự của riêng họ.

Một khi cảm thấy dễ dàng hơn khi nói về cảm xúc, bạn có thể dần dần nhận ra việc thể hiện cảm theo những cách khác cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều (bao gồm cả việc khóc).

Hãy cứ xúc động

Điều này không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng nhìn người ta khóc hoặc xem phim, nghe nhạc cảm động đôi khi cũng có thể khiến bạn rơi nước mắt theo.

Nếu bạn muốn tập khóc, việc xem hoặc nghe những trải nghiệm cảm xúc của người khác có thể giúp bạn thoải mái hơn là tự khóc.

Bật mí thêm là xem những bộ phim tình cảm sâu sắc cũng giúp tăng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn của bạn đối với người khác.

Có cần tìm đến trị liệu không?

Nếu bạn đang quan ngại về việc không thể khóc do không kết nối được với cảm xúc thì khả năng là bạn cũng gặp khó khăn khi muốn thể hiện những cảm xúc khác. Trong trường hợp này, sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các bác sĩ trị liệu có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Thoải mái hơn với cảm xúc cá nhân không chỉ quan trọng trong các mối quan hệ thân thiết mà còn đối với tổng thể sức khỏe cảm xúc của bạn nữa.

Kết

Xung quanh ta có những người rất mau nước mắt, nhưng cũng có một số người lại rất hiếm khi khóc. Việc khóc hay không không chỉ phụ thuộc vào mức độ thấu cảm và trải nghiệm của riêng mỗi người mà còn phụ thuộc vào những lý do khác liên quan đến sức khỏe và y khoa.

Nếu bạn thuộc trường hợp dù cố gắng nhưng vẫn không thể khóc, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết cảm xúc của chính mình và khi kết nối với những người khác.

Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng khóc là điều bình thường. Đừng quá lo lắng và cũng đừng lúc nào cũng cố kìm nén những giọt nước mắt vì chúng hoàn toàn tự nhiên.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)