
‘Guilty pleasure’ - Tại sao nghiện mà lại ngại?
Guilty pleasure là gì?
Guilty pleasure, tạm dịch là “thú vui tội lỗi”, “niềm vui xấu hổ”, hoặc “nghiện mà ngại”; đó là những thứ bạn rất tận hưởng nhưng không dám phô bày ra. Đây là một từ mới xuất hiện từ thập niên 90 và hiện nay đang được kêu gọi
Đó thật ra không phải thứ gì quá nghiêm trọng hay phạm pháp cả. Chỉ là một bộ phim ai cũng chê nhưng bạn lại thích, bài hát bị đài truyền hình gọi là thô tục nhưng bạn thấy bắt tai gây nghiện? Bạn sợ nói ra kho sở thích bí mật ấy, bản thân sẽ biết thành đồ kỳ quặc, một con cừu lẻ bầy, bị chê là “gu tệ”.
Thế nhưng, tại sao mặc dù thấy xấu hổ và tội lỗi, chúng ta lại cảm thấy khoan khoái khi tận hưởng một số thứ? Các nhà tâm lý học tin rằng, cảm giác tội lỗi là thứ uốn nắn chúng ta tuân theo chuẩn mực xã hội (again, con người là loài sống cộng đồng), cảm giác tội lỗi ngăn chúng ta hành xử lệch ra ngoài nguyên tắc xã hội. Các văn hóa phẩm như phim ảnh, truyền hình, sách báo cũng không nằm ngoài những quy định hữu hình (kiểm duyệt) lẫn vô hình (được thích, bị ghét, đón nhận hay không).
Hai nhà triết học tâm lý học Kris Goffin và Florian Cova đã triển khai một khảo sát trên 86 đối tượng, trong đó yêu cầu người tham gia bày tỏ ý kiến về một chương trình truyền hình họ thích nhưng ngại. Sau đó đánh giá mức độ đồng tình với các lời khẳng định trong bản khảo sát. Ví dụ, “Tôi thấy ngại khi xem tác phẩm này vì khách quan mà nói, nó không có gì hay cả”, câu này để kiểm tra xem đối tượng có cảm thấy ngại khi thích những thứ kém chất lượng về mặt chuyên môn. Một câu nữa, “Tôi ngại khi xem cái này vì sợ bị người khác đánh giá”.
Kết quả là các đối tượng đồng tình nhiều hơn với câu khẳng định liên quan đến việc bị người ngoài đánh giá và không sống đúng theo kỳ vọng của người khác. Nói cách khác, các đối tượng cảm thấy “tội lỗi” chủ yếu vì sợ đi ngược với những chuẩn mực do người khác áp đặt, rằng thứ gì không nên và nên thích.
Thứ ta thích không nói lên con người chúng ta
Vấn đề dẫn đến tình trạng này đó là niềm tin “chúng ta là thứ mình thích”. List nhạc của bạn nói lên con người bạn, cũng như phim bạn xem, sách bạn đọc… Rằng người khác khi nhìn vào danh sách nghe nhìn, tiêu thụ của bạn là vẽ ra được chân dung về bạn.
Đi thẳng vào vấn đề, không cần dài dòng, đó là bạn hãy vứt bỏ nỗi mặc cảm và quan tâm đến đánh giá của người khác đi và tận hưởng thứ mình thích đi. Đó là sự thật được khoa học kiểm chứng. Robin Nabi, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học California, Santa Barbara, chuyên gia về hiệu ứng truyền thông và cảm xúc cho biết, nếu cho phép tâm trí được nghỉ ngơi mà không phải chịu thêm kích thích đòi hỏi tập trung trí tuệ nào, tình trạng căng thẳng sẽ thuyên giảm rõ rệt, chúng ta trở nên tích cực hơn.
Xem những loạt phim truyền hình Real Housewives hay Gossip Girls không khiến bạn trở nên “vô tri” đâu. Thật đấy. Theo giáo sư Nabi, chơi game hay xem phim truyền hình còn có tác dụng hồi phục tâm lý rất hữu hiệu. Thế nên, cứ quẩy theo bài hát ngớ ngẩn ấy đi, hoặc thoải mái hít hà vẻ đẹp của Lily Collins trong Emily in Paris.
Nói một cách đơn giản, đó chỉ là nghỉ ngơi. Dù là đánh một giấc trưa ngon lành hay xem Love Island, tất cả đều là khoảng thời gian nghỉ ngơi bộ não cần và khi bộ não không muốn tiếp nhận thêm một học thuyết vật lý hay tư tưởng triết học nào, bạn nên tin nó. Quan trọng hơn nữa là thái độ của chúng ta đối với nghỉ ngơi. Bạn cần nhân từ hơn với bản thân, vốn là một cách giúp vượt qua trầm cảm và lo âu.
Một điều mâu thuẫn nữa, cảm giác tội lỗi thật ra còn khiến ta đắm chìm hơn vào hành vi mà mình thấy tội lỗi. Theo nghiên cứu của hai tác giả Claire Adams Spears và Mark Leary, những người ăn kiêng được hướng dẫn cách tha thứ cho bản thân sẽ ít có khả năng ăn uống vô độ trở lại. Cho dù có lỡ ăn sai thực đơn, họ cũng không sa đà thêm, trái ngược với những người ăn kiêng khắc nghiệt. Khi ta kỳ thị một hành vi nào đó nhưng lại thực hiện chúng, ta sẽ trượt dài hơn, kéo theo cảm giác tội lỗi hơn và từ đó không còn lối về.
Kết lại là
Guilty pleasure là thứ không có thật. Niềm vui và tội lỗi không đi kèm với nhau nếu thứ bạn thích không gây hại cho ai. Hãy tự bước ra khỏi chiếc lồng bạn tự tạo nên, hiểu và chấp nhận sự thảnh thơi chúng mang lại cho tâm trí.
- 2
- 0Bình luận