Những bộ sưu tập gắn liền với những thăng trầm của thương hiệu John Galliano
Kể từ khi có màn ra mắt thành công với bộ sưu tập tốt nghiệp mang tên Les Incroyables được thiết kế dựa trên ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1984, nhà thiết kế John Galliano đã mở thương hiệu thời trang của riêng mình trong cùng một năm.
Lấy cảm hứng từ Cách Mạng Pháp, bộ sưu tập bao gồm những bộ trang phục kể về một nhóm quý tộc xấu tính, những người đã gây phẫn nộ cho Paris vào cuối thế kỉ 18.
Bất chấp việc John Galliano nhanh chóng thu hút được lượng người hâm mộ và được giới phê bình đánh giá cao với các bộ sưu tập như Afghanistan Repudiates Western Ideals, The Ludic Game, Fallen Angels, hay Forgotten Innocents, công việc kinh doanh đã trở thành một thách thức lớn nhất trong sự nghiệp thời trang bước đầu của ông bởi những ý tưởng bay bổng nhưng khó có thể ứng dụng. Cộng với sự hỗ trợ tài chính không đầy đủ và bất ổn từ các doanh nhân Đan Mạch, Johan Brun và Peder Bertelsen là những người ủng hộ ông đầu tiên, John đã phải vật lộn để sản xuất các bộ sưu tập với ngân sách rất hạn chế, thậm chí ông cũng không thể tham gia một vài mùa giải.
Trong sự thất vọng tràn trề, ông rời London để đến Paris vào đầu những năm 1990 và đã có một vài lần mà John Galliano suýt bị buộc phải tuyên bố phá sản. May mắn thay, sự ngưỡng mộ từ những người trong cộng đồng thời trang đã cho ông cơ hội để tiếp tục. Trong đó bao gồm tổng biên tập cùng giám đốc sáng tạo của Vogue US, Anna Wintour và Andre Leon Talley, người mẫu Kate Moss, người làm việc cho anh vì tình bạn hơn là vì tiền. Anna và Andre đã giới thiệu ông với nhà sưu tầm nghệ thuật Bồ Đào Nha nổi tiếng trong ngành thời trang, Saõ Schlumberger. Năm 1993, John đã giới thiệu bộ sưu tập Xuân Hè 1994 “Princess Lucretia” với những thiết kế cực kì lộng lẫy và lãng mạn. John đã tái hiện lại các khung váy cổ điển thời Victoria bằng các vòng dây điện thoại sợi quang dày. Cấu trúc này cho phép 16 mét vải chuyển động tự do và linh hoạt, kết hợp với những thiết kế áo bằng vải chiffon đã khiến chiếc váy trông hiện đại hơn. Mỗi tác phẩm đều được hoàn thiện với những chi tiết tinh tế như vải tulle, lông vũ đính kim sa được cắt thủ công từ chất liệu chiffon phủ gelatine và ren được làm từ chỉ khâu trên giấy hòa tan. Bộ sưu tập năm 1994 của ông được tài trợ bởi John Bult, Chủ tịch Thụy Sỹ của ngân hàng đầu tư Paine Webber International và được tổ chức tại biệt thự ở Paris của Saõ Schlumberger. Buổi biểu diễn đã cực kỳ thành công và thu hút được nhiều khách hàng đổ xô đặt hàng.
Không còn bị cản trở bởi sự hậu thuẫn tài chính không vững vàng của thập kỉ trước, John Galliano đã trở thành một phần của hệ thống vững chắc gồm các công ty thời trang sang trọng do tập đoàn LVMH nắm giữ. Năm 1995, Chủ tịch LVMH, Bernald Arnault đã chỉ định John làm nhà thiết kế chính của Givenchy, biến John trở thành người Anh đầu tiên giữ vị trí thiết kế chính của nhà mốt của Pháp trong 2 năm. Sau đó, John chuyển đến làm việc tại Christian Dior và đạt được thành công vang dội. Có thể nói, Dior là thời hoàng kim trong sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, việc phải tiếp quản cùng lúc cả hai thương hiệu, Dior và John Galliano, liên tục gần 17 năm khiến ông kiệt sức và sa lầy vào con đường nghiện rượu, thuốc phiện, thuốc ngủ và thuốc giảm đau. Chính vì điều này, sức khỏe tinh thần của ông rơi vào suy kiệt dẫn đến vụ bê bối tại quán bar ở Paris và John Galliano bị buộc tội phân biệt chủng tộc. Từ đó, John đã bị Dior sa thải và thương hiệu mang tên ông cũng gần như biến mất khỏi làng mốt.
Hai năm sau vụ bê bối, John đã vực dậy và quyết tâm làm lại chính mình. Năm 2013, Anna Wintour đã giới thiệu ông với Oscar de la Renta và cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông khi vừa mới trở lại đã được phát trên sóng truyền hình Mỹ. Năm 2014, John giữ vị trí giám đốc sáng tạo tại nhà mốt Maison Margiela.
“Tôi có thể thay đổi. Tôi sẵn sàng thay đổi… Tôi hy vọng hành động chuộc tội có thể giúp tôi có cơ hội thứ hai.” - John nói trong phần kết của cuộc phỏng vấn.
Sau 4 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi John rời thương hiệu của mình vào năm 2011, Bill Gaytten, cựu trợ lý của John Galliano đã trở thành giám đốc sáng tạo vào năm 2015. Ông đã loại bỏ khía cạnh gothic của nó và thay bằng một phong cách “vừa tinh tế, vừa thô”. Bao bì cũng được thay mới với giấy thủ công và nhãn bằng chữ vàng.
“Chiến dịch đưa thương hiệu trở lại yếu tố ban đầu, đồng thời tránh xa giai đoạn tiêu cực của nó.” - Giám đốc điều hành John Galliano cho biết.
Logo mới của John kể từ khi Bill Gaytten giữ vị trí giám đốc sáng tạo
Buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang nam mùa Xuân năm 2012 của thương hiệu John Galliano là show diễn đầu tiên không có John. Show diễn được đặt tên là Big Splash để bày tỏ lòng kính trọng với những tác phẩm năm 1974 của David Hockney. Những chiếc áo khoác quân sự và đồ thủ công như Navajo knit được lấy cảm hứng từ Peter Blake. Tiếp đến là David Hockney với những chiếc kính mắt cú mèo, những chiếc nơ mềm và những đôi tất màu nổi. Nổi bật là những chiếc quần bơi và quần đùi in hình cây cọ lấy cảm hứng từ Peter Schlesinger, người mẫu, nàng thơ và cũng là người tình của David Hockney. Bối cảnh show diễn khá vui nhộn với nhạc phim của Kinks!, hoàn toàn khác với các cảnh tượng cầu kì và hùng vĩ như trước. Nhờ vào tinh thần chỉ đạo vững chắc của Bill Gaytten, người từ lâu đã trở thành một phần của thương hiệu, show diễn đã diễn ra thành công. Sau khi hai người mẫu cuối cùng rời sàn diễn, Bill là người đã cúi đầu rụt rè trước những tiếng tán thưởng náo nhiệt. CEO của Dior, Sidney Toledano đã vỗ tay nhiệt liệt từ hàng ghế đầu. Từ đó, thế giới đã tiếp tục xoay vần.
- 0
- 0Bình luận