logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

“Chính Trường Nổi Sóng” (Netflix) đã thúc đầy sự hồi sinh của #Metoo, phơi bày loạt góc khuất vừa gây rúng động giới chính trị Đài Loan như thế nào?

Năm năm sau khi #MeToo gây bão trên toàn cầu, Đài Loan - một nền dân chủ tự do luôn tự hào về bình đẳng giới, hiện đang phải đối mặt với vô số cáo buộc quấy rối tình dục hướng đến đông đảo các quan chức cấp cao. Đáng nói tất cả xuất phát từ một tiền đề đáng kinh ngạc chính là bộ phim truyền hình mới của Netflix Wave Makers (Chính Trường Nổi Sóng), xoay quanh câu chuyện của một nhóm nhân viên chiến dịch đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Ngay khi ra mắt, phim đã nhận được không ít lời khen ngợi bởi sự khắc họa chỉn chu, bám sát thực tế về tình hình chạy đua bầu cử căng thẳng ở đảo quốc, nhưng chính mạch truyện về nạn tấn công tình dục đã thu hút nhiều chú ý đến mức làm bùng nổ làn sóng ngay trong đời 

Khi Chien Li-ying viết kịch bản Wave Makers, đã cho biết rằng không hề kỳ vọng nó sẽ trở thành một series ăn khách của Netflix, chứ chưa nói đến việc nó sẽ tạo ra những rung chấn thực sự. Thế nhưng, kể từ cuối tháng 5 đã chính thức ghi nhận hơn một chục cáo buộc #MeToo liên quan đến các nhân vật chính trị trên hòn đảo vốn cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng tới đây. Điển hình có thể kể đến một cựu nhân viên của Đảng Dân Tiến (Đảng cầm quyền) khi cầu cứu với cấp trên liền bị phớt lờ và đổ lỗi vì đã không “la hét để được giúp đỡ” hoặc “nhảy ra khỏi xe” khi vụ quấy rối xảy ra, nhà lập pháp Quốc Dân Đảng (Đảng đối lập) cũng đã bị buộc tội nắm tay và hôn lên đầu một nữ nhà báo vào năm 2014.

Hay một cựu phát ngôn viên của Quốc Dân Đảng cũng dính vào cáo buộc chụp ảnh khỏa thân của bạn gái cũ, sau đó sử dụng chúng để tống tiền và thao túng cô, giống hệt trường hợp lạm dụng tương tự mà bộ phim miêu tả. Một trong những cảnh đặc biệt ấn tượng khác là khi người phát ngôn của chiến dịch Ông Văn Phương (Tạ Doanh Huyên) nói với cấp dưới của mình là Á Tĩnh (Vương Tịnh) đã bị một đồng nghiệp nam sàm sỡ rằng: “Chúng ta đừng để chuyện này trôi qua chứ? Chúng ta không thể để mọi chuyện diễn ra dễ dàng thế này được. Nếu không, chính chúng ta sẽ dần khô héo và lụi tàn.” Câu thoại ngay lập tức xuất hiện ở đầu một bài đăng trên Facebook, trở thành lời kêu gọi các nạn nhân hãy dũng cảm lên tiếng đấu tranh. Ngoài việc chia sẻ lên mạng xã hội, một số người cũng đã gửi đơn khiếu nại thông qua các kênh chính thức. Kể từ đó, cơn bão đã lan đến cả các lĩnh vực khác của xã hội Đài Loan, với danh sách ngày càng dài nhằm vào giới học thuật, thể thao lẫn văn hóa.

Tinh thần luôn kề vai sát cánh của hai nhân vật nữ Văn Phương và Á Tĩnh chắc chắn là động lực đáng kể để những người bị hại can đảm kể lại quá khứ đen tối của mình. Xem phim ta sẽ nhận ra dường như không lúc nào là Văn Phương không quyết liệt bảo vệ những người phụ nữ xung quanh cô, từ người bạn đời đồng tính bị họ hàng bôi nhọ đến cô nhân viên dưới quyền bị lãnh đạo thuyết phục “im lặng” vì lợi ích của Đảng. Ngay cả Á Tĩnh dù từng mắc phải không ít sai lầm thời trẻ dại thì phim cũng tỏ rõ lập trường: Sai ở đâu thì chịu trách nhiệm ở đấy, nếu đã trả giá đủ rồi thì chẳng có lý do gì để không thể đòi lại công bằng cho bản thân; còn kẻ có tội nghiễm nhiên phải bị trừng trị đích đáng. Sự cảm thông, thấu hiểu, bao dung và không ngừng hỗ trợ nhau giữa hai người phụ nữ ấy đã thực sự truyền đi niềm cảm hứng lớn lao, bằng chứng là sau khi xem chương trình, nhiều nạn nhân cho biết họ cảm thấy không nên “bỏ qua” (Theo Kang Ting-yu, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về giới và truyền thông tại Đại học Quốc gia Chengchi).

Bất chấp sự miêu tả tương đối lạc quan về cách xử lý các khiếu nại nhất định, Wave Makers vẫn đang được tán dương vì tác động tích cực của nó, như một nạn nhân bày tỏ “Nếu làn sóng #MeToo của Đài Loan đến muộn 5 năm, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể nắm bắt cơ hội để cải cách các luật lỗi thời về quấy rối tình dục.”

Tổng thống Thái Anh Văn (cựu chủ tịch đảng Dân Tiến) cũng đã xin lỗi công khai về các bê bối liên quan đến một số thành viên trong đảng của bà, đồng thời nêu rõ quan điểm, “Xã hội của chúng ta nói chung phải giáo dục lại chính mình. Những người bị quấy rối tình dục là nạn nhân chứ không phải kẻ làm điều sai trái. Đây là những người chúng ta phải bảo vệ chứ không phải đối xử bằng thành kiến,”  

Đối với các nhà biên kịch của Wave Makers, đỉnh điểm #MeToo của Đài Loan cơ hồ vẫn chưa đến, bởi phong trào không nên chỉ giới hạn trong các nhóm hoặc tổ chức tiến bộ, “Tôi nghĩ đó mới chỉ là khởi đầu... Chỉ khi nào nó xảy ra trong toàn xã hội – bao gồm cả trong các nhóm bảo thủ hơn và tất cả mọi người đều sẵn sàng tiến lên – thì đó mới là khoảnh khắc #MeToo thực sự.”

Bài viết có tham khảo từ các nguồn:

https://edition.cnn.com/2023/06/10/asia/taiwan-metoo-netflix-wave-makers-intl-hnk/index.html

https://globalvoices.org/2023/06/09/inspired-by-a-netflix-drama-taiwan-finally-has-its-metoo-moment/

  • 43
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
25
Hoài Trinh
Hoài Trinhmột năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)