Kai Nguyễn - Nhà thiết kế gốc Việt trẻ tuổi và hành trình xây dựng thương hiệu Lumières
Kai Nguyễn và thương hiệu Lumières của anh đã khơi dậy sự tò mò của giới mộ điệu về quá trình tư duy và bối cảnh của anh ảnh hưởng như thế nào đến các tác phẩm. Hình ảnh thuở nhỏ của Kai khi sống và lớn lên tại Việt Nam cho đến năm 11 tuổi liên tục xuất hiện trong các thiết kế. Bằng cách đan xen những ảnh hưởng từ văn hóa biker và phong cách vị lai, Kai đã tạo nên nét độc đáo cho Lumières. Tính thẩm mỹ của thương hiệu thể hiện rõ nét bản sắc cá nhân của anh: trang phục mang tính ứng dụng cao với các khẩu hiệu táo bạo mang lại sức mạnh cho những người mặc chúng.
“Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa cả hai (văn hóa biker và ký ức tuổi thơ), nhưng cũng là một trong những thứ đã trở nên quá quen thuộc với tôi mà tôi thậm chí còn không nhận ra cho đến khi chuyển đến sống ở Mỹ. Ở Việt Nam, hàng nghìn xe máy và người dân chen nhau khi tham gia giao thông. Trừ khi bạn giàu có và có xe hơi. Mỗi người trong mỗi hộ gia đình đều sở hữu một chiếc xe máy. Khi lớn lên, bố mẹ tôi đã nâng nó lên một tầm cao mới vì bạn thấy đấy, ai cũng chạy những chiếc 100cc và 200cc. Bố tôi luôn là một đứa trẻ nổi loạn và ông ấy lái một chiếc xe máy Harley phân khối lớn. Tuy rằng ai cũng có xe máy nhưng tôi sẽ chú ý đến chiếc xe của ông hơn vì nó kêu to hơn những chiếc xe của những người khác. Ngay cả trong một đất nước toàn dân đi xe máy, nhà chúng tôi vẫn nổi bật như cách mọi người thường nói rằng “Ồ! Đó là những con người điên rồ hơn.” - anh kể trong buổi phỏng vấn với Dao-Yi Chow, co-founder và nhà thiết kế của Public School New York.
Là một thiếu niên đầy tham vọng sống tại một thị trấn nhỏ ở Midwest, Kai tham gia các cộng đồng streetwear trực tuyến để trau dồi kỹ năng thiết kế đồ họa và mở rộng sự kết nối trên khắp đất Mỹ. Được thúc đẩy bởi ý chí lập nghiệp mạnh mẽ, anh đã cho ra mắt thương hiệu của mình vào năm 17 tuổi và chuyển đến LA sinh sống. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ (24 tuổi) nhưng anh không phải là một người mới bước chân vào lĩnh vực streetwear. Tất cả đều nhờ vào sự kiên trì đã giúp anh có được công việc ở một số cửa hàng nổi bật nhất của thành phố và đồng thời cũng giúp anh tự học được các kỹ năng thiết kế. Bằng cách gặp gỡ và lắng nghe các câu chuyện khác nhau, anh xác định được các mối liên kết thị giác trải dài từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau.
“Tôi được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Với tất cả những gì mà đất nước đã trải qua và cách tôi được nuôi dạy sau thời chiến - bố mẹ tôi lớn lên trong chiến tranh - tôi có được tính cách của con người Việt Nam đó là sự kiên trì và chăm chỉ. Điều đó đã thấm nhuần vào đạo đức nghề nghiệp và cách làm người của tôi, bao gồm cả việc dũng cảm đấu tranh để bảo vệ cho bản thân và tự hào về con người của chính mình.” - Kai Nguyễn chia sẻ với Dao-Yi Chow, co-founder và nhà thiết kế của Public School New York.
Đối với anh, việc sử dụng các yếu tố gia đình và ký ức tuổi thơ ở Việt Nam để bắt đầu như một cách làm được sinh ra từ tiềm thức. Anh tự hào về di sản và hành trình của bản thân mà không công khai quá nhiều về nó. Thay vào đó, anh để các thiết kế của mình nói lên điều đó thông qua các đường thêu và hình vẽ con hổ, rồng và nhiều biểu tượng quyền lực khác. Nhìn chung, thương hiệu Lumières là minh chứng cho tinh thần làm việc không ngừng nghỉ và sức mạnh từ việc tin tưởng ở bản thân dù cho gặp phải những giới hạn về nguồn lực.
Trong cuộc trò chuyện với Dao-Yi Chow thuộc chương trình ủng hộ của Adobe’s Diverse Voices và lan rộng câu chuyện của các nhà sáng tạo ở khắp Châu Á và Thái Bình Dương, Kai cũng chia sẻ về điều đã dẫn dắt anh vào ngành thời trang.
“Khi mới đến trường mới, tôi đã trải qua một giai đoạn nổi loạn. Tôi chuyển từ một trường Công giáo có số lượng 600 học viên toàn trường đến ngôi trường mới, nơi một lớp có 600 học sinh. Tôi gặp gỡ nhiều người và thấy nhiều tay chơi bóng rổ cùng các vận động viên khác đều mặc đồ Jordans. Tôi bắt đầu tham gia vào nền văn hóa đó… Tôi bắt đầu sưu tập đồ Jordans và tham gia các nhóm trên Facebook như các nhóm giao dịch, mua bán và sưu tầm. Và đó là cách tôi quan tâm đến thời trang.” - anh kể.
Sau khi sưu tầm Jordans, anh đã tham gia một cuộc thi thiết kế áo thun đồ họa và ở thời điểm đó, anh rất giỏi photoshop.
“Ý tôi là, khá tốt với một đứa trẻ 15 tuổi tự học tất cả mọi thứ. Bất kỳ ai muốn một chiếc áo thun đồ họa hay thứ gì đó đều gửi cho tôi. Tôi thiết kế những chiếc áo hoodie và áo thun, sau đó làm thành một lookbook hoàn chỉnh và gửi cho tất cả mọi người. Lúc đó, thương hiệu cũng khá bùng nổ và tên tuổi của tôi còn nổi hơn cả thương hiệu. Các cửa hàng bắt đầu chào đón tôi và tôi làm tất cả trong căn nhà di động ở Minnesota. Tôi lướt Facebook và nhìn thấy bạn bè ở New York và L.A đang tiến bộ hơn trong cuộc sống. Ai đó sẽ có tên trong một bài tin trên Hypebeast hoặc được thuê làm người mẫu. Với tôi, ở độ tuổi 15 hoặc 16 đó, hội chứng FOMO (Fear of Missing Out) đã bắt đầu. Từ thời điểm đó, tôi biết ngay sau khi học xong trung học, tôi sẽ phải chuyển đến New York hoặc L.A.” - anh kể.
Trong những ngày đầu thành lập, các thiết kế đều xoay quanh bản thân anh. Mặc dù không phát hành sản phẩm thường xuyên nhưng mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, anh rất tự hào về phần đồ họa mạnh mẽ và anh nghĩ bản thân nó đủ sức để nói lên điều đó. Giờ đây, anh đã phát triển đến điểm nhận biết rằng thương hiệu không chỉ là về mình mà còn là những người xung quanh. Vì vậy anh đang chuyển đổi mọi thứ để trở thành một thương hiệu đúng nghĩa bằng cách cộng tác và phát hành các bộ sưu tập thực tế.
“Mục tiêu của tôi rất đơn giản nhưng khi nó được thực hiện đúng, nó sẽ lớn hơn những gì tôi tưởng tượng trong đầu. Tôi không thuộc tuýp người quá bùng nổ với những tuyên bố hoặc những thứ đại loại như vậy. Tôi thích chứng minh điều đó hơn.” - anh nói.
- 0
- 0Bình luận