
Các loài chim ở nam cực không thể sinh sản vì bão tuyết
Nếu đã từng xem bộ phim “March of the Penguins”, chắc hẳn bạn cũng biết cuộc sống ở Nam Cực khắc nghiệt đến thế nào. Mặc dù các loài chim bản địa đã hình thành những đặc điểm để thích nghi với khí hậu lạnh lẽo tại đây, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ thảnh thơi tận hưởng cuộc sống ở nơi lạnh nhất – khô nhất – cao nhất – lộng gió nhất trên Trái Đất này. Đặc biệt, hàng loạt tác động cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra những năm gần đây lại càng đẩy chúng vào tình trạng nguy hiểm.
Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Current Biology đã tiết lộ rằng, từ tháng 12/2021 – tháng 1/2022 các nhà khoa học đã không tìm thấy bất kỳ tổ chim non nào gần khu vực sinh sống của hàng trăm nghìn con chim ở Nam Cực. Trong khi đó, đây là thời gian sinh sản chính của những đàn chim này hàng năm.
“Chúng ta đang nói về hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngàn con chim và không có cá thể nào sinh sản được trong khoảng thời gian những cơn bão tuyết hoạt động.”
Rõ ràng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng cả về tầng suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, và những hiện tượng này bằng một cách nào đó luôn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các loài động vật hoang dã. Với môi trường vùng cực, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra có thể kể đến như sóng nhiệt, mật độ băng biển dao động bất thường hay bão tuyết.
“Mặc dù chúng ta biết rằng những hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thành công của một bộ phận các loài chim biển vùng cực, nhưng sự “thất bại” hoàn toàn và trên quy mô lớn này rất hiếm khi xảy ra"
Nghiên cứu tập trung vào vùng Dronning Maud Land của Nam Cực, nhất là ở các khu vực ba loài chim hải âu Nam Cực (Thalassoica antarctica), hải âu tuyết (Pagodroma nivea) và chim cướp biển (Stercorarius maccormicki) chuyên làm tổ.
Theo dữ liệu từ năm 1985 – 2020, những khu vực này hàng năm thường có từ 20.000 – 200.000 tổ của hải âu Nam Cực, 2.000 tổ của hải âu tuyết và hơn 100 tổ của chim cướp biển. Tuy nhiên, vào mùa sinh sản 2021 – 2022, ngoại trừ 3 tổ của hải âu Nam Cực thì gần như không có một chiếc tổ nào khác được tìm thấy.
Đối với những loài chim đẻ trứng trên mặt đất trống như ba loài kể trên, tuyết quá dày sẽ khiến chúng không thể tiếp cận với mặt đất để làm tổ nuôi con non. Chưa kể bão tuyết xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc chim cần dành thời gian trú ẩn, giữ ấm và bảo tồn năng lượng, khiến hoạt động sinh sản khó có thể diễn ra.
- 47
- 0Bình luận