Cú Máy Ăn Tiền: Màn “bóc phốt” góc khuất lịch sử điện ảnh Hàn có gì mà vừa đậm tính thời đại vừa phơi bày nội tâm của chính đạo diễn Kim Jee Woon?
Lấy bối cảnh Hàn Quốc vào những năm 1970, Cú Máy Ăn Tiền (Cobweb) xoay quanh đạo diễn Kim-yeol (Song Kang-ho) tin rằng chỉ cần thay đổi đoạn kết trong tác phẩm mới nhất của mình thì sẽ cho ra đời một kiệt tác, từ đó đối diện với hàng loạt rắc rối khó đỡ từ sự bất hợp tác của nhà sản xuất, diễn viên đến ban kiểm duyệt. Không chỉ là góc nhìn hài hước về những khó khăn trong quá trình làm phim, Cobweb còn vẽ nên một bức chân dung quyến rũ về ngành công nghiệp điện ảnh và xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ, mà nếu nắm rõ bối cảnh lịch sử thì có lẽ bạn sẽ càng thấm nhuần hơn những tinh túy của bộ phim.
Sau những gian nan dưới thời Nhật chiếm đóng (1910-1945) và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), giai đoạn 1960 và đầu 1970 đánh dấu sự bùng nổ trở lại với hàng loạt bộ phim được sản xuất với tốc độ chóng mặt, chỉ trong vòng chưa đầy bốn tuần từ lên ý tưởng ban đầu cho đến khi ra rạp. Những nhà làm phim thành công nhất vào thời điểm đó, như Kim Soo-yong, Jang Il-ho và Kim Kee-duk đều quay tới 10 phim mỗi năm. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng và trang thiết bị buộc các đội sản xuất phải chia sẻ camera và trường quay. Hay các ngôi sao thuở ấy vô cùng bận rộn, thường quay tới bốn bộ phim mỗi ngày, có xu hướng sử dụng “tông giọng cao” một cách cường điệu tương đối khác nhiều với giọng thật của diễn viên. Và Cobweb đã mô tả chân thật mà không kém phần khôi hài về một số giai thoại như vậy.
Tuy nhiên, sự phát triển của điện ảnh Hàn về bản chất luôn gắn liền với tình hình chính trị: ngày 16/05/1961, cuộc đảo chính do Tướng Park Chung-hee lãnh đạo đã mở đầu chế độ quân sự đặc biệt nghiêm ngặt (1962-1979). Chính phủ mới ngay lập tức ban hành nhiều luật điện ảnh hà khắc kìm hãm sự sáng tạo, dẫn đến từ 71 công ty sản xuất năm 1961 chỉ còn 4 vào năm 1963. Đồng thời “khuyến khích” làm các phim chống cộng, nâng cao chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ chế độ, chi tiết này cũng hiện diện tại một phân đoạn đầy châm biếm trong Cobweb. Thời kỳ đen tối ấy vẫn tiếp tục đến năm 1975, 80% kịch bản phim phải sửa lại so với chỉ 3% vào năm 1970, từ 209 phim được sản xuất năm 1970 giảm còn 96 phim năm 1979. Do đó, cốt truyện Cobweb được đặt chính xác giữa sự kết thúc kỷ nguyên hoàng kim của điện ảnh Hàn và thời điểm bắt đầu suy thoái của nó, không quên ám chỉ ngấm ngầm và mỉa mai sự kiểm duyệt gắt gao dưới chế độ độc tài quân phiệt của Park Chung- hee.
Ngoài là lăng kính trào phúng hư cấu xen lẫn các sự kiện lịch sử, Cobweb còn là tấm gương phản ánh nội tâm cá nhân đầy sâu sắc của đạo diễn Kim Jee-woon. Theo đó, Cobweb như một câu chuyện ngụ ngôn cho cuộc đấu tranh của Kim về những thăng trầm trong nghiệp làm phim. Thông qua qua nam chính Kim-yeol nổi tiếng nhờ tác phẩm đầu tay nhưng sau đó chỉ toàn tạo ra “rác phẩm”, khát khao thực hiện lại phần kết cho dự án mới nhất trở thành một sự cứu chuộc nghệ thuật, như một thời điểm then chốt cho phép gã tìm thấy sức mạnh thoát khỏi cái bóng của người thầy (đạo diễn huyền thoại Shin Sang-ho), đồng thời đạp đổ các công thức sáo rỗng bị áp đặt bởi nhà sản xuất và chính quyền để khai phá tầm nhìn nghệ thuật của riêng mình. Ý niệm này mang đến một cái nhìn nội tâm hấp dẫn khác về sự nghiệp của chính Kim Jee-woon: không chỉ thoát khỏi di sản văn hóa của các bậc thầy cổ điển (của điện ảnh Hàn) mà còn phải sáng tạo lại những gì hiện có. Kim Jee-woon vì vậy, không giống bất kỳ đạo diễn xứ kim chi nào khác, luôn trình làng các hỗn hợp đa thể loại qua mỗi bộ phim mới.
Tuy nhiên, có vài khía cạnh thường thấy trong phim của Kim (và cũng là gam màu chủ đạo của những đạo diễn “làn sóng mới” như Park Chan-wook, Bong Joon-ho, Lee Chang-dong) chính là các nhân vật bị mắc kẹt một cách có hệ thống trong những tình huống bất ngờ, nói cách khác họ dường như bị ám ảnh, tổn thương và vĩnh viễn bị giam cầm trong khoảng ký ức đen tối của quá khứ. Để rồi với Cobweb, Kim Jee-woon “đóng đinh” dòng cảm xúc đa chiều này qua hồi kết đặc sắc của “bộ phim trong phim”: tựa hồ cuộc sống chẳng là gì ngoài một mạng nhện rộng lớn bao trùm lấy con người, và bất kể chúng ta là người tốt hay kẻ xấu, dường như cuối cùng đều sẽ bị trói buộc bởi những thế lực mạnh hơn, có thể là lòng tham, sự khó lường của thế thời hoặc… một chế độ toàn trị ẩn nấp trong bóng tối, hệt như một con nhện khổng lồ.
Phim hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
- 39
- 0Bình luận