Liushu Lei - Yutong Jiang: Tổ hợp “trong nhu có cương” làm nên thành công của Shushu/Tong, “mở đường” cho thời trang Trung Quốc kết nối với thế giới
“Sách mẫu” cho hàng loạt đồ replica nhan nhản trên Taobao, cây cầu nối tiên phong “mở đường” cho thời trang Trung Quốc Đại lục kết nối với thế giới, quả b.o.m nữ tính - ngọt ngào - trong trẻo, tiên phong cho làn sóng thanh tân hình ảnh thời trang Trung Quốc… Đó là cách mà truyền thông nhắc đến Shushu/Tong. Tất lẽ dĩ ngẫu, khi nói về thương hiệu, không thể bỏ qua ngọn nguồn của nó. Hôm nay, hãy cùng nói về bộ đôi sáng lập ra Shushu/Tong: Liushu Lei - Yutong Jiang.
Liushu Lei và Yutong Jiang đều sinh ra và lớn lên tại Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai chỉ bắt đầu quen biết vì là bạn học chung ngành thời trang tại một trường Đại học ở Thượng Hải. Sau đó, tình bạn trở nên gắn bó và bền chặt hơn thông qua quãng thời gian học Thạc sĩ tại Học viện Thiết kế & Thời trang London. Sau khi tốt nghiệp, Liushu Lei làm việc cho Simone Rocha, trong khi Yutong Jiang đầu quân cho Gareth Pugh. Để rồi, sợi dây định mệnh đã khiến đôi bạn thân cùng nghỉ việc, “hợp tác làm ăn”.
Shushu/Tong được ghép từ chính tên họ của bộ đôi sáng lập: “Shushu” xuất phát từ “shu” trong Liushu, còn “Tong” là một phần biệt danh “Tong Tong” mọi người hay dùng để gọi Yutong. Tương tự với cái tên, cảm hứng thiết kế trang phục cũng là sự giao hòa phong cách yêu thích của cả hai.
Trước hết, riêng với Liushu, phong cách thiết kế của anh được định hình từ những thương hiệu châu Âu. Xuyên suốt tháng ngày sinh sống tại London, Liushu đã chọn lọc, học hỏi, cũng như được truyền cảm hứng từ 3 thương hiệu chính: Simone Rocha (nơi anh làm việc), Erdem và Miu Miu. Về phía Yutong, chính bản thân cô đã là “nguồn cảm hứng” vô tận, đại diện cho hình ảnh thiếu nữ mảnh khảnh, thấp bé nhưng tự do, mạnh mẽ hơn bất kỳ ai. Đặc biệt nhất, cả hai cùng chia sẻ điểm chung là niềm yêu thích mãnh liệt đối với manga/anime Nhật Bản, nỗi hoài niệm thập niên 90 thế kỷ XX, các nhóm nữ sinh trong các thước phim học đường châu Á.
Từ đây, hình thành nên những phác thảo sơ lược nhất về các cô gái mặc váy xòe đi giải cứu thế giới và các “viên kẹo di động” sải bước trên đường phố. Dần dà, chúng phát triển thành các thiết kế đặc trưng của Shushu/Tong: Đầm bí ngô, đầm baby doll siêu phồng, giày Mary Jane đế to hơi bẹt, áo crop-top cắt đường cong như trăng lưỡi liềm, chi tiết nơ nhỏ xíu tô điểm rải rác khắp nơi…
Rất dễ thương phải không nào? Đó là vấn đề tiếp theo mà Liushu Lei và Yutong Jiang muốn giải quyết.
“Nữ tính là một khái niệm quyền lực. Tôi không thích cách mọi người đánh đồng nữ tính là mềm mại.”
“Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm là “dễ thương” không chỉ có mỗi “dịu dàng” hay “mềm mại” các kiểu, nó cũng có thể là “quyền lực” nữa.”
Chắc hẳn giới trẻ châu Á đã quá quen thuộc với những bộ đầm chiến đấu Tomoyo làm cho Sakura, hay những chiếc váy mini Sailor Moon và đồng đội mặc lúc lâm trận, đó chính là những hình ảnh dễ hiểu nhất để diễn tả cho lý tưởng hai nhà thiết kế hướng tới: Ngọt ngào, ngây ngô, dịu dàng, “chiến”, quyền lực, mạnh mẽ, tất cả cùng một lúc. Thay vì cố gắng trói buộc phụ nữ vào thực tế, đôi khi cần để họ thoát khỏi đời sống bộn bề, khuyến khích họ mộng mơ, sáng tạo, thử nghiệm, tạo nên tiêu chuẩn khác. Theo cá nhân Liushu Lei, đó là điều diệu kỳ hiếm hoi anh có thể làm được với tư cách nhà thiết kế.
Quan điểm trên có thể không mới mẻ so với châu Âu. Song, đặt trong bối cảnh Trung Quốc, nơi phụ nữ bị gò ép trong khuôn khổ và định kiến ngoại hình sâu nặng, tư tưởng thiết kế của Liushu Lei và Yutong Jiang được xem như một nét chấm phá trong trẻo và mới mẻ.
Giữa thời đại giới trẻ Trung Quốc sở hữu tư duy tiến bộ và sức sáng tạo dồi dào, một điều gì đó “ở giữa” - vừa dung dưỡng cho giá trị văn hóa truyền thống Á Đông, vừa nhuốm màu sắc phá cách, nhộn nhịp của phương Tây - bỗng trở nên cần thiết hơn cả.
Đó là cách Liushu Lei và Yutong Jiang thành công với Shushu/Tong. Xa hơn nữa, đó là cách những người thuộc lớp trẻ tiên phong cho thời trang Trung Quốc “khai thông” nguồn lực sáng tạo khổng lồ, biến thị trường tỷ dân thành cái tên không thể bỏ qua trong ngành thời trang.
-ref. Matches Fashion, Business of Fashion, South China Morning Post, VOGUE, Tatler, SHUSHU/TONG, Youtube (“CHANEL WHO? THE BEST ASIAN LUXURY IT BRAND - SHUSHU/ TONG” - Tuba Avalon, “UNCOVERING ASIA'S UNDERGROUND: SHUSHU/TONG IS THE LABEL DRESSING SHANGHAI'S STREETWEAR SCENE” - INDIE Magazine)
- 35
- 1Bình luận