Martin Margiela - Người đàn ông \'bí ẩn\' và thông điệp phản thời trang trong từng tác phẩm
Martin Margiela là người đàn ông đứng sau sự thành công của thương hiệu Maison Margiela. Trái với sự nổi tiếng toàn cầu của hãng, Martin hiếm khi nói về bản thân và luôn chọn ẩn mình trong thế giới thời trang đầy hào nhoáng.
Tất cả những hiểu biết của công chúng về Martin đều đến từ những cuộc phỏng vấn hiếm hoi và hằng hà các câu chuyện được truyền tai nhau trong giới thời trang. Cách hoạt động ẩn danh này của ông hoàn toàn đi ngược lại với tính chất của ngành, nơi luôn ám ảnh với việc được công nhận và chú trọng hình ảnh bên ngoài. Nhà thiết kế thường ở sau hậu trường để tránh ống kính máy ảnh. Bất cứ khi nào có ai đó chuẩn bị bắt lấy ông trước ống kính, ông đều lấy tay che mặt đi. Tất cả các phương tiện truyền thông đều làm việc với Martin thông qua fax. Trong một cuộc phỏng vấn, khi được lựa chọn giữa sự nổi tiếng và tai tiếng, Martin trả lời thẳng thắn rằng ông muốn được ẩn danh. Có lẽ bản chất bí ẩn thầm lặng này của ông đã khiến cho ánh hào quang của thương hiệu được tỏa sáng rõ nét hơn.
Nhà thiết kế gốc Bỉ, Martin Margiela sinh năm 1957 tại Genk. Ông theo học chuyên ngành thiết kế thời trang tại Antwerp Royal Academy of Fine Arts và tốt nghiệp học viện vào năm 1979. Martin Margiela cũng là một thành viên trong nhóm “Antwerp Six+1”, cùng với các tên tuổi đình đám khác như Dries Van Noten, Raf Simons, Walter Van Beirendonck và Ann Demeulemeester. Sau tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà thiết kế tự do trong suốt 4 năm. Trong khoảng năm 1985 - 1987, Martin làm trợ lý thiết kế cho Jean Paul Gaultier. Xuyên suốt sự dẫn dắt của Gaultier, Martin đã tiếp thu những kiến thức phức tạp và kì lạ của thế giới thời trang cao cấp. Jean Paul Gaultier đã công nhận tài năng của Martin và gọi anh là “người trợ lý tốt nhất mà ông từng có”.
Năm 1989, Martin thành lập thương hiệu cùng tên và đặt trụ sở chính tại Paris. Chịu ảnh hưởng từ người thầy của mình, tâm trí của Martin cũng tràn ngập những ý tưởng về việc đi ngược lại hệ thống phân cấp cứng nhắc đã tồn tại từ lâu trong ngành công nghiệp thời trang. Nếu Jean Paul Gaultier được biết đến với những thiết kế làm bật được dáng hình gợi cảm và xinh đẹp của người phụ nữ thì thời trang của Martin lại nghiêng về hướng phá cấu trúc (deconstruction) nhiều hơn. Đặc biệt là thông điệp phản thời trang (anti-fashion) được ông thể hiện xuyên suốt các tác phẩm.
Bằng cách phá hủy thay vì tạo ra, các phom dáng thiết kế của Martin đều mang tính phóng đại, rộng thùng thình và phi giới tính. Những đường may lởm chởm, lệch lạc tưởng chừng như là lỗi trong quá trình sản xuất, hóa ra đều được ông cố ý phơi bày trên mặt vải, kết hợp với cấu trúc nối. Ngoài ra, ông còn tận dụng những vật liệu không chính thống như dây an toàn, găng tay thể thao hay các dải băng bịt mắt,... để làm điểm nhấn trong các thiết kế.
Bộ sưu tập Thu Đông 1998 của Maison Martin Margiela. Bộ sưu tập Xuân Hè 2001 của Maison Martin Margiela.
Một minh chứng cho đam mê giải cấu trúc của Martin nằm trong bộ sưu tập mùa Xuân năm 1997. Ông đã giới thiệu một tác phẩm mà không biết rằng mãi sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của nhà mốt. Sử dụng những hình nộm quen thuộc của các nhà thiết kế, những chiếc áo linen của Margiela đều được đánh số và in dòng chữ “semi couture” ở cuối tà áo. Chúng gợi nhắc đến những bàn tay vô danh đã góp phần tạo ra những trang phục này.
Bên cạnh đó, thuật ngữ ‘phản thời trang’ được ông hưởng ứng triệt để với việc tổ chức những show diễn từ trên bàn ăn, trong các toa tàu điện ngầm bỏ hoang đến những chiếc cầu thang nằm trong ngôi nhà lụp xụp. Một trong những buổi trình diễn giúp củng cố vị thế của Martin trong lịch sử thời trang là bộ sưu tập Xuân Hè 1990. Show diễn được tổ chức tại một công viên trẻ em ở ngoại ô Paris với những bức tường được vẽ kín họa tiết graffiti.
Mặc dù vấn đề bền vững trong ngành thời trang mới được chú trọng trong vài năm gần đây nhưng Martin đã luôn hướng về nó rất lâu từ trước. Ông thích tái chế những quần áo cũ cùng các đồ vật khác và gọi phương pháp này là “mang chúng [quần áo] trở lại với cuộc sống trong một hình thức khác”. Điển hình như đôi bốt Tabi, một trong những dấu ấn đặc sắc của thương hiệu được xuất hiện lần đầu trong bộ sưu tập Xuân Hè 1989. Vì không đủ kinh phí để chi trả cho những đôi giày mới, ông đã tái sử dụng những đôi giày này và khoác lên chúng một lớp sơn hoàn toàn mới cho bộ sưu tập kế tiếp.
Việc Martin khai sinh ra thể loại anti-fashion mang đến cho người ta cảm giác như thế ông đang phản đối tư bản. Phong trào này là một lời từ chối đối với chủ nghĩa tiêu dùng thời hiện đại, tính thẩm mỹ và xu hướng trong ngành thời trang. Cách làm của ông mang tính thách thức đối với các tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la cùng lịch trình sản xuất nghiêm ngặt, những tạp chí cao cấp, nơi định hình những quy tắc và tiêu chuẩn của các xu hướng. Ai quan tâm nếu một bộ quần áo quá khổ hay quá lộn xộn, rẻ tiền hay không? Đối với người mặc, điều quan trọng nhất là nó phù hợp với họ. Phản thời trang không bao gồm những chiếc váy dài thướt tha hay nhũng bộ suit được may đo cẩn thận. Nó nói về những chiếc mũ khổng lồ và những chiếc áo kỳ quặc mang một nét tương đồng với nghệ thuật điêu khắc.
Sau nhiều năm phát triển thương hiệu của mình, Martin đã nhận lời đề nghị gia nhập Hermès với tư cách là giám đốc sáng tạo của dòng thời trang nữ. Từ năm 1997 đến 2003, ông đã tạo nên một vẻ ngoài sang trọng, hiện đại và nữ tính cho nhà mốt Pháp, một sự thuần hóa so với con mãnh thú mang tính tiên phong tại Maison Martin Margiela. Kể từ khi từ chức giám đốc sáng tạo tại thương hiệu của mình vào năm 2008, Martin rời bỏ thời trang và tập trung vào việc sáng tác các tác phẩm nghệ thuật.
“Sau nhiều năm, cơ thể như phương tiện duy nhất của tôi đã trở nên quá chật hẹp và ngột ngạt. Tôi cần một phạm vi rộng hơn với sự tự do hoàn toàn trong việc thể hiện sáng tạo và tái khám phá cội nguồn của mình khi còn là một cậu bé trong ngôi trường nghệ thuật, tận hưởng quá trình sáng tạo thuần túy không có ranh giới. Hôm nay, tôi cảm thấy tự hào khi các tác phẩm của mình được công nhận.” - ông nói trong một tuyên bố hiếm hoi với Artnet.
Việc Martin chọn cách vô danh và vô diện trong thế giới thời trang được nhiều người xem là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của nhà mốt. Không dùng cá tính riêng để tiếp cận thế giới, trọng tâm duy nhất của Martin là các bộ sưu tập. Ông dùng di sản của mình để chinh phục thế giới thay vì là một hình ảnh đại chúng được xây dựng một cách hoàn hảo.
- 0
- 0Bình luận