logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Jean Paul Gaultier - “Vẻ đẹp nằm trong sự khác biệt”

Jean Paul Gaultier, nhà thiết kế người Pháp nổi tiếng với những bộ sưu tập phá hủy những biểu tượng truyền thống và tôn vinh phong cách phi giới tính. Trong suốt sự nghiệp trải qua hơn 5 thập kỷ của mình, ông không chỉ nỗ lực để tái định nghĩa các phạm trù xã hội mà còn thu hút sự chú ý đến vai trò của thời trang trong việc định nghĩa và xóa mờ ranh giới giữa chúng.

Jean Paul Gaultier sinh năm 1952 tại Arcueil, Paris. Là một nhà thiết kế thời trang cao cấp và ready-to-wear người Pháp nổi tiếng trong làng thời trang thế giới, ông chưa bao giờ được đào tạo qua một trường lớp chính chuyên. Thay vào đó, Jean đã gửi các bản phác thảo của mình cho các nhà thiết kế thời trang cao cấp từ rất sớm. Cho đến năm 1970, Pierre Cardin đã bị các bức vẽ của Jean chinh phục và quyết định thuê ông làm trợ lý. Một năm sau, ông xin nghỉ một thời gian để làm việc với Jacques Esterel trước khi trở lại điều hành nhà mốt Pierre Cardin thêm một năm tại Manila. Với thời gian của Jean tại Pierre Cardin, đó là một giai đoạn của sự học hỏi không ngừng và để lại những di sản lâu dài.

“Với Cardin, tôi luôn cảm thấy mọi thứ đều có thể. Ông ấy rất giống như một ông bầu và từng nói rằng, ‘Tôi luôn muốn thấy một bộ sưu tập dành cho những người phụ nữ muốn vượt mọi giới hạn.’ Vì vậy, ý tưởng là thứ mà tôi luôn có.” - Jean nói với Colin McDowell.  

Sau một thời gian ngắn ở Jacques Esterel, ông được thuê làm việc tại Jean Patou. 

“Khi tôi bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi đã làm việc cho Pierre Cardin. Trong khoảng thời gian đó, tất nhiên rằng tôi không có một dòng quần áo riêng hay bất kỳ điều gì của mình, vì vậy, tôi chưa định hình được phong cách của riêng mình. Tôi đã làm cho Cardin, tôi phác thảo, tưởng tượng về những điều ông ấy yêu thích và sau đó, khi tôi ở Patou, Michel Goma là nhà thiết kế và tôi đã theo đuổi tinh thần đó của bà. Tôi khá yêu thích điều đó.” - Jean chia sẻ. 

Năm 1976, ông trình làng bộ sưu tập đầu tiên của riêng mình, sử dụng những vật liệu không chính thống và có giá rẻ như rơm bện. Jean nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhờ vào những thiết kế độc lạ của mình như bộ suit thủy thủ, váy cho nam với những đường may sắc sảo và giành được sự công nhận của ngành thời trang. Các thiết kế được phát triển bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận đa dạng dựa trên văn hóa đại chúng, chiến tranh đường phố và thể hiện nhiều khía cạnh vui tươi xen lẫn kỳ quái. 

Một trong những thiết kế nằm trong bộ sưu tập đầu tiên của ông vào năm 1976.

Jean đã phát hành dòng thời trang cao cấp của mình vào năm 1997. Trong lĩnh vực thời trang cao cấp, ông được tự do thể hiện gu thẩm mỹ của mình, lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác nhau, từ Ấn Độ đến Do Thái giáo Hasidim và nhận được sự ca ngợi từ giới phê bình. Nhờ vào thành công này mà ông đã giành được cơ hội ngồi vào vị trí Giám đốc sáng tạo của nhà mốt Hermès trong thời gian 7 năm trước khi ông quyết định tập trung vào việc phát triển thương hiệu của mình. 

Vào cuối những năm 1980, đối tác kinh doanh và cũng là người bạn đời của ông, Francis Menugue đã qua đời vì một số nguyên nhân liên quan đến căn bệnh AIDS khiến Jean đắm mình trong công việc để quên đi nỗi đau mất người thân. Vào những năm 1990, ông đã tạo ra một số bộ trang phục đặc biệt cho Madonna trong tour diễn Confessions và Blonde Ambition. Ngoài ra, ông còn thiết kế trang phục cho một số nghệ sĩ khác như Marilyn Manson, Kylie Minogue và Leslie Cheung. 

Ngôn ngữ thiết kế của Jean được chú ý vì tính nhất quán trong phong cách. Ông được biết đến là người luôn thách thức những quan điểm về tiêu chuẩn của thời trang lúc bấy giờ và tái hiện chúng bằng những ý tưởng riêng của ông. Các nguồn cảm hứng của ông thường đến từ chiêm tinh học, biểu tượng tôn giáo, thiết kế Celtic, thư pháp, hình xăm và các nền văn hóa của từng nơi trên khắp thế giới. 

Các thiết kế của Jean cũng có xu hướng mở rộng sang các khía cạnh tình dục bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa underwear và outerwear. Điển hình như chiếc áo lót hình nón mà ông đã tạo ra cho tour diễn Blonde Ambition năm 1990 của ca sĩ nhạc pop người Mỹ, Madonna, đã trở thành một trong số những thiết kế tiêu biểu trong lịch sử thời trang. Jean từng nói rằng ông không hề biết chúng sẽ trở nên quan trọng như vậy trong tương lai. 

“Tôi là một người hâm mộ của Madonna, vì vậy, tôi rất vui khi được hợp tác với cô ấy vì lý do đó chứ không phải vì nó sẽ tốt cho sự nghiệp của tôi.” - ông nói với The Telegraph. 

Madonna trình diễn trên sân khấu trong tour diễn Blonde Ambition của cô trong chiếc corset hình chóp của Jean Paul Gaultier.

Năm 1993, Jean đã giới thiệu bộ sưu tập “Chic Rabbis” có sự pha trộn giữa văn hóa và giới tính gây tranh cãi nhất trong ngành thời trang lúc bấy giờ. Việc ông thiết kế dựa trên trang phục của Do Thái giáo Hasidim khiến các nhà phê bình không tán thành vì không thể xem trang phục nghi lễ như một trang phục trình diễn trên sàn catwalk. Đáng nói hơn là việc phụ nữ lại được quyền mặc trang phục của các giáo sĩ Do Thái. 

“Tôi lấy cảm hứng cho bộ sưu tập này ở New York khi nhìn thấy một nhóm lớn người Do Thái đang đứng trên các bậc thang của Thư viện Công cộng ở New York trong các trang phục truyền thống của họ. Chúng đẹp đến mức đáng kinh ngạc và tôi nghĩ rằng mình phải chứng tỏ tầm quan trọng của việc giữ gìn truyền thống của mỗi người.” - ông nói. 

Trong các bộ sưu tập dành cho nam giới, Jean đã gợi mở về những nhà phiêu lưu khắp thế giới và những người vượt biên, dễ thấy nhất là việc kết hợp những chiếc khăn đóng kiểu Sikh với bộ tuxedo, áo phông, quần đùi và váy.

Những đóng góp trong việc tái định hình những nhận thức phổ biến về tình dục thông qua thời trang và chuyển hướng quá trình sáng tạo, Jean đã nhận được danh hiệu Chevalier de la Lègion d’Honneur, một trong những danh hiệu cao quý nhất của Pháp vào năm 2001. 

“Tôi thích pha trộn quần áo, con người, tầng lớp xã hội, các thể loại,... và chơi với chúng.” - Jean nói.

Trước khi nói đến điều này, Jean đã biến sự toàn diện, đa dạng và pha trộn giữa các thể loại trở thành một trụ cột trong thế giới của ông. Một thế giới mà ở đó, mọi người thuộc mọi màu da, hình dạng hay bản sắc đều được tôn vinh. Một số người nhìn nó như một dạng khiêu khích nhưng với Jean Paul Gaultier, ông đơn giản chỉ muốn cho thế giới thấy sự đa dạng của nó. 

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)