Gặp gỡ Regina Weber, nhà thiết kế dệt may đằng sau các tác phẩm cao cấp của Chanel
Paloma, công ty đằng sau những loại vải tinh tế và phức tạp của Chanel, đã hợp tác chặt chẽ với nhà mốt kể từ khi mở cửa vào năm 1982. Regina Weber, nhà thiết kế và cũng là thí sinh lọt vào vòng chung kết của Hyères Festival năm 2018, đã chia sẻ với Vogue về việc giám sát quá trình sáng tạo ra các mẫu dệt của Paloma rằng,
“Với Chanel, chúng tôi có rất nhiều thời gian. Chúng tôi không bao giờ đi đường tắt, ngay cả khi nó dễ dàng hơn. Chúng tôi nắm rõ toàn bộ quá trình và luôn tìm kiếm giải pháp hoàn hảo. Điều này thật đặc biệt.”
Tại Hyères năm nay, Regina Weber đã chia sẻ với Vogue về thời gian làm việc tại Atelier Paloma, cũng như cơ hội làm việc cùng một nhà mốt cao cấp và giải thích tạo sao việc nuôi dưỡng tài năng trẻ trong khi vừa bảo tồn nghề thủ công truyền thống là điều quan trọng.
Khi làm việc tại Palomo, Regina Weber đã có cơ hội được làm việc với nhiều mẫu vải khác nhau và phát triển nhiều kĩ thuật dệt mới.
“Các khách hàng tiếp cận chúng tôi để tìm kiếm nguồn cảm hứng trong kho lưu trữ của chúng tôi cho các bộ sưu tập đầu tay của họ. Chúng tôi cũng làm việc với những người có nhu cầu cụ thể hơn, đó có thể là những thách thức tuyệt vời mà bạn không thể lường trước được. Ví dụ như gần đây chúng tôi có khách hàng muốn tạo ra những mẫu thiết kế trông giống như tóc, nhưng chúng tôi không được phép sử dụng tóc thật. Do đó, nhóm của chúng tôi đã khám phá các kĩ thuật “chải vải” để có được những sợi tua rua giống với tóc.” - Regina nói.
Chia sẻ về màn hợp tác giữa Atelier Paloma và nhà mốt Chanel, Regina nói rằng được làm việc với Chanel là một điều tuyệt vời khi cô có thể dành thời gian để tập trung tạo nên một thứ gì đó, không giống như những thương hiệu khác.
“Ví dụ như đối với bộ sưu tập thời trang haute couture Xuân Hè 2020, chúng tôi đã sử dụng một kĩ thuật gọi là ‘un jour de fils tirés’, một cách mà chúng tôi kéo ra từng sợi vải theo một hướng nhất định trên mặt vải để tạo ra một loại lưới, sau đó các thợ thêu sẽ thêu chúng lại với lá và hoa nhỏ. Đó là một phương pháp cổ xưa đã được đổi mới và thật không thể tin được rằng có những thương hiệu như Chanel lại có phương pháp cho công cuộc tái khám phá đáng kinh ngạc như vậy.”
Bên cạnh việc giúp đỡ Arttu Afeldt trong bộ sưu tập của anh, Regina cũng đã từng làm việc với Emma Bruschi, người chiến thắng giải Le 19M năm 2020.
“Vũ trụ và gu thẩm mỹ của Emma tương tự như của Paloma. Vì vậy, chúng tôi đã có nhiều điểm chung để bắt đầu. Điều thú vị khi làm việc với cô ấy là chúng tôi đã upcycle nhiều bộ quần áo cổ điển và các chất liệu khác bị đánh giá thấp. Nó trở thành công việc tái đánh giá tác phẩm của người nghệ nhân và đó là một quá trình tuyệt đẹp.”
Khi được Vogue hỏi rằng các phương pháp nào là quan trọng nhất để gây chú ý trong thế giới ngày nay. Regina trả lời rằng,
“Thứ nhất, đó là việc tìm kiếm các cách tiếp cận có ý thức về môi trường hơn vì chúng ta đang dần cạn kiệt tài nguyên. Thứ hai, có rất nhiều phương pháp đặc biệt ở trên thế giới mà chúng ta không thể để nó biến mất. Rõ ràng, điều quan trọng là phải tái đánh giá các sản phẩm quần áo, nhưng điều quan trọng không kém là duy trì các kĩ thuật truyền thống. Cuối cùng, điều quan trọng là phải tìm ra các giải pháp thay thế cho các phương pháp đã có từ trước đó mà nó có thể không bền vững lắm.”
Đồng thời, cô cũng chia sẻ quan điểm của mình về tầm quan trọng trong việc nuôi dưỡng những tài năng trẻ.
“Trong xưởng may của chúng tôi, chúng tôi có những người thợ may ở độ tuổi 60 và họ có những kĩ năng đáng kinh ngạc mà họ có thể truyền lại cho các thế hệ trẻ. Ngược lại, các tài năng trẻ cũng chia sẻ những kiến thức làm phong phú và hiện đại hóa các phương pháp truyền thống. Vì vậy, đó thực sự là một cách đôi bên cùng có lợi. Đó là một điều rất hay về Métiers d’Art. Đó không chỉ là những phương pháp được bảo tồn theo thời gian mà còn mang đến tương lai bằng cách thêm “tuổi trẻ” vào quá trình.”
- 0
- 0Bình luận