Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt – Là thế giới thối nát, là tiểu thuyết thủng lỗ chỗ, cũng là vòng xoáy bi kịch lạ lùng
Tác giả: Kevin Chen (Trần Tư Hoành)
Dịch giả: Nguyễn Vinh Chi
Tác giả Kevin Chen (Trần Tư Hoành) sinh năm 1976 tại xã Vĩnh Tĩnh, huyện Chương Hóa, Đài Loan, là con thứ chín trong gia đình thuần nông. Anh tốt nghiệp khoa tiếng Anh Đại học Công giáo Phụ Nhân, Viện Hý kịch Đại học Quốc gia Đài Loan, từng đạt hạng nhất truyện ngắn giải văn học Lâm Vinh Tam, giải tiểu thuyết của năm Cửu Ca, giải Kim Đỉnh lần thứ 44. Hiện anh đang cư trú tại Đức. Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt được xuất bản tại Việt Nam cách đây không lâu, là cuốn tiểu thuyết mở đầu “bộ ba tác phẩm Mùa hè” của tác giả, năm 2020 từng vinh dự đạt hai giải thưởng văn học danh giá của Đài Loan bao gồm giải Kim Điển và giải Kim Đỉnh. Một cái tên mới, một tác phẩm mới, liệu có thể đem lại ấn tượng nổi bật với độc giả Việt Nam không?
Viết tiểu thuyết, chương đầu tiên tập trung vào một chiếc bàn, trên bàn đặt một khẩu súng hai con dao ba quyển nhật ký, súng dù sao cũng phải bóp cò ở những chương đoạn sau, dao cũng phải róc phải gọt, mở nhật ký ra là đã giải đáp bí ẩn của câu chuyện, nhưng cuốn tiểu thuyết cuộc đời gã lộn xộn không có trật tự, viết một hồi liền quên khuấy súng dao nhật ký, mà lại cứ nhớ đến những thứ linh tinh rác rến khác trên mặt bàn bừa bộn, không ngừng viết về những manh mối chẳng quan trọng… Con người hỏng rồi, tiểu thuyết cũng thối nát theo, thủng lỗ chỗ.
Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt đúng là một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ như vậy đấy. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một tác phẩm có văn phong khác biệt đến thế. Thoạt tiên khi đọc những lời giới thiệu ở bìa bốn, tôi nghĩ có lẽ nó sẽ hợp gu nhiều người, bởi Trần Tư Hoành đã dùng nó để khắc họa những nỗi đau, bi kịch trải dài, những mảng màu tăm tối ở vùng quê đầy hủ tục, của xã hội đầy biến động cuốn theo những con người nhỏ bé ấy. Có lẽ đề tài này ta đã gặp khá nhiều ở những tác phẩm Trung Quốc, Nhật Bản quen thuộc, nhưng chưa bao giờ nó mất đi sự hấp dẫn. Với tâm thế như vậy, tôi đã bước vào mê cung của vùng đất này không một chút phòng bị, để rồi bị xoáy sâu vào thế giới ấy, khiến bản thân bị cuốn trôi đi trong trận mưa lớn mang đến bi kịch nơi Vĩnh Tĩnh vậy.
Mưa cuốn ta đến với gia đình nhà họ Trần, một gia đình tiêu biểu ở xã hội cũ, với người mẹ chồng nanh nọc, cô con dâu khốn khổ trút hết nỗi đau vào đám “thị mẹt”, người chồng thì lặng lẽ không một tiếng nói. Bốn cô con gái không được chào đón từ khi sinh ra, chỉ vì không phải là đứa có thể “chống gậy”, hay nối dõi tông đường. Hai người con trai đến với cuộc đời cùng sự kỳ vọng lớn lao từ người mẹ, thì một đứa lại tham ô vào tù, đứa kia lại chỉ có tình cảm với đàn ông!
Với một nền tảng vỡ nát như thế, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi những đứa con lớn lên với một trái tim đầy sẹo và khối óc nhạt nhòa. Cuộc đời không yêu thương họ từ những ngày thơ bé, lớn lên họ cũng phó mặc bản thân mình xuôi theo dòng chảy, không cảm xúc, cũng chẳng tranh đấu. Từ khi nào mà những cô gái ấy lại sống hèn mọn, bệ rạc đến thế chứ? Ai cũng có những bi kịch lớn lao, nhưng họ lại chẳng muốn thoát khỏi nó. Dường như với cuộc đời không mục đích, thì cái “tổ ấm” giả tạo mà họ có lại là chiếc phao rách nát để bấu víu, dù nó đã mục rữa thối nát cùng cực, họ cũng lì lợm không buông tay. Buông rồi thì họ phải làm gì, phải chạy đi đâu đây? Vĩnh Tĩnh như một nơi chốn bị nguyền, chẳng ai có thể thoát khỏi nó, dù có làm gì đi nữa thì cuối cùng, ai rồi cũng phải trở về “nhà” thôi. Tôi thương những cô con gái một, thì tôi lại giận họ mười. Sống vật vờ, không muốn đấu tranh, họ khác gì bóng ma của người cha vẫn lang thang ngày đêm, có bóng mà không có hình, có mắt nhưng chẳng có miệng chứ?
Cơn gió hanh khô nóng bức lại cuốn ta đi đến Đức, một đất nước nơi người em trai út cư ngụ, để chạy trốn Vĩnh Tĩnh, chạy trốn mẹ, cũng là chạy trốn cái xã hội đầy nanh nọc với người như anh. Nhưng số phận anh cũng không khác gì chị cả, chị hai, chị ba, chị tư, Đức không mang lại cho anh cuộc sống màu hồng anh hằng mong ước. Tình yêu mà anh tưởng như định mệnh cuộc đời, lại khiến anh sa vào tù tội. Máu, nước mắt, thậm chí cả phân và nước tiểu hòa quyện vào con người cậu út Thiên Hoành, có cố gắng giũ bao nhiêu vẫn không thể tan biến. Chạy trốn không được, thì lại trở về thôi. Vùng đất độc Vĩnh Tĩnh như tỏa ra hàng ngàn chiếc vòi bạch tuộc, không để ai thoát khỏi nó…
Tro bụi vàng mã ngày rằm tháng bảy như dẫn dụ ta về lại vùng đảo nhỏ của Đài Loan này. Tôi như nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh của từng phận người trong ấy. Nào là cánh đồng hoa vàng rực, vườn khế ngọt ngào nhưng ẩn chứa đầy nỗi đau, kênh nước hôi thối đầy giòi bọ, còn có ga xe lửa quạnh vắng, miếu thờ cạnh lò mổ đầy tanh tưởi… Ở đâu cũng có bóng dáng họ, những con người nhỏ bé không thể chống lại sự nguyền rủa ấy. Tuổi thơ họ chịu đè nén bởi hủ tục, thanh xuân họ bị cuốn đi trước xã hội hỗn loạn, để đến khi xế chiều, họ chẳng còn gì ngoài thân xác tàn tạ. Những điểm sáng hiếm hoi như Thuyền Con, cô bạn múa thoát y dường như cũng chẳng đủ thắp sáng cái tăm tối cố hữu của xã hội ở đây.
Truyện là một chuỗi những hồi tưởng của từng nhân vật, đan xen với thực tại bí bách. Tác giả không phân định rõ thời gian, ở câu trên là hàng chục năm trước, đến câu dưới lại là hôm nay. Có lẽ sự nối tiếp không phân ranh giới ấy càng khiến hình ảnh của xã hội, hình ảnh từng nhân vật trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Không phải tình huống là thứ khiến ta tường tận như ở nhiều tác phẩm khác, Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt là những khung cảnh, những đồ vật, con vật vô cùng manh mún, xuất hiện không theo trật tự nào trong tâm trí những nhân vật. Để rồi tôi cứ như lạc hoài lạc mãi, đi đến tận cuối cùng mới có thể sắp xếp những thứ ấy ở đúng vị trí của nó. Cảm giác xót xa vì thế mà thấm dần tâm can, bức tranh của bi kịch đã hiện lên rõ nét.
Toàn bộ thực tại của tác phẩm này chỉ diễn ra duy nhất vào ngày rằm tháng bảy. Là ngày ma quỷ lên dương gian, là ngày cậu em út trở về, cũng là lúc mà những người chị “sum họp”. Tưởng chừng như tôi đã đi rất xa, rất lâu rồi. Không gian, thời gian ở Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt như một mớ hỗn độn nằm trong mê cung không lối thoát. Cuộc sống của nhà họ Trần, dường như cũng lạc lối đến thế...
Phải thừa nhận rằng, lâu rồi mới có một tác phẩm “làm khó” tôi đến thế. Tôi đã phải nghiền ngẫm nó đến hai lần, mới có thể tự tin là mình đã cảm nhận được phần nào sự hỗn độn, sự “thủng lỗ chỗ” mà tác giả tự nhận ngay từ những trang đầu. Không giống như những tác phẩm khác về đề tài này, Trần Tư Hoành không tập trung kể tình huống, mà anh liệt kê, liệt kê rất nhiều những thứ tưởng chừng chẳng liên quan, để rồi từ trong tâm trí mỗi nhân vật, những thứ ấy như sống lại, tự nối kết với nhau, làm thành một mắt xích vững chắc. Và những điều nhỏ bé ấy khi thấm dần thấm dần, càng khiến ta ám ảnh hơn về nó.
Rất nhiều hình ảnh ẩn dụ xuất hiện ở tác phẩm này, tôi nghĩ rằng, bạn cũng không nhất thiết phải “vắt óc” để hiểu hết những điều đó. Mà hãy cứ chậm rãi gặm nhấm, dần dần tôi tin rằng, những tâm tư đầy đớn đau của tác giả sẽ đến được với bạn, dù nhiều hay ít.
Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt hoàn toàn không phải là một tác phẩm dễ đọc, Nếu bạn trông chờ những câu văn mạch lạc, những tình huống gay cấn, bi kịch đớn đau đến ám ảnh, thì đây không phải là tác phẩm bạn tìm kiếm. Nhưng điều đặc sắc ở tác phẩm này, chính là cái “lạ” mà tôi đang đánh giá cao ấy. Cũng là nói về những vấn đề không mới, nhưng với cách kể chuyện đầy sáng tạo, cảm giác như tôi đang được ngồi cùng tác giả, nghe anh ấy hàn huyên, trải lòng, kể những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng lại không thể dừng lắng nghe.
Đây là một tác phẩm mang màu sắc rất mới trên văn đàn. Dù quá trình trải nghiệm không hề suôn sẻ, nhưng nếu đủ kiên nhẫn, tôi tin rằng Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt sẽ để lại ít nhiều trăn trở trong lòng bạn. Khi viết ra những dòng này, chính bản thân tôi như đang nhìn thấy làng quê Vĩnh Tĩnh hiện ra rõ nét đến từng chi tiết, có sắc, có hương, có vị, có cả những con người vẫn luôn chật vật từng ngày ấy… Tôi chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của Trần Tư Hoành, không phải vì đề tài, là vì tôi muốn xem cách viết của anh ấy sẽ như thế nào!
Đánh giá cá nhân: 8.5/10
- 1
- 0Bình luận