Những kiến trúc bền vững độc đáo vòng quanh thế giới_(Phần 1)
Đứng trước cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, kiến trúc, cũng giống như tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống hiện đại, đang phải cố gắng thay đổi từng ngày để trở nên bền vững hơn. Trong khi bản thân việc xây dựng và các công trình kiến trúc đã là trái ngược với tự nhiên, điều đó đòi hỏi các kiến trúc sư phải càng nỗ lực hơn để tạo ra những kiến trúc thông minh, vừa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, vừa thẩm mỹ và vẫn phải thân thiện với môi trường. Dưới đây là một vài kiến trúc bền vững nhưng cũng không kém phần độc đáo, chắc chắn sẽ khiến không ít người thích thú:
1, Trung tâm nghiên cứu khí hậu Icefjord, Greenland
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đan Mạch Dorte Mandrup, trung tâm nghiên cứu khí hậu mới này thuộc khu vực được UNESCO bảo tồn trên vịnh GreenLand. Đây cũng là nơi có dòng sông băng Sermeq Kujalleq – dòng sông băng có tốc độ di chuyển nhanh nhất và hoạt động mạnh nhất thế giới.
Từng là một địa điểm ít người có thể đặt chân tới, giờ đây, nó mang trên mình sứ mệnh phục vụ cho công tác nghiên cứu khí hậu và cũng là một địa điểm du lịch, cho phép du khách có thể dễ dàng quan sát và tìm hiểu về hoạt động, vai trò của băng giá với người dân địa phương nói riêng và với khí hậu Trái Đất nói chung.
Được biết toà nhà được làm 80% từ khung thép tái chế, còn lại là các khung sườn và mái gỗ. Khoảng trống giữa các khung sườn hai bên tòa nhà được lắp đặt hoàn toàn bằng kính cường lực giúp nhận ánh sáng mặt trời tự nhiên, vừa tiết kiệm năng lượng chiếu sáng vừa để sưởi ấm.
2, Phòng trưng bày nghệ thuật IK LAB, Mexico
Phòng trưng bày nằm trong khuôn viên một ngôi làng cổ của người Maya ở Yucatán. Nó mất 9 tháng để xây dựng và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều khách tham quan nhờ thiết kế bền vững và ý nghĩa mà nó thể hiện _ rừng rậm qua cái nhìn mỹ thuật.
Đến đây, khách tham quan có thể trực tiếp cảm nhận từng xúc cảm mà mỗi ngóc ngách của phòng trưng bày đem đến qua đôi chân trần, như nhiệt độ nóng, lạnh, độ thô ráp hay nhẵn nhụi của riêng mỗi loại vật liệu xây dựng khác nhau.
Mặc dù tổng quan kiến trúc giống như một chiếc tổ khổng lồ, và nhìn có vẻ đã phải dùng đến một lượng lớn cây gỗ để dựng nên nó, nhưng sự thật thì ngược lại. Công trình được xây dựng chỉ với 3 loại vật liệu duy nhất là dây leo, xi măng và sợi thủy tinh. Chính cấu trúc giả này cũng mang một lời nhắc nhở “nói không với khai thác gỗ, bảo vệ rừng”.
3, Mái vòm HILO, Thụy Sĩ
Mái vòm này được lắp đặt trên mái của trung tâm nghiên cứu NEST, Thụy Sĩ. Mái có dạng vòm, siêu mỏng, cao 7,5m và có diện tích mặt cong là 160m2, được xây dựng bằng công nghệ in 3D với vật liệu bê tông được phun lên khung lưới bằng thép.
Các kỹ sư đã tính toán rất kỹ lưỡng độ cong cũng như lượng bê tông cần dùng ở mỗi vị trí sao cho tiết kiệm nguyên vật liệu nhất có thể mà vẫn đảm bảo an toàn. Khung thép sau đó có thể được tháo dỡ và tái sử dụng nếu cần.
Hình dạng của mái vòm được thiết kế với mục đích làm mát và điều hòa không khí một cách tự nhiên cho tòa nhà. Bên ngoài mái vòm còn được lắp một màng tế bào quang điện giúp tạo ra điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sử dụng bên trong
4, Nhà in 3D Tecla, Ý
Tecla là ngôi nhà đầu tiên trên thế giới được xây dựng hoàn toàn bằng công nghệ in 3D với vật liệu đất thô. Chỉ mất 200 giờ để hoàn thiện ngôi nhà.
Nó có hình dạng như hai mái vòm ghép lại với nhau. Vật liệu đất sét được lấy từ một lòng sông gần đó. Vân của tường nhà là kết quả của 350 lớp đất sét phun 3D xếp chồng. Các đường gân này cũng đóng vai trò như một lớp cách nhiệt giúp duy trì nhiệt độ ổn định bên trong căn nhà một cách tự nhiên.
Các kỹ sư xây dựng nên ngôi nhà với hi vọng kiểu nhà ở zero-waste, có thể tái chế, ít carbon và có thể thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ phổ biến, thay thế cho nhà ở truyền thống trong tương lai.
- 0
- 0Bình luận