Cá mập hổ và vai trò của chúng với khí hậu toàn cầu
Số lượng cá mập hổ trên thế giới hiện nay đang có dấu hiệu suy giảm. Nếu số lượng của chúng được gia tăng đồng nghĩa với việc sẽ giải quyết được một lượng lớn CO2 trên trái đất và giúp các đại dương có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Vịnh cá mập ở Gascoyne, Tây Úc với làn nước trong vắt và những thảm cỏ biển rộng lớn là điểm dừng chân yêu thích của ít nhất 28 loài cá mập khác nhau. Cá mập hổ cũng là một loài thường được bắt gặp tại khu vực này. Những con cá săn mồi khổng lồ với cơ thể dài hơn 4m rất thích lướt mình qua những đám cỏ biển và vồ lấy một con bò biển đang lơ đễnh gặm cỏ để làm bữa ăn. Mặc dù sự hiện diện của cá mập hổ là mối đe dọa khủng khiếp với những con mồi của chúng, nhưng chúng lại đóng một vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển.
Lý do của việc này bắt đầu từ những thảm cỏ biển xanh tốt phân bổ ngay vùng nước nông của Vịnh Cá Mập. Loại cỏ biển này là nguồn thức ăn chính của bò biển hoặc cá nược. Mỗi ngày một con bò biển có thể ăn đến 40kg cỏ biển. Ngoài ra cỏ biển cũng là thức ăn của lợn biển, rùa biển xanh, các loài cá, cua,…
Một con bò biển trưởng thành nặng tới 500kg là bữa ăn khoái khẩu của những con cá mập hổ. Bằng cách kiểm soát quần thể bò biển, cá mập hổ ở Vịnh Cá Mập cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng cỏ phát triển mạnh mẽ. Trong khi một đồng cỏ biển xanh tốt có khả năng hấp thụ gấp đôi lượng CO2 so với cùng một diện tích rừng cây trên mặt đất.
Tuy nhiên số lượng cá mập hổ hiện đã giảm đáng kể, bao gồm cả quần thể cá mập hổ ở Úc. Ở bờ biển phía đông bắc Queenland, Úc, số lượng cá mập hổ ước tính đã giảm ít nhất 71% tính từ năm 1970, phần lớn là do đánh bắt quá mức. Số lượng cá mập hổ giảm đồng nghĩa với việc những đồng cỏ biển sẽ bị các động vật ăn cỏ tiêu thụ mạnh hơn, dẫn đến lượng CO2 được cỏ biển tiêu thụ ít hơn. Ở Caribe và Indonesia, nơi quần thế cá mập giảm mạnh đã tạo điều kiện cho các động vật ăn cỏ như rùa biển phát triển quá mức, khiến 90-100% lượng cỏ biển ở đây đã biến mất. Điều này cũng giống như việc một cỗ máy xử lý CO2 khổng lồ bị phá hủy, hậu quả là làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, khi cá mập hổ dành nhiều thời gian bơi lội qua những thảm cỏ biển, phân của chúng thải ra cũng được coi là nguồn phân bón dồi dào chất dinh dưỡng giúp cỏ biển phát triển tốt hơn.
Khi số lượng cá thể trong quần thể cá mập tăng lên đồng nghĩa với việc chúng sẽ ngăn cản số lượng những loài động vật ăn cỏ gia tăng quá mức, tạo điều kiện cho cỏ biển phát triển và cân bằng hệ sinh thái dưới lòng đại dương. Tuy nhiên các nhà bảo tồn cho biết đối thủ nặng kí nhất mà họ phải đối mặt khi cố gắng gia tăng số lượng cá mập là ngành công nghiệp đánh bắt. Mặc dù đã có rất nhiều quốc gia ban hành luật quản lý nhằm hướng đến một mục tiêu bền vững trong việc đánh bắt thủy hải sản. Hơn nữa, chính những người tiêu dùng cũng đã có ý thức về môi trường và bảo vệ động vật. Nhưng đã và đang còn rất nhiều những bất cập cần phải tìm kiếm giải pháp xử lý dứt khoát và chặt chẽ hơn.
- 0
- 0Bình luận