logo-maybe-vn
Mở app
Ducky
Ducky6 tháng trước
Xinê House

Câu chuyện thật đằng sau 'Killers of the Flower Moon'

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 2017 của David Grann, Killers of the Flower Moon lấy bối cảnh đầu những năm 1920 khi bộ lạc Osage Nation tại Oklahoma (Mỹ) đang là những người có thu nhập bình quân cao nhất trên thế giới sau khi phát hiện ra trữ lượng dầu khổng lồ dưới lòng đất.

Cựu binh Thế chiến I Ernest Burkhart (Leonardo DiCaprio) - cháu trai của chủ trang trại giàu có William King Hale (Robert De Niro) - cưới một phụ nữ Osage tên Mollie Kyle (Lily Gladstone) theo chỉ đạo của chú mình. Sau đó, cả hai lên kế hoạch sát hại các thành viên gia đình Mollie và nhiều người Osage khác để kiếm tiền từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và quyền sở hữu dầu mỏ của họ.

Cuốn sách của Grann được viết theo hướng trinh thám, khám phá bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn của Triều đại Khủng bố (Reign of Terror) - bao gồm cả quá trình điều tra và phá án của cựu thành viên Sư đoàn Biệt động Texas Tom White (Jesse Plemons). Nhưng khi chuyển thể, Martin Scorsese muốn chuyển sự chú ý ra khỏi người da trắng và biến cuộc hôn nhân của Mollie và Ernest trở thành trung tâm của bộ phim.

Hệ thống Quyền đứng đầu (Headright System)

Vào năm 1906, gần 45 năm sau khi Osage Nation mua và định cư hợp pháp lâu dài trên một khu bảo tồn ở phía bắc trung tâm Lãnh thổ Người bản địa Oklahoma, Tộc trưởng Osage James Bigheart và một luật sư mang nửa dòng máu bản địa tên là John Palmer đã thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ. Trong đó, mọi người Osage thuần chủng được nhận được một lô đất rộng 657 mẫu Anh (~256 hecta) lẫn quỹ tín thác khoáng sản chung của bộ tộc.

Mặc dù trên lý thuyết, tài sản có thể được bán hoặc cho thuê, nhưng thỏa thuận quy định rằng các quyền sở hữu quỹ tín thác khoáng sản - quyền nhận tiền phân bổ hàng quý từ tài sản khoáng sản dưới lòng đất của bộ tộc - chỉ có thể được thừa kế bởi người thừa kế hợp pháp của chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là khi họ phát hiện ra các mỏ dầu trong khu bảo tồn chỉ vài năm sau đó, Osage đã trở thành bộ lạc giàu nhất thế giới nhưng không được tự do tiêu tiền của mình.

Chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng một hệ thống giám hộ, theo đó bất kỳ người Osage nào bị coi là "kém cỏi" sẽ được chỉ định một người giám hộ (hầu như luôn là người da trắng) kiểm soát tiền của họ. Hệ thống này thường dẫn đến việc những người giám hộ giữ lại hoặc ăn trộm tiền từ người Osage. Trong phim, Mollie đến thăm người giám hộ và yêu cầu được sử dụng tiền của chính mình để thanh toán các hóa đơn y tế.

Cuộc hôn nhân của Mollie và Ernest

Như trong phim, Ernest gặp Mollie khi đang làm tài xế taxi ở Quận Osage. Họ kết hôn vào năm 1917 theo sự thúc giục của Hale và cuối cùng có với nhau 3 người con, Elizabeth, James "Cowboy" và Anna. Nhiều năm sau, trong khi Ernest đang bị xét xử, Anna qua đời khi mới 4 tuổi vì bệnh. Bộ phim mô tả cả hai yêu nhau say đắm dù Ernest đang âm mưu sát hại gia đình vợ. Dù khó có thể biết được mối quan hệ thật sự, Scorsese nói rằng chính cháu gái ngoài đời thực của họ - Margie Burkhart - là người đã thuyết phục ông rằng cuộc hôn nhân nên là tâm điểm của bộ phim.

Ông nói trong buổi họp báo hôm 16.10: "Cô ấy nói chúng tôi phải nhớ rằng Ernest yêu Mollie, và Mollie yêu Ernest. Đó là một câu chuyện tình yêu. Và kịch bản đã chuyển theo hướng đó. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng Ernest thực sự yêu Mollie đang gây tranh cãi với một số người tham gia dự án. Tại buổi ra mắt phim, cố vấn ngôn ngữ Osage Christopher Cote nói với Hollywood Reporter rằng, với tư cách là một Osage, ông hy vọng Killers of the Flower Moon sẽ được kể từ góc nhìn của Mollie và gia đình cô.

Triều đại Khủng bố

Triều đại Khủng bố bắt đầu vào năm 1921 với cái chết của chị gái Mollie là Anna Brown (Cara Jade Myers) và Charles Whitehorn (Anthony J. Harvey). Cả hai đều bị bắn vào đầu ở những vùng nông thôn hẻo lánh chỉ trong thời gian ngắn. Trong suốt 4 năm tiếp theo, ít nhất 24 thành viên của Osage Nation và các đồng minh của họ - bao gồm mẹ của Mollie, Lizzie (Tantoo Cardinal), chị em Minnie (Jillian Dion) và Rita (JaNae Collins), anh rể Bill (Jason Isbell) và anh họ Henry Roan (William Belleau) - chết một cách bí ẩn.

Bộ phim cho thấy Ernest đầu độc Mollie một cách chậm rãi. Gã đã cho thêm chất gì đó vào insulin để tiêm cho Mollie đang mắc bệnh tiểu đường, làm cô yếu đi và kiệt sức trên giường trong những năm cuối của Triều đại Khủng bố.

Cuộc điều tra và xét xử của FBI

Khi Rita, Bill Smith và quản gia Nettie Brookshire (Shonagh Smith) thiệt mạng trong một vụ nổ tại nhà vào năm 1923, Hội đồng Bộ lạc Osage phải kêu gọi chính phủ liên bang giúp đỡ. Đó là thời điểm Cục Điều tra (sau này là FBI) mới được thành lập. White được giao phụ trách vụ án và nó trở thành cuộc điều tra giết người đầu tiên của Cục. White dẫn đầu một nhóm đặc vụ hiện trường, nhiều người trong số đó hoạt động bí mật trong cộng đồng, thu thập bằng chứng và khám phá sự thật là Hale cùng với một số đồng phạm đã dàn dựng vụ giết hơn 20 người Osage.

Đồng bọn của Hale bao gồm Ernest và anh trai Bryan (Scott Shepherd) cũng như một nhóm tội phạm chuyên nghiệp ở địa phương. Sau khi cả Hale và Ernest đều bị bắt vào tháng 1.1926, Ernest cuối cùng đã thú nhận vai trò của mình và xác định Hale là kẻ chủ mưu. Anh ta cũng chỉ đích danh tên trộm và buôn lậu John Ramsey (Ty Mitchell) là kẻ giết Henry Roan. Tháng 4 năm đó, một kẻ buôn lậu địa phương khác, Kelsie Morrison (Louis Cancelmi) và Bryan Burkhart bị buộc tội giết Anna.

Các thủ tục pháp lý kéo dài và gian khổ diễn ra sau đó, với việc Ernest đồng ý làm chứng cho việc truy tố. Song, gã bị đe dọa và thay đổi lời khai, rồi lại một lần nữa thay đổi ý định, nhận tội và làm chứng cho bang. Cuối cùng, Ernest, Hale, Ramsey và Morrison đều bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, Ernest, Hale và Ramsey cuối cùng đều được ân xá và vào năm 1966, Ernest nhận được sự ân xá hoàn toàn từ thống đốc bang Oklahoma, Henry Bellmon.

Mollie - người luôn sát cánh bên chồng cho đến khi gã thú nhận vai trò của mình trong vụ giết thành viên gia đình cô trước tòa vào năm 1926 - đã ly hôn và sau đó tái hôn với một người đàn ông tên John Cobb. Bà qua đời ở tuổi 50 vào năm 1937. 

Bạo lực có hệ thống

Trong khi Hale bị nghi ngờ là kẻ chủ mưu đằng sau 24 vụ giết người xảy ra trong Triều đại Khủng bố, cuốn sách Killers of the Flower Moon đi sâu vào việc những vụ giết chóc người Osage là một phần của âm mưu sâu rộng hơn như thế nào. Trên thực tế, nghiên cứu của Grann chỉ ra rằng trong những năm trước cái chết của Anna Brown và những năm sau khi Hale vào tù, có rất nhiều Osage khác đã chết trong những hoàn cảnh bí ẩn - và chưa bao giờ được điều tra.

Grann nói với Tạp chí Smithsonian: “Tôi nghĩ rằng tôi đang viết một cuốn sách về nhân vật độc ác đã bị FBI bắt giữ. Thế nhưng, tôi bắt đầu nhận ra rằng đây không phải là câu chuyện về kẻ chủ mưu. Nó thực sự là về một nền văn hóa giết chóc và một nền văn hóa đồng lõa… [với] nhiều vụ giết người trong số này được thực hiện bởi những cá nhân đang thu lợi từ hệ thống nhắm vào người Osage rất thối nát này, thường kết hôn với gia đình của họ và sau đó âm mưu giết họ để ăn trộm tiền dầu mỏ và tài sản thừa kế của họ.”

  • 45
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
37
Ducky
Ducky6 tháng trước
Xinê House

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)