Những điều cần biết về các loại sợi may mặc _ (Phần 1): Sợi Cupro là gì? Nó có phải là chất liệu bền vững?
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghiệp thời trang, để đáp ứng nhu cầu và khả năng tiêu dùng của từng nhóm khách hàng khác nhau, cũng như đảm bảo theo kịp xu hướng thay đổi của từng thời kỳ, các sản phẩm thời trang luôn phải duy trì sự đa dạng từ mẫu mã, kiểu dáng đến chất liệu. Không nằm ngoài xu hướng bền vững đang ngày càng phát triển hiện nay, ngành công nghiệp thời trang cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và chú trọng vào các loại chất liệu bền vững. Trong series về các loại sợi may mặc này, hãy cùng tìm hiểu về những ưu điểm và mặt tối của các loại vải sợi được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay.
1, Sợi Cupro là gì?
Cupro là tên viết tắt của cuprammonium rayon, một loại vải rayon (vải bán tổng hợp có nguồn gốc từ cellulose thực vật) được làm từ cellulose hòa tan trong hỗn hợp dung dịch amoniac và đồng. Đây là một loại vải bán tổng hợp với phần cellulose lấy từ xơ quanh hạt của quả bông, thứ thường bị bỏ đi sau khi thu hoạch.
Phần xơ này sau khi được làm sạch sẽ trải qua quá trình kéo sợi bao gồm các bước: ngâm trong dung dịch cuprammonium hydroxide, lọc qua amiăng và cát để loại bỏ các chất không cần thiết, kéo sợi và ngâm qua bể chứa axit loãng, rượu và dung dịch cresol. Kết quả sẽ được các sợi cellulose tái sinh tên Cupro.
2, Tác động môi trường của vải sợi Cupro
Cupro thường được giới thiệu là loại vải thân thiện với môi trường vì nó được làm từ sản phẩm phụ của ngành trồng bông. Tuy nhiên, ngành này lại là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như ô nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, giảm chất lượng đất, …
Thêm vào đó, cũng do các hóa chất độc hại sử dụng trong quá trình sản xuất kể trên mà việc sản xuất loại sợi Cupro này hiện nay là bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Mặc dù ammoniac, natri hydroxit và axit sulfuric loãng không còn có mặt ở sản phẩm cuối cùng, nhưng chúng lại gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của người công nhân hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với chúng. Nếu dây chuyền sản xuất Cupro không đảm bảo khép kín cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm kim loại đồng quanh khu vực.
3, Cupro, Cotton và Polyester
Mặc dù thành phần chính là xơ tự nhiên nhưng quá trình kéo sợi với nhiều loại hóa chất đã biến chúng thành loại sợi bán tổng hợp, không hẳn là sợi tự nhiên như bông, cũng không hẳn là sợi tổng hợp như Polyester.
- Cupro và Cotton
Mặc dù về cơ bản chúng có nguồn gốc từ cùng một loại cây, nhưng Cupro và Cotton là hai loại vải rất khác nhau. Vải Cupro mang cảm giác mềm và mượt, được sử dụng như một loại vải thuần chay thay thế cho lụa. Mặt khác, Cotton lại linh hoạt hơn, tùy vào kiểu dệt mà sẽ cho ra nhiều loại vải khác nhau như Cotton Ai Cập, Cotton satin, Cotton 100%, … Ngoài ra, nếu không tính đến các vấn đề trong ngành trồng bông thì chỉ riêng quá trình sản xuất vải Cupro đã tiêu tốn năng lượng nhiều hơn 70% so với sản xuất bông tự nhiên.
- Cupro và polyester
Sợi Polyester là loại sợi được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, thường có nguồn gốc từ dầu mỏ. Loại vải sợi nhân tạo này yêu cầu thời gian sản xuất ngắn hơn, chi phí sản xuất và giá thành cũng rẻ hơn rất nhiều so với những loại vải sợi khác. Tuy nhiên chất lượng của chúng không đánh giá cao do khả năng thấm nước và khử mùi kém, cũng không có cảm giác mềm mại như sợi tự nhiên.
Ngược lại, mặc dù Cupro khá khó nhuộm và cần nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất, nhưng nó lại được khen ngợi vì sự mềm mại và khả năng thấm nước, chống nhăn tốt.
4, Các loại vải thay thế Cupro
Chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng sợi Cupro hiện nay đang ngày càng ít phổ biến do chi phí cao và các vấn đề môi trường mà nó gây ra.
Nếu bạn đang tìm kiếm các lựa chọn thuần chay thay thế thì có thể tham khảo một số loại vải như vải vỏ cam, lanh, vải sợi tre hoặc các loại vải sợi tổng hợp như Econyl, Microsilk, …
- 0
- 0Bình luận