Những kiến trúc bền vững độc đáo vòng quanh thế giới (Phần 2)
5. Trung tâm văn hóa Sara, Thụy Điển
Toàn nhà văn hóa Sara Kulturhus là tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới hiện nay. Nằm ở miền bắc Thụy Điển, tòa nhà 20 tầng với độ cao gần 80m, bao gồm 1 thư viện, 6 sân khấu, 1 khách sạn, nhà hàng và không gian tổ chức sự kiện.
Với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ước tính lượng gỗ sử dụng cho tòa nhà vào khoảng 12 nghìn mét khối. Số gỗ này đến từ các rừng cây lấy gỗ được trồng quanh thành phố.
Việc xây nhà bằng gỗ được cho là một giải pháp góp phần chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu khi nó giúp giảm thiểu lượng khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất xi măng, trong khi Tổ chức Năng lượng thế giới cho biết ngành sản xuất xi măng chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
6. Sân chơi AirBubble, Ba Lan
Sân chơi được ecoLogicStudio xây dựng lên ngay giữa trung tâm của Warsaw, một trong những thành phố ô nhiễm nhất Châu Âu. Đây cũng là sân chơi đầu tiên trên thế giới sử dụng tảo để lọc sạch không khí.
Tòa nhà bao gồm những trụ gỗ, được bao bọc bởi lớp màng ETFE có khả năng tự làm sạch do bề mặt không dính.
Bên trong tòa nhà được lắp đặt hàng chục bình thủy tinh có chứa tảo ngâm trong nước, tạo ra một nhà kính tảo với không khí trong lành.
Sân chơi được trang bị dây thừng, máy bơm chân và những quả cầu nảy, vừa là một sân chơi vừa là lớp học ngoài trời cho trẻ. Tiếng sủi phát ra từ các bình chứa tảo giúp át bớt tiếng ồn đô thị, tạo không gian thư giãn và êm dịu bên trong tòa nhà.
7. Trung tâm Eastgate, Zimbabwe
Trung tâm Eastgate là tòa nhà tự làm mát đầu tiên trên thế giới. Nhờ vào cấu trúc tổ mối mà nhiệt độ bên trong tòa nhà luôn duy trì ở mức 27 độ C vào ban ngày và 14 độ C vào ban đêm.
Tòa nhà được giao cho kiến trúc sư Mick Pearce thiết kế vào năm 1991, tuy nhiên chủ tòa nhà lại không muốn chi tiền lắp đặt hệ thống làm mát do tốn quá nhiều chi phí. Vì thế Mick Pearce đã thử nghiên cứu các thiết kế thông minh của tự nhiên và quyết định bắt chước cấu tạo của tổ mối, kết quả thu được đã không làm ông thất vọng.
Công trình được xây dựng từ bê tông và gạch, ngoại thất thiết kế như gai xương rồng giúp tòa nhà giảm thiểu sự tăng nhiệt độ vào ban ngày. Ngoài ra, công trình cũng tiêu thụ năng lượng ít hơn 35% những công trình khác có cùng diện tích.
8, Bảo tàng Lò nung Jindezhen, Trung Quốc
Được coi là “thủ đô của đồ sứ”, người dân ở Jingdezhen đã sống với nghề gốm ít nhất 1700 năm nay. Nhóm các kiến trúc sư Zhu-Pei đã thiết kế ra bảo tàng Lò nung Jindezhen để tái hiện lại hình ảnh các lò gạch nung truyền thống, một thứ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những món đồ gốm chất lượng.
Bảo tàng nằm ở mảnh đất có chứa những tàn tích còn sót lại của lò nung hoàng gia. Công trình mang cấu trúc hình vòm, được xây bằng gạch nung tái chế.
Nó thể hiện nét đặc trưng của Jingdezhen, do những lò nung phải được tháo dỡ và xây mới từ 2-3 năm một lần để đảm bảo độ ổn định của nhiệt, vì thế người dân ở đây có truyền thống sử dụng gạch nung bỏ đi để xây nhà.
Mỗi mái vòm cũng có những giếng trời tượng trưng cho lỗ khói của những lò gạch.
9, Tòa nhà Pixel, Úc
Kết hợp giữa thiết kế xanh với cấu trúc bắt mắt, nhiều màu sắc, tòa nhà Pixel là công trình đi đầu trong xu hướng kiến trúc bền vững.
Bao xung quanh tòa nhà là những tấm chắn nhiều màu sắc có thể tự chuyển động giúp điều chỉnh nguồn ánh sáng tự nhiên chiếu vào tòa nhà.
Phía trên mái nhà là một khu vườn với những tấm pin năng lượng mặt trời và các tuabin gió cung cấp năng lượng cho nhu cầu sử dụng điện bên trong. Nguồn nước mưa được dự trữ và xử lý qua hệ thống đạt tiêu chuẩn, đảm bảo nguồn nước uống và nước sinh hoạt cần thiết. Nước thải cũng được xử lý ngay trong tòa nhà để trở thành nước tưới cây, đảm bảo không có nước thải đổ vào hệ thống thoát nước của địa phương.
Đây được coi là tòa nhà văn phòng trung hòa carbon đầu tiên tại Úc.
- 0
- 0Bình luận