logo-maybe-vn
Mở app

8 hủ tục dân gian của Trung Quốc khiến bạn chỉ cần nghe tên đã thấy lạnh gáy!

Ở Trung Quốc có rất nhiều hủ tục dân gian khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ và đáng sợ. Mặc dù nhiều hủ tục ngày nay đã được loại bỏ nhưng chúng vẫn thu hút sự tò mò của vô số người, khiến chúng ta không thể không đi tìm hiểu.

1. Cắt thòng lọng

Ở Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến và các vùng ven biển của Đài Loan có một phong tục dân gian rất cổ xưa và huyền bí tên là “tiễn bánh chưng thịt” (hay còn gọi là “tiễn sát”).

"Tiễn bánh chưng thịt" nghĩa là gì? Theo truyền thuyết, đây một nghi lễ dân gian truyền thống để trừ tà, cũng là một trong những phong tục tang lễ của Đài Loan. Ông bà xưa tin rằng người dùng cách treo cổ để tự sát là mang oán khí nặng nhất, chỉ cần ai đó treo cổ chết, họ sẽ liên tục tìm kiếm người thay thế để siêu thoát. Vì vậy dựa theo pháp lễ, sợi dây tượng trưng cho oan hồn của hồn ma bị treo cổ và những thứ mà sợi dây này chạm qua sẽ được dùng máu vịt quét lên và đưa ra bờ biển, hoặc cửa sông gần nhất để đốt nhằm xua đuổi tà ma.

Trước khi thực hiện nghi lễ, ở dọc đường đi, các pháp sư sẽ dán bùa chú, đặt chổi ngược để ra dấu cho mọi người. Pháp sư phụ trách hành lễ sẽ mặc trang phục và đeo mặt nạ Chung Quỳ để trấn áp ma quỷ. Nghi lễ phải được thực hiện vào lúc nửa đêm vì nếu có quá nhiều người đến xem thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình “tiễn bánh chưng thịt”. Thậm chí, người ta còn nói rằng nếu người dân bình thường đến xem nghi lễ này thì sẽ bị ác quỷ “bắt chết thay”.

2. Đóng cọc thô

Đóng cọc thô có nghĩa là chôn sống người ở công trường khi xây nhà, xây cầu. Linh hồn của những người này sẽ giúp cho nhà hoặc cầu không bị đổ. Thường đối tượng bị chôn sống sẽ là trẻ em, có lúc là một, có lúc lại là nhiều. Hủ tục độc ác này đã được kéo dài hàng trăm năm. Trước đây trong một lần khảo cổ ở Hà Nam (Trung Quốc), các nhà khảo cổ học đã đào được một bộ hài cốt của một em bé được lấp dưới chân cầu.

Theo dân gian, xưa kia trước khi xây cầu, một chàng trai và một cô gái còn trinh sẽ được đưa vào làm vật hiến tế. Trong khi chàng trai bị chôn sống ở trụ cầu ở phía đầu cầu thì cô gái sẽ bị chôn sống ở trụ cầu ở cuối cầu. Hai người này sẽ trở thành những người bảo vệ cây cầu và chống lại lũ quét. Chuyện bi thảm này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn xảy ra ở cả Nhật Bản và Triều Tiên. Toàn bộ nền văn hóa kiến trúc thuộc dân gian Đông Á đều có hủ tục này.

3. Thờ Hà Bá

Thời xa xưa, do không có bê tông cốt thép nên các đập ngăn lũ thường xuyên bị sập. Khi xây lại đập, một số người đã hiến tế người sống cho Hà Bá để ngăn lũ quay lại. Trong thực tế, việc sử dụng người sống làm vật hiến tế đã được ghi lại trong nhiều cuốn sách ở Đông Á cổ đại. Hàng năm, các pháp sư đều đưa những cô gái trẻ đẹp đến cho thần sông, dùng người sống làm vật hiến tế.

4. Hang Ông già

“Hang Ông già” hay “Hang tử thần” là từ được dùng để chỉ việc đào một cái hang có kích thước bằng một người ở trên vách núi hoặc trong bụi rậm. Những cái hang này sẽ được dùng để làm nơi ở cho những người già mất khả năng lao động. Hủ tục bỏ rơi người già này chắc chắn là một sự châm biếm đối với lịch sử đề cao và tôn trọng lòng hiếu thảo của Trung Quốc từ xa xưa.

Trên thực tế, hủ tục vô lý này cũng từng tồn tại ở các vùng nông thôn Nhật Bản và Hàn Quốc. Người ta bỏ rơi người già trên núi, những người con sẽ cõng cha mẹ mình và bỏ mặc họ chết đói ở đó. Hiện nay ở nhiều vùng của Ấn Độ vẫn còn tồn tại hủ tục xa xưa này. Đồng thời, đây cũng là cốt truyện của bộ phim Nhật Bản nổi tiếng “Narayama Setkao”.

5. Cô gái hang Lạc Hoa

Đây là từ để chỉ những người phụ nữ chưa chồng ở Tương Tây, nếu quá lứa lỡ thì thì sẽ bị nhốt vào hang động. Tương truyền những người phụ nữ này sau khi vào hang sẽ có khả năng khóc ra lá. Nếu họ cứ ở mãi trong hang thì dù không ăn uống gì họ cũng sẽ không chết, nhưng chỉ cần quay lại làng thì họ sẽ chết vài ngày sau đó. Người dân trong bộ lạc tin rằng những cô gái này đã kết hôn với thần cây và thần giếng nên suốt đời không thể rời khỏi hang.

Khi những cô gái này chết đi, người nhà họ không những không tổ chức tang lễ mà còn tổ chức đám cưới để bày tỏ niềm hạnh phúc.

6. Cổ trùng

Cổ trùng của Tương Tây và Gumanthong ở Thái Lan được biết đến là hai tà thuật lớn ở Đông Nam Á. Theo truyền thuyết, cổ trùng chỉ bám vào phụ nữ để làm hại người khác. Những người phụ nữ mang theo cổ trùng sẽ được gọi là “cô gái trùng”. Tuy nhiên, không có nhiều người từng nhìn thấy cái gọi là phương pháp nuôi cổ và hình dáng của cổ trùng như thế nào, ngoại trừ những câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác.

Hầu như toàn bộ người Miêu ở Tương Tây đều tin vào tà thuật, nhưng mức độ niềm tin ở mỗi nơi không giống nhau. Trong thế giới của người Miêu, ngoài cổ trùng còn có bùa rắn, bùa ếch, bùa kiến, bùa sâu bướm, bùa chim sẻ, bùa rùa,... Tương truyền rằng nếu không tìm được thức ăn, cổ trùng sẽ tấn công người mang chất độc và đòi ăn. Khi người sở hữu cổ trùng cảm thấy khó chịu thì họ sẽ phải thả chất độc ra làm hại người khác.

7. Trải nghiệm thoát xác

Có một phong tục cổ xưa và kinh hoàng về việc thoát xác ở phía tây Phúc Kiến. Vào đêm 15 tháng 8 âm lịch, nhờ một loại nghi lễ hiến tế nào đó, nhiều cô gái chưa chồng có thể để linh hồn mình thoát xác và xuống âm phủ thăm người thân đã khuất. Các thầy pháp sẽ hướng dẫn cô gái xuống âm phủ và trao những món quà cho người thân.

Trong lúc thoát xác, cơ thể của những cô gái có linh hồn đã đến địa ngục này luôn run rẩy, bất cứ điều gì họ gặp phải ở địa ngục đều sẽ thốt ra từ miệng họ. Một số người khóc suốt, còn một số thì bạo dạn hơn và sẽ ngừng khóc sau cơn hoảng loạn tạm thời. Tất cả trải nghiệm của họ đều là người thân sẽ đưa họ vào khu vườn đầy hoa, những bông hoa này đều có chậu riêng. Những bông hoa này tượng trưng cho những người sống ở trần gian, mỗi người sống trên trần gian đều có một chậu hoa tượng trưng cho mình ở cõi âm, nhưng người chết thì không có.

Lúc này, các thầy pháp sẽ hướng dẫn và nói: “Hãy nhờ người thân đưa con đi xem hoa”. Theo mô tả của họ, người thân sẽ nhiệt tình dẫn họ đi tìm các chậu hoa khác, có chậu hoa mọc rất tươi tốt, lá rất xanh, có chậu hoa lại mọc thưa thớt, lá sớm đã héo vàng, biểu thị cho tuổi thọ của người đó ở trên dương gian sắp hết.

8. Âm hôn

Minh hôn, còn gọi là âm hôn hay đám cưới ma, là nghi lễ kết hôn giữa hai người đã qua đời hoặc giữa một người đã khuất và một người còn sống. Tập tục cổ xưa này đã được thực hiện khoảng 3000 năm.

Đối với cô dâu và chú rể đều đã chết, trước khi bắt đầu tổ chức minh hôn, cha mẹ phải làm lễ nhờ đến “quỷ mai mối” đi dạm hỏi, sau đó xem quẻ. Nếu kết quả xem quẻ thuận lợi thì gia đình mới may áo mới cho cô dâu chú rể rồi cử hành hôn lễ. Lễ cưới bao gồm một mâm cỗ tang cho chú rể, cô dâu và có một bữa tiệc linh đình. Hành động kỳ lạ nhất là khi họ phải đào xương của cô dâu và đặt chúng vào mộ của chú rể.

Trong các câu chuyện về đám cưới ma được lưu truyền, có những cuộc minh hôn xuất phát từ tình yêu của đôi trẻ khi còn sống, nhưng cũng nhiều đám cưới ma là thủ tục tìm “bạn đời” cho người chết. Nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng một chàng trai hay cô gái chưa kết hôn phải sang thế giới bên kia là một điểm xấu và gia đình họ sẽ bị xui xẻo. Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào. Bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất quậy phá, nếu không thể kết hôn thì người nhà sẽ bị họ quấy phá đến hết đời.

  • 41
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
24

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)