Úc đang tìm cách tái chế nước tiểu của con người thành phân bón sử dụng cho cây cối trong các công viên thành phố
Dùng nước tiểu pha loãng để tưới cho cây trồng có lẽ là việc làm đã quá quen thuộc với nhiều nông dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, sử dụng nước tiểu thay cho phân bón trên một diện tích rộng lớn, đặc biệt là ở khu vực công viên chuyên để nghỉ ngơi thư giãn lại không phải là một lựa chọn hợp lý. Chắc chắn rằng sẽ chẳng có ai muốn tập thể dục, cắm trại và hít thở không khí dưới một không gian nồng nặc mùi amoniac.
Để tận dụng nguồn phân bón tự nhiên vẫn luôn bị lãng phí này, các nhà khoa học Úc đang nghiên cứu thử nghiệm một dự án kéo dài bốn năm, xây dựng những hệ thống nhà vệ sinh công cộng kết hợp với công nghệ mới giúp trực tiếp tách lọc ni tơ, kali và phốt-pho trong nước tiểu cung cấp cho cây cối quanh khu vực lân cận.
Phân bón tổng hợp hiện nay đã không còn được ưu ái do những thành phần hóa học có thể gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Ngoài ra quá trình sản xuất phân bón cũng đòi hỏi sử dụng rất nhiều năng lượng để tổng hợp nitơ, kali và phốt-pho trong môi trường. Dự án tái chế nước tiểu mới này nếu thành công sẽ đóng một vai trò vô vùng to lớn giúp hoàn thành mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” được hướng đến hiện nay.
Nước tiểu có thể vô trùng khi ở dạng tinh khiết nhất. Tuy nhiên, thực chất nước tiểu con người luôn chứa đựng những loại vi khuẩn gây bệnh, hormone hoặc thuốc kháng sinh, vì thế vẫn có thể gây phản tác dụng nếu quá lạm dụng hoặc không được xử lý đúng cách. Tìm ra công nghệ xử lý ít tiêu tốn năng lượng nhất mà vẫn đạt hiệu quả tối đa là rào cản cuối cùng các nhà khoa học Úc cần vượt qua để hoàn thiện dự án.
Theo như kế hoạch, những nhà vệ sinh công cộng kiểu mới đầu tiên sẽ được lắp đặt tại các công viên ở Sydney và Brisbane vào cuối năm nay.
- 0
- 0Bình luận