logo-maybe-vn
Mở app

Làm nghề khảo cổ, bạn đã từng gặp phải chuyện tâm linh nào chưa? Có điều gì cần kiêng kỵ trong ngành không?

Từ người dùng có ID@Regulus

Không có gì gọi là tâm linh đâu vì thực ra khảo cổ cũng chỉ là một môn khoa học mà thôi. Hầu hết sinh viên bên khảo cổ đều sống theo chủ nghĩa duy vật, cũng không có chuyện tâm linh hay cấm kỵ gì. Tuy nhiên, trong thực tế không phải không tồn tại một số trường hợp như sau:

1. Tiếng nghiến răng kỳ lạ dưới gầm giường

Hồi 2006 tôi từng đi công tác trên Tân Cương, được mấy người anh dẫn đi xem công trường, đến tối thì vào lều ngủ. Đêm hôm ấy trùng hợp làm sao mà trời không có trăng, gió lại to, cả khu đồi bát ngát rộng lớn chỉ có mỗi mình nhóm tôi. Sau khi đi tuần tra một vòng, cả bọn túm tụm kéo nhau vào lều để xem mấy vụ tai nạn ô tô kỳ lạ bên Bồ Đào Nha. Xem một hồi, thấy sợ quá, chúng tôi mới đi ngủ. 

Chẳng biết trùng hợp làm sao mà mấy người anh này lại chuyển những bộ hài cốt vừa được khai quật từ mộ lên xuống gầm giường tôi. Vừa mới nằm xuống, tôi đã nghe thấy tiếng nghiến răng kèn kẹt phát ra từ phía gầm giường. Vốn là người cứng vía, tôi đạp mấy cái xuống đệm giường thì hết. Tuy nhiên chỉ một lúc sau, khi đang thiu thiu ngủ thì tiếng nghiến răng đó lại vang lên. Tôi bèn lấy hết sức bình sinh, đạp chăn rồi phi xuống giường lôi cái hòm chứa hài cốt ra. Lục đi lục lại, tìm đi tìm lại, đến lúc cạy cái hộp sọ ra, chúng tôi mới phát hiện bên trong là một con chuột to tướng. Cả bọn đứa thì cầm xẻng, đứa thì cầm chổi xua con chuột ra khỏi lều. Cái kết, con chuột lại chui vào lều liếm mặt từng đứa, khiến đêm đó cả bọn đều thức trắng.

2. Vụ việc hai mẹ con đón xe

Năm 2007, cũng ở Tân Cương, nhóm chúng tôi đã khai quật được một ngôi nhà từ cuối thời kỳ đồ đồng. Khi đang chuẩn bị thu dọn để nghỉ ngơi thì một người trong đoàn tìm thấy hai bộ hài cốt, một bộ của một cô gái trẻ, bộ kia của một đứa bé. Thậm chí, cô gái kia trước khi được chôn còn bị chặt hết tay chân, nhìn qua trông cực kỳ thê thảm. 

Trong nghề chúng tôi có một quy định là một khi đã gặp được hài cốt thì tuyệt đối không thể để sang ngày hôm sau. Mấy anh em lại hùng hục đãi cốt, sang tiểu, đợi tới lúc xếp được lên xe thì trời cũng đã tối mịt. Trên đường về chúng tôi phải đi qua một bãi sông lớn, dân cư khu này cũng thưa thớt khiến không gian xung quanh yên tĩnh đến khó tả. Khi xe chạy đang bon bon thì đèn bỗng chớp một cái, bên đường xuất hiện hai mẹ con, bà mẹ mặc cái áo đỏ, một tay bế đứa bé, ý muốn đi nhờ xe. Thấy vậy, tôi bèn kêu dừng xe cho người ta đi nhờ, tuy nhiên ông lái xe dường như chẳng nghe lời tôi nói mà ngược lại còn nhấn ga mạnh hơn. Tới lúc cả nhóm quay ra hỏi thì ông bảo: “Ngay từ đầu hai mẹ con kia đã đi nhờ xe rồi còn gì”.

3. Ma dắt

Năm 2009, tôi lại lên Tân Cương để khảo sát di tích văn hoá một lần nữa. Hôm đấy có việc đi qua khu đường núi đang sửa thì gặp một ngôi mộ bị phá, cái đầu lâu bị treo trên vách đá. Chẳng hiểu do ai xui khiến, tôi lại trèo lên lấy cái đầu lâu về làm tiêu bản. 

Tuy nhiên cũng kể từ lúc đó tôi đã gặp phải "quỷ đả tường". Đi mãi đi mãi mà không tìm được đường ra, lần nào cũng quay lại vị trí của cái mộ kia. Xung quanh khi ấy cũng không có ai giúp tôi hỏi đường, đường núi thì đang sửa, không gian xung quanh vắng vẻ hiu quạnh đến lạ. Một lúc sau, mãi mới thấy một dáng người đàn ông ở xa xa, nhưng kỳ lạ là ông ta cứ nhe răng cười nhìn tôi, khiến tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu. 

Tới lúc may mắn gặp được người dân đi ngang qua chỉ đường cho, tôi tìm được về tới huyện thì trời đã tối mịt. Vì bảo tàng nằm ở tầng trên cùng nên tôi phải ôm chiếc đầu lâu nọ vào thang máy, ấn lên tầng trên, ấy thế mà thang lại tự trôi xuống tầng hầm. Khi tôi ấn thang một lần nữa, lúc cửa mở ra thì hóa ra mới dừng ở tầng 3 mà thôi. Tôi lại đóng mở một lần nữa, tới lúc này mới lên được văn phòng. Mãi về sau, tôi mới biết chỗ mà mình nhặt được chiếc đầu lâu ấy là “đất độc”, từ trường ở đó dày bất thường, hơn nữa địa hình phức tạp nên rất dễ lạc.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)