logo-maybe-vn
Mở app

Khám phá kho phim “hại não” của Darren Aronofsky

Trong sự nghiệp kéo dài hơn 2 thập niên của mình, Darren Aronofsky có một lượng phim vừa phải nhưng chắc tay, phim nào ra phim đó, mang phong cách đặc trưng. Aronofsky chủ yếu làm phim tâm lý chính kịch, thỉnh thoảng kinh dị, mang chủ đề phức tạp như tôn giáo, các học thuyết, nhưng nhìn chung luôn căng thẳng cho người xem với câu chuyện đầy áp bức tâm lý, tình cảnh nhân vật thường bị đẩy đến cực hạn và kết mở.

Điểm lại danh sách phim dưới đây, hẳn bạn sẽ bất ngờ vì có thể đã xem qua hầu hết, nhưng không ngờ là của cùng một đạo diễn.

Black Swan (2010)

Tác phẩm quen thuộc với đa số người yêu phim Việt Nam. Thiên Nga Đen với câu chuyện gốc của Andres Heinz, do Aronofsky đạo diễn đã mang về tượng vàng Oscar đầu tiên cho Natalie Portman, hạng mục Nữ chính xuất sắc.

Câu chuyện xoay quanh Nina, vũ công ba lê chạy đua cho vai chính trong vở Hồ Thiên Nga. Cô chật vật tìm cách thể hiện được vẻ ngây thơ cao quý của thiên nga trắng lẫn hoang dại, đầy tính dục của thiên nga đen. Hành trình đấu tranh nội tâm đẩy cô rơi vào điên loạn, ảo giác và tự hại mình.

Pi (1998)

Tác phẩm đầu tay của Aronofsky được quay phim đen trắng. Pi lấy chủ đề toán học, tôn giáo, thần học phức tạp để truyền tải một thông điệp hết sức nhẹ nhàng, giản đơn.

Phim nói về Max Cohen, thiên tài toán học nhưng đồng thời cũng bị chứng đau đầu, hoang tưởng, rối loạn nhân cách phân liệt. Anh chế tạo một cỗ máy dự đoán thị trường chứng khoán nhưng nó vô tình in ra một dãy số quan trọng, được cho là thể hiện tên húy của Thượng Đế. Điều này khiến anh rơi vào tầm ngắm của những người muốn cướp dãy số và dùng nó vào mục đích tư lợi cá nhân.

Requiem for a Dream (2000)

Một tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Hubert Selby Jr. và do ông chuyển thể thành kịch bản cùng Aronofsky. Đây là tác phẩm kinh điển về giấc mơ Mỹ và những con người bị hủy hoại trong hành trình chạm đến nó: họ nghiện ngập, đày đọa thể xác, liều lĩnh để tìm kiếm hư vinh hay thực hiện một ước mơ nhỏ nhoi. Phim sử dụng nhiều hiệu ứng hình ảnh đặc biệt cũng như biên tập khiến khán giả cảm thấy “ảo” như nhân vật. Một trong những phim nên xem nhất của Aronofsky với phong cách đặc trưng là cái kết nhẹ hẫng, sau một loạt những chuyện điên rồ xảy ra.

Mother! (2017)

Bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất của Aronofsky, Mother! có thể khiến bạn nhăn mặt. Phim mở đầu với cảnh một phụ nữ đang ngập trong lửa cháy, nhân vật nhà thơ Him do Javier Bardem thủ vai đặt một viên pha lê bí ẩn lên giá và khung cảnh hoang tàn được khôi phục, cùng lúc đó người vợ đang mang bầu gọi là Mother (Jennifer Lawrence) vươn dậy.

Sự căng thẳng trong phim tăng dần khi Him cứ cho phép những người lạ vào nhà, khiến Mother hoảng sợ. Cao trào phim rất khó xem do yếu tố gore và liên quan đến trẻ em. Mother! có nhiều tầng nghĩa, nhiều cách hiểu, một dụ ngôn về con người và Trái Đất, cùng Thượng Đế. Như mọi khi, Aronofsky luôn chọn phương tiện khó nhằn nhất để biểu đạt thông điệp đầy ý nghĩa. 

The Whale (2022)

Cuối cùng là tác phẩm đình đám nhất của Aronofsky năm vừa qua, đánh dấu sự trở lại đầy vinh quang của Brendan Fraser. The Whale là bộ phim tác giả gợi nhắc nhiều đến các tác phẩm trước của Aronofsky, đơn cử là The Wrestler (2008). 

Trong The Whale, Fraser vào vai Charlie, giảng viên tiếng Anh bị béo phì nặng và hành trình hàn gắn với cô con gái ngỗ ngược (Sadie Sink) của ông. Charlie có khả năng tử vong cao nhưng nhất quyết không đi bệnh viện mà để dành tiền cho con gái, điều ông nghĩ là thứ duy nhất mình có thể bù đắp cho cô. Bộ phim với câu chuyện đơn giản nhưng tỏa sáng về diễn xuất của các diễn viên tài ba, kịch tính không thua gì phim giật gân khi khiến cho khán giả thật sự quan tâm đến số phận nhân vật.

Ngoài những phim kể trên, các phim chính kịch còn lại của Darren Aronofsky như The Fountain (2006), The Wrestler (2008), Noah (2014) cũng đáng xem nếu bạn yêu thích hoặc muốn nghiên cứu về vị đạo diễn này.

  • 30
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)