Kem chống nắng đã bảo vệ làn da như thế nào?
Ai cũng biết rằng kem chống nắng không chỉ hạn chế nguy cơ cháy nắng và ung thư da mà còn giúp giảm thiểu tốc độ lão hóa do ánh Mặt Trời.
Thế nhưng bạn đã nghe đến cơ chế hoạt động của kem chống nắng chưa? Hãy tìm hiểu cùng Lost Bird nhé.
Kem chống nắng hoạt động như thế nào?
Tất cả các loại kem chống nắng đều có hai thành phần chính: các thành phần hoạt tính và nhũ tương. Trong đó, thành phần hoạt tính có tác dụng chống nắng. Thành phần hoạt tính cũng gồm hai loại: chất hấp thụ tia cực tím và chất phản xạ tia cực tím. Thường các loại kem chống nắng sẽ có từ 2 đến 6 thành phần hoạt tính, hoặc thậm chí nhiểu hơn.
Chất hấp thụ tia cực tím là hóa chất hấp thụ bức xạ tia cực tím và chuyển nó đến mức nhiệt rất thấp. Chất hấp thụ tia cực tím còn được gọi là “chất hữu cơ” vì chúng chứa các nguyên tử carbon – thành phần cơ bản của các chất hữu cơ.
Một số chất có thể hấp thụ phần UVB của quang phổ. Đây cũng chính là nguyên nhân gây cháy nắng và góp phần vào nguy cơ ung thư da. Ngoài ra còn có những chất khác hấp thụ phần tia UVA của quang phổ. Nghiên cứu đã cho thấy các sóng tia UVA dài hơn không chỉ xâm nhập vào các lớp sâu hơn của da mà còn góp phần gây ung thư da thông qua việc ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch đối với tổn thương DNA.
Vì vậy, kem chống nắng dán nhãn “phổ rộng” (broad spectrum) được khuyến khích sử dụng bởi có khả năng bảo vệ tốt nhất.
Trong khi đó, chất phản xạ tia cực tím chủ yếu được tạo thành từ các oxit như kẽm oxit và titanium dioxide, có khả năng hấp thụ và phân tán bức xạ UV.
Thành phần chính thứ hai của kem chống nắng là nhũ tương. Nhũ tương (kem dưỡng da, sữa, kem, dầu, bọt hay gel) là chất mang thành phần hoạt tính.
Nhũ tương thường được tạo thành khi kết hợp thành phần dầu với nước cùng các chất khác. Những chất này rất quan trọng vì chúng giúp bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Thành phần nhũ tương cũng giúp chống nước, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác, mùi và độ bám dính của kem chống nắng trên da chúng ta.
Thoa bao nhiêu kem chống nắng là đủ?
Khi nhìn dưới kính hiển vi, da không phải một mặt phẳng trơn láng mà là một lớp lồi lõm. Do đó, chúng ta cần thoa kem chống nắng khoảng 20 phút trước khi ra nắng để kem có thể thấm sâu vào các phần lõm và bám chặt vào da.
Ngoài ra, hãy nhớ hào phóng khi bôi kem chống nắng. Hầu hết mọi người có xu hướng sử dụng quá ít (khoảng ¼ đến ¾ ) lượng kem chống nắng cần thiết để đạt được khả năng chống nắng như trên nhãn sản phẩm. Vậy thì bao nhiêu là đủ? Có một mẹo nhỏ cho bạn này: một thìa cà phê (khoảng 5ml) cho mỗi phần trên cơ thể. Một thìa cà phê kem chống nắng cho mặt, tai và cổ, một thìa cà phê cho mỗi tay, một thìa cà phê cho mỗi chân, thêm một thìa cà phê cho lưng và một thìa cà phê cho bụng nữa nếu như bạn cởi trần hoặc mặc đồ bơi đi chơi biển. Theo đó, tổng cộng chúng ta sẽ cần khoảng 5-7 thìa cà phê (25-35ml) kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể.
Còn cách bôi thì sao nhỉ?
Chấm kem chống nắng cần đủ lên mỗi phần trên cơ thể, thoa đều xung quanh. Chúng ta sẽ cần thoa lại thêm một lớp kem nữa sau mỗi hai giờ hoặc thường xuyên hơn nếu đang hoạt động thể chất (ở dưới nước, đổ mồ hôi, dùng khăn lau, hoặc để da thường xuyên tiếp xúc vật lý với bất cứ thứ gì có khả năng khiến lớp kem chống nắng “bay màu”). Và luôn nhớ là kem chống nắng của chúng ta phải vẫn còn hạn sử dụng đấy nhé.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên sử dụng thêm các phụ kiện khác để bảo vệ làn da mỏng manh. Đội mũ, đứng trong bóng râm, mặc áo khoác, quần dài, váy chống nắng hay tốt nhất là ở trong nhà khi tia cực tím đạt cực đại vào khoảng giữa trưa và đầu giờ chiều.
Chúc bạn có một làn da khỏe!
- 0
- 0Bình luận