Những điều cần biết về các loại sợi may mặc _ (Phần 4): Vải denim có bền vững?
Denim có một lịch sử phát triển phong phú ở Mỹ. Ngoài những chiếc quần jean quen thuộc, vải denim còn được sử dụng làm phụ kiện, túi xách hay dùng thay vải bạt canvas do có độ dày và bền tương tự. Trong lịch sử, những cánh buồm trên thuyền của Columbus cũng được làm từ loại vải này.
Vải denim thực chất có nguồn gốc 100% từ bông hoặc pha bông, nhưng nhờ kỹ thuật dệt chéo đặc biệt mà nó dày dặn và chắc chắn hơn gấp nhiều lần những loại vải sợi bông thông thường khác.
Lịch sử của vải denim
Nhắc đến denim đại đa số mọi người nghĩ đến Levi Strauss, người sáng lập ra công ty sản xuất quần jean đầu tiên trên thế giới vào năm 1853. Tuy nhiên lịch sử của loại vải này đã bắt đầu từ trước đó rất lâu.
Vải denim được cho là bắt nguồn từ Pháp. “Denim” là dạng ngắn gọn của “serge de Nimes” nghĩa là vải dệt chéo đến từ Nimes. Vải denim gốc khá giống với loại vải jean fustian của Ý, đều sử dụng sợi bông và phương pháp dệt chéo. Điểm khác biệt duy nhất của hai loại này là denim được dệt từ một sợi chỉ màu và một sợi chỉ trắng, còn jean được dệt từ hai sợi chỉ đồng màu. Có lẽ vì quá giống nhau nên dần dần người ta bắt đầu coi chúng là cùng một loại, tuy nhiên ban đầu chúng chính xác là hai loại vải khác nhau.
Loại vải Levi bán ban đầu được sản xuất bởi công ty Amoskeag. Sau đó, Jacob Davis, là một thợ may, khi dùng loại vải này để may quần cho khách hàng, với yêu cầu chiếc quần phải thật bền chắc, Jacob đã đóng thêm đinh tán và may thêm hàng chỉ bên ngoài, tạo ra nguyên mẫu của chiếc quần jean hiện đại.
Denim và chế độ nô lệ
Cả cotton và chàm đều có lịch sử gắn với thời kì sử dụng nguồn lao động là nô lệ, thậm chí vì chàm được “thèm muốn” nhiều hơn nên nô lệ đã từng bị coi là một loại tiền tệ để trao đổi chàm.
Sự bất bình đẳng không chỉ dừng lại ở đó. Vì vải denim khá thô, không có độ mềm mại như nhung hay lụa nên được coi là loại vải dành cho tầng lớp lao động như nông dân, công nhân hay nô lệ, giới quý tộc gần như không sử dụng loại vải này.
Sự xâm nhập của denim vào văn hóa Mỹ
Trong khi Levi và Davis chỉ đóng vai trò mang denim phổ biến với những người dân lao động thì các bộ phim Hollywood lại khiến nó trở thành “thời trang”. Đặc biệt phải kể đến bộ đôi James Dean và Marlon Brando, những người tiên phong khiến những chiếc quần denim tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.
Dần dà, denim đã trở thành biểu tượng của sự nổi loạn ở thanh thiếu niên, thậm chí bị cấm cửa ở các trường học. Tuy nhiên đến những năm 1960, giá trị của quần áo denim bắt đầu được khẳng định lại. Những nhà hoạt động xã hội mặc denim xuống phố biểu tình như một cách để đòi quyền lợi cho người da đen, yêu cầu chấm dứt hoàn toàn chế độ nô lệ. Hay như các sinh viên đại học mặc denim để thể hiện thông điệp của tình đoàn kết, …
Tác động môi trường
Như đã biết, bông là loại cây trồng tiêu thụ một lượng lớn phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nếu so sánh một chiếc áo cotton thông thường và một chiếc áo denim thì denim lại kém thân thiện với môi trường hơn nhiều. Nguyên nhân là do quá trình sản xuất 1 chiếc áo denim cần đến 11000 lít nước, nhiều gấp 4 lần lượng nước dùng cho một chiếc áo cotton thông thường (2600 lít). Điều này cũng khiến denim trở thành loại vải chịu thuế môi trường nhiều nhất.
Màu nhuộm chàm mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng quá trình trồng cũng tốn kém và mất công sức không thua gì bông. Ngày nay, nhờ thuốc nhuộm hóa học mà quá trình nhuộm màu vải đã dễ dàng hơn rất nhiều, tuy nhiên nó lại chứa nhiều thành phần độc hại (như formaldehyde) vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tương lai bền vững của vải denim
Với số lượng bán ra thị trường hàng năm rất lớn (năm 2018 có khoảng 4,5 tỷ quần denim được tiêu thụ), việc tìm kiếm hướng đi bền vững cho vải denim là một trong những quan tâm hàng đầu của ngành thời trang hiện nay.
Một số nhãn hàng thời trang đã bắt đầu nghiên cứu và áp dụng các giải pháp thay thế như sử dụng sợi gai dầu pha bông để giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, dùng máy móc trong dây chuyền sản xuất thay nhân công hay sử dụng vật liệu tái chế, … Đặc biệt, với quá trình cuối cùng là phun cát để tạo độ mòn có thể gây bệnh bụi phổi silic, ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe công nhân, đã được thay bằng phương pháp mài mòn bằng lazer, ozon hoặc tia nước.
- 0
- 0Bình luận