logo-maybe-vn
Mở app
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Tòa nhà zero-waste ở Nhật Bản được xây dựng từ 700 cánh cửa sổ cũ

Giữa khu rừng tuyết tùng xanh mướt tại thị trấn Kamikatsu nổi bật lên màu đỏ rực của mái nhà trung tâm Kamikatsu zero-waste _ là đầu não vận hành các hoạt động thu gom và tái chế rác thải của thị trấn.

Sau khi lò đốt rác của thị trấn bị buộc dừng hoạt động do thải ra lượng dioxin quá mức cho phép, kể từ năm 2003 chính quyền Kamikatsu đã hướng tới mục tiêu trở thành thị trấn không rác thải, có nghĩa là mọi loại rác phải được tái chế hoặc tái sử dụng thay vì kết thúc vòng đời ở lò đốt và bãi chôn lấp.

Người dân sẽ tự phân loại rác vào các thùng chứa riêng biệt

Tính đến nay, với sự trợ giúp của trung tâm Zero-waste, Kamikatsu đã có hệ thống phân loại 45 loại rác thải khác nhau và thành công tái chế được hơn 80% tổng lượng rác thải của toàn thị trấn.

Tòa nhà Kamikatsu có cấu trúc hình móng ngựa, phần sân mở rộng được tận dụng làm khu vực đỗ xe. Thiết kế của tòa nhà tạo không gian xuyên suốt giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với từng khu vực riêng biệt.

Khách sạn Hotel Why

Phía bên kia của gian nhà chính là khách sạn có 4 phòng nghỉ, được xây dựng thành một khu nhà tròn. Nhìn tổng quan cả công trình từ trên cao xuống giống như một dấu chấm hỏi (?) màu đỏ khổng lồ. Bên trong mỗi phòng khách sạn đều tận dụng tạp chí cũ làm giấy dán tường.

Văn phòng với khu vực giá sách làm từ giỏ hàng cũ của một cửa hàng bán hàu địa phương

Ngay lối vào của gian nhà chính là cửa hàng tái sử dụng cùng văn phòng, trong khi khu vực người dân địa phương và các công nhân vệ sinh đến để phân loại rác nằm rải rác dọc khu nhà.

Với những khu rừng tuyết tùng xanh mướt, ngành công nghiệp chính của Kamikatsu từng là lâm nghiệp. Tuy nhiên giờ đây những khu rừng tuyết tùng này đã dần bị bỏ quên. Vì thế các kiến trúc sư đã tận dụng nguồn tài nguyên địa phương này làm cột chống cho tòa nhà.

Cột nhà từ gỗ tuyết tùng

Để giảm thiểu rác thải trong quá trình xử lý và gia công gỗ, các cây gỗ tuyết tùng chỉ được xẻ dọc theo chiều dài thân và ráp lại, giữ nguyên hình hài ban đầu của nó mà không cần chạm khắc cầu kỳ. Những phần cột trụ này cũng có thể được tháo dỡ và tái sử dụng nếu cần.

Tường nhà đặc biệt được lắp ráp từ 700 cánh cửa sổ cũ do người dân địa phương mang đến. Nhờ có phần mềm máy tính giúp đo đạc, chỉnh sửa và chỉ định vị trí của từng cánh cửa đã tạo thành hiệu ứng chắp vá, nhìn có vẻ ngẫu nhiên và lộn xộn nhưng lại vô cùng chính xác.

Khu vực bày đồ lưu niệm tái chế được người dân địa phương làm dành cho khách tham quan

Thủy tinh tái chế và đồ gốm cũng được tận dụng làm gạch lát sàn. Ngoài ra các vật liệu bỏ đi khác như gạch, ngói, sàn gỗ, vải đều được tái sử dụng để hoàn thiện tòa nhà.

Nội thất và vật dụng bên trong tòa nhà được thu gom từ nhiều nơi khác nhau chẳng hạn như từ các ngôi nhà bỏ hoang, tòa nhà chính phủ cũ hay từ một trường học đã đóng cửa.

Nakamura, kiến trúc sư chính của tòa nhà cho biết chính sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương đã tạo động lực cho dự án, góp phần hoàn thiện mục tiêu tái chế và tái sử dụng rác thải tại thị trấn Kamikatsu.  

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Bluesky
Bluesky3 năm trước
Lostbird

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)