
SỬ DỤNG NẤM BIẾN CHẤT THẢI HỮU CƠ THÀNH BAO BÌ TỰ PHÂN HỦY
Một công ty khởi nghiệp ở Australia mới đây đã tìm ra phương pháp tái chế rác thải hữu cơ độc đáo, đó là sử dụng nấm để biến chất thải thành bao bì đóng gói có khả năng tự phân hủy.
Ý tưởng này được phát triển bởi cặp đôi Camden Cooke và Amanda Morgan với tên gọi “giải pháp Fungi”, ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020.
Quá trình tạo ra một sản phẩm bao bì từ nấm và rác thải bắt đầu bằng việc thu gom các loại phế phẩm như thân cây, hạt, mùn cưa, giấy bìa hay sản phẩm dệt may không còn giá trị sử dụng. Tiếp theo, số rác thải này sẽ được chia thành mảnh nhỏ, trộn với bào tử nấm và cho vào khuôn.
Chỉ sau khoảng bảy ngày đặt trong phòng tối và duy trì nhiệt độ ấm áp, nấm sẽ phát triển và đóng vai trò liên kết các phế phẩm hữu cơ thành một khối hoàn chỉnh. Sau khi được làm khô để định hình và ngăn nấm phát triển thêm, những bao bì này đã sẵn sàng để sử dụng.
Với loại vỏ bao bì đặc biệt này, thay vì phải vất vào thùng rác để đợi xử lý theo cách thông thường, bạn chỉ cần đào một hố nhỏ trong vườn và chôn chúng xuống để chúng tự phân hủy, hoặc ủ chúng thành phân trộn dùng bón cho cây trồng.
Nhờ ý tưởng này mà trong suốt 3 năm qua, cặp đôi đã ngăn chặn được 900kg phế phẩm hữu cơ có thể bị thải bỏ ra bãi chôn lấp. Hiện tại, Camden Cooke và Amanda Morgan cho biết họ cũng đang nghiên cứu thêm cách tái chế tương tự với đầu lọc thuốc lá và phụ phẩm từ ngành sản xuất rượu vang.
- 1
- 0Bình luận