8 loài cáo “lập dị” nhất thế giới
Cáo là một loài phổ biến trong họ Canid (họ Chó), xuất hiện ở hầu hết các châu lục, ngoại trừ Nam Cực.
Có 12 loài và 47 phân loài được công nhận trong danh mục “cáo thực sự” – đơn ngành của chi Vulpes. Loài quen thuộc và phổ biến nhất là cáo đỏ. Tuy nhiên, đừng bị cái tên của chúng đánh lừa. Chúng không chỉ có màu lông đỏ mà còn cả bạc, trắng, đen hoặc nâu. Môi trường sống của chúng cũng rất khác biệt khi một số thích môi trường sa mạc, một số khác lại ưa vùng núi cao.
- Cáo tai dơi
Sở dĩ có tên như vậy là vì chúng dùng đôi tai to và dài để định vị vị trí con mồi (có khả năng định vị bằng âm thanh giống như dơi). Thức ăn chủ yếu của chúng là các loài côn trùng như mối, kiến, bọ cánh cứng, châu chấu, nhện và nhiều động vật không xương sống khác.
Số côn trùng này cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cáo tai dơi, trong điều kiện sống khắc nghiệt tại các đồng cỏ khô và xavan khô cằn của châu Phi.
Bên cạnh đôi tai lớn, cáo tai dơi còn có nhiều răng hơn bất kỳ loài động vật có vú nào khác.
- Cáo cát Tây Tạng
Cáo cát Tây Tạng tuy có đôi tai khá ổn, nhưng khuôn mặt của chúng lại lớn bất thường. Phần mõm dài và nhỏ, đôi mắt lờ đờ, lớp lông hai bên má dày khiến tổng thể khuôn mặt trở nên quá khổ so với cơ thể nhỏ gọn. Loài cáo này được tìm thấy ở những khu vực có độ cao lớn như Cao nguyên Tây Tạng, Nepal, Sikkim và Cao nguyên Ladakh. Con mồi chủ yếu của chúng là thỏ cộc Mỹ (Pika), động vật gặm nhấm, thỏ rừng và thỉnh thoảng là thằn lằn.
- Cáo Cape
Cáo Cape (Vulpes chama) có thể được tìm thấy ở phía nam châu Phi, bao gồm Nam Phi, Zimbabwe, Botswana và sa mạc Kalahari. Chúng sống trên cả những đồng cỏ và khu vực bán sa mạc.
Khi thời tiết quá nóng bức, chúng sẽ nghỉ ngơi trong hang vào ban ngày và kiếm ăn vào ban đêm. Thi thoảng, người ta cũng bắt gặp chúng lang thang vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn.
Giống như nhiều loài thuộc họ Chó khác, cáo Cape có thời kì giao phối kéo dài và có thể sinh con bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, những con cáo Cape trưởng thành thường có xu hướng kiếm ăn một mình. Vì vậy, rất ít khi nhìn thấy một cặp cáo Cape đi cùng nhau.
- Cáo ăn cua
Cáo ăn cua, hay còn được gọi là cáo rừng hoặc cáo gỗ, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sinh sống chủ yếu ở các savan, rừng cây gỗ, rừng cận nhiệt đới hoặc rừng ven sông.
Loài cáo này được đặt tên theo chế độ ăn hầu hết là cua và động vật giáp xác của chúng. Thi thoảng, chúng cũng ăn côn trùng, các loài gặm nhấm hoặc chim.
Ngoài ra, chúng còn rất dễ được thuần hóa và nuôi làm thú cưng.
- Cáo sa mạc
Cáo fennec (cáo sa mạc) phát triển cơ chế thích nghi với điều kiện sống cực ít nước tại sa mạc.
Đây là loài động vật sống về đêm. Ban ngày chúng trốn trong hang để tránh mất nước do nắng nóng, đến ban đêm mới bắt đầu ra ngoài kiếm ăn.
Giống với cáo tai dơi, đôi tai to và dài của cáo sa mạc giúp chúng định vị con mồi, đồng thời làm nhiệm vụ tản nhiệt.
Cáo sa mạc được biết đến là loài động vật nhỏ nhất thuộc họ Chó với chiều dài cơ thể tối đa 30cm, cân nặng trung bình chỉ khoảng 1,5kg. Chỉ riêng đôi tai đã dài từ 7 đến 15cm.
Loài động vật này còn được chú ý vì điệu nhảy bằng hai chân sau như kangaroo.
- Cáo Corsac
Bộ lông mượt mà của cáo Corsac đã khiến chúng rơi vào tầm ngắm của những kẻ săn trộm.
Phân bổ chủ yếu ở các thảo nguyên, bán sa mạc thuộc vùng trung tâm và phía đông bắc Á, số lượng của loài động vật này đã có lúc giảm đến 90% do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, tuyết rơi dày đặc, bị con người săn bắn hoặc mất môi trường sống.
Tuy nhiên, vì có xu hướng phục hồi nhanh chóng mà cáo Corsac vẫn nằm ngoài danh sách cần được quan tâm của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế.
Cũng là loài động vật ăn đêm, cáo Corsac thường dành gần hết thời gian ban ngày để nằm trong hang. Đặc biệt, một con cáo có thể có vài hang động trên địa phận lãnh thổ của nó.
- Cáo bạc
Cáo bạc thực chất là những cá thể có bộ lông khác màu của loài cáo đỏ. Loài cáo này được sinh ra với lượng sắc tố melanin cao hơn hẳn mức thông thường, vì thế lông của chúng trở nên sẫm màu hơn.
Bộ lông xen kẽ ánh bạc này chính là điểm đặc biệt của chúng.
Màu lông của chúng vô cùng đa dạng. Có thể là toàn bộ màu đen, đuôi bạc, hoặc cũng có thể là màu xanh lam, xám tro. Tuy nhiên, cho dù là màu gì, bộ lông của chúng vẫn cực kì giá trị trong thị trường buôn bán lông thú.
Không chỉ thế, chúng còn có đôi mắt với khả năng đổi thành màu vàng rực rỡ khi đã trưởng thành.
Cáo bạc là loài sống đơn độc. Đặc biệt, không giống những anh em họ hàng khác trong cùng họ Chó, chúng không thể sủa hoặc hú. Chúng chỉ có thể phát ra tiếng kêu lanh lảnh như tiếng cười khúc khích, vừa để giao tiếp, vừa là lời cảnh báo gửi đến những kẻ xâm lược lãnh thổ.
- Cáo Bắc Cực
Còn được gọi là cáo tuyết hay cáo trắng, cáo Bắc Cực là một sinh vật tiêu biểu thuộc quần xã lãnh nguyên. Khác với những họ hàng sống ở sa mạc, cáo tuyết được trang bị để chống trọi với cái lạnh buốt giá của Cực xa xôi.
Lớp da có nhiệt độ cao nhất trong số tất cả những loài động vật được tìm thấy ở Bắc Cực, sẽ bảo vệ chúng dưới cái lạnh -60*C.
Màu lông trắng như tuyết có thể giúp chúng ngụy trang, trong khi chiếc đuôi dài và dày hoạt động như tấm chăn giúp giữ ấm cơ thể.
- 0
- 0Bình luận