logo-maybe-vn
Mở app

Bàn Về Khế Ước Xã Hội - Cách chúng ta tạo nên xã hội dân chủ

Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778) là một triết gia, nhà văn và nhà soạn nhạc người Thụy Sĩ. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho nhiều lĩnh vực, bao gồm âm nhạc, văn học, lý thuyết giáo dục, nhưng ngày nay người ta nhớ đến ông nhiều nhất qua các tác phẩm triết học và lý luận chính trị. Tác phẩm Bàn Về Khế Ước Xã Hội của Rousseau, ra đời năm 1762, đã mở đường cho Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn nhân quyền Pháp năm 1789, được coi là một tác phẩm kinh điển trong giới triết học chính trị.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội gồm 4 quyển. Quyển 1 nói về sự hình thành một xã hội dân chủ từ trạng thái tự nhiên vốn có và sự cần thiết của khế ước xã hội. Quyển 2 nói về lập pháp và ý chí chung. Quyền 3 nói về hành pháp. Quyền 4 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí chung, cũng như bàn về tư pháp.

Khi mở đầu tác phẩm bằng câu nói “Con người sinh ra tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích.”, Rousseau đã lên án châu Âu đương thời. “Xiềng xích” mà ông đề cập đến là những luật lệ và quy ước mà xã hội áp đặt lên con người làm hạn chế quyền tự do của họ. Hiện nay, những hạn chế đối với quyền tự do của con người có thể được chấp nhận nếu điều đó đổi lấy được một số lợi ích. Tuy nhiên, ở thời của Rousseau, các quốc gia thuộc chế độ quân chủ tuyệt đối và luật pháp chủ yếu chỉ để củng cố vị trí của những người giàu có và quyền lực. Vì vậy, từ quan điểm của một người dân bình thường, Rousseau thấy đây là một thỏa thuận không có lợi cho nhân dân.

Con người sinh ra đã tự do, là chủ của chính mình, nhưng nếu sống riêng rẽ thì con người sẽ không thể chống chọi với thiên nhiên, thế nên chúng ta mới hợp tác với nhau và tạo nên xã hội. Thế nhưng trong xã hội lại có người cai trị và kẻ bị trị. Rousseau muốn biết là: điều gì cho phép những người cai trị có quyền hạn chế quyền tự do của kẻ bị trị?

Rousseau đưa ra một số quan điểm để xác định xem điều gì làm cho quyền lực của chính quyền trở nên chính đáng. Nếu đó là vì người cai trị vượt trội hơn nhân dân về mặt năng lực thì không hợp lý bởi vì trong lịch sử đã có nhiều nhà lãnh đạo không có năng lực. Nếu đó là vì những người cai trị là những người mạnh nhất và do đó có khả năng khuất phục dân chúng nhất thì cũng không hợp lý, bởi vì nếu người dân tuân theo những người cai trị chỉ vì bị sức mạnh cưỡng chế thì họ không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này và do đó không có quyền tự do để sẵn sàng phục tùng. Thay vào đó, ông lập luận rằng để một cơ quan chính trị có quyền lực chính đáng thì các công dân phải nhận ra giá trị của nó và sẵn sàng phục tùng nó. 

Cuối cùng, Rousseau kết luận rằng để một nhà nước có tính chính đáng, người dân phải phục tùng nó một cách tự nguyện. Từ đây, ông đi đến ý tưởng về khế ước xã hội. Một nhà nước được hình thành một cách chính đáng khi một số người liên kết với nhau và đồng ý hợp tác vì lợi ích chung của họ. Theo khế ước xã hội, mọi người sẵn sàng chấp nhận những hạn chế đối với quyền tự do của họ, đổi lại họ được hưởng hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung.

Đối với Rousseau, xã hội nói chung chính là Hội đồng Tối cao. Đây là một khái niệm trừu tượng phản ánh ý chí tập thể qua luật pháp. Nhu cầu của Hội đồng Tối cao này là mục tiêu hàng đầu của xã hội dân sự. Mỗi cá nhân có thể có ý chí và mong muốn riêng, nhưng những điều này bị lấn át bởi cái mà Rousseau gọi là “ý chí chung” của những người còn lại trong xã hội.

Cần phải có hai cơ quan riêng biệt để phụ trách hai nhiệm vụ làm luật và thi hành luật, phân nhỏ quyền lực để tránh xung đột lợi ích. Hội đồng Tối cao quyết định đâu là luật và chính phủ chịu trách nhiệm về việc áp dụng nó. Chính phủ có thể bị thu hồi quyền lực nếu không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó. Điều quan trọng là mọi công dân phải có tiếng nói của mình trong việc điều hành xã hội bằng cách họp thường xuyên để bỏ phiếu về các vấn đề quan trọng, đánh giá và theo dõi các đại biểu dân cử, thảo luận về các đề xuất mới và mục tiêu mới.

Rousseau kết thúc tác phẩm bằng cách xem xét vị trí của tôn giáo trong xã hội. Đây là phần mà mình thấy hay nhất. Tác giả tách bạch rạch ròi giữa tôn giáo và chính trị, bày ra những khía cạnh mà đời sống tôn giáo có thể ảnh hưởng đến đời sống chính trị bằng những lời lẽ rất sâu cay. Chỉ có một điều mình không thích là ông đề cập quá nhiều đến Cơ Đốc giáo và bày tỏ sự cực đoan với các tôn giáo khác. Sự cực đoan ấy thực ra cũng thoáng qua thôi, và mình hiểu rằng môi trường sống dẫn đến cách nhìn nhận thiếu đa chiều, và tác giả cũng nhiều lần ngầm thừa nhận bản thân ông không hoàn hảo, nên mình có thể bỏ qua sự khó chịu này được. 

Bởi vì Bàn Về Khế Ước Xã Hội là một trong những tác phẩm được lấy làm nền tảng để xây dựng nền dân chủ, nên những quan điểm của Rousseau chẳng có gì mới mẻ đối với người thời nay, nhưng vậy không có nghĩa là tác phẩm này không đáng đọc. Cách tư duy và lập luận của tác giả rất đáng để học hỏi, mặc dù để học hỏi được thì không hề dễ dàng. Cách tác giả trình bày rành mạch, đúng trọng tâm, logic, nhưng đồng thời lại mang nhiều ẩn ý, nhiều lớp nghĩa, khiến cho Bàn Về Khế Ước Xã Hội trở nên khó đọc. Mà mình thấy như vậy cũng hay hay. Sự khó đọc ấy góp phần làm cho tác phẩm khó quên, bắt người ta phải nghiền ngẫm nhiều lần.

Chấm điểm: 8/10.

  • 2
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
43

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)