logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.rmột năm trước
Reading

Diệt Vong: Cuốn tiểu thuyết cuối cùng và đen tối nhất của Thomas Bernhard

Đọc Thomas Bernhard luôn cần một sự kiên nhẫn nhất định, hoặc chí ít cũng phải có đủ sức để chịu được cái lối kể chậm rãi đến rề rà của ông. Đó là điều mình đã rút ra sau những ngày uể oải “cày” Đốn Hạ,… ờm, và lần này cũng tương tự như thế với Diệt Vong. Đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng và cũng là tác phẩm đen tối nhất trong sự nghiệp viết của Thomas Bernhard. 

Nhân vật “tôi” - Franz-Josef Murau là con thứ trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, nhưng thay vì trở về dinh thự Wolfsegg ở cùng với gia đình thì lại chọn định cư ở Rome. “Tôi” cho rằng đó là cách duy nhất để thoát khỏi sự kiểm soát từ cha mẹ, và trở thành một người tự do như chú Georg của mình. Cho đến ngày nhận được bức điện báo tin dữ rằng cha mẹ và anh trai vừa qua đời trong một vụ tai nạn xe. Vậy là nghiễm nhiên “tôi” trở thành người thừa kế toàn bộ Wolfsegg, bị buộc vào một trách nhiệm nặng nề mà trước đó “tôi” chưa từng nghĩ đến.

Theo lẽ thường thì hẳn nhân vật này sẽ phải về ngay với hai người em gái, thế nhưng trong câu chuyện được kể bằng bậc thầy độc thoại Thomas Bernhard thì không. “Tôi” thong thả lấy ra ba tấm ảnh chụp riêng những người trong gia đình và cứ thế ngồi nghĩ về họ. Gần như suốt nửa đầu truyện độc giả sẽ chỉ được quanh quẩn nơi bàn làm việc và những câu chuyện gia đình mà “tôi” từng kể cho Gambetti. Qua thế giới nội tâm của “tôi”, ta sẽ thấy một “con cừu đen” với cái nhìn bi quan đến cùng cực về chính đất nước và gia đình đã sinh ra mình.

Khi đọc Đốn Hạ mình đã nghĩ chắc ít có ai độc mồm độc miệng hơn nhân vật “tôi” trong quyển tiểu thuyết ấy, cho đến khi mình gặp sự cay nghiệt của “tôi” trong Diệt Vong. Nói thế nào nhỉ, có lẽ là một kiểu cực đoan quá mức khiến chính độc giả cũng phải nghi ngại. Vì dường như “tôi” chỉ toàn kể về những mặt xấu xa nhất của người thân và những góc tối tăm nhất trong xã hội Áo. Đó là một kẻ “bị ám ảnh bởi căn tính của mình, căm ghét gia đình mình, ghê sợ tôn giáo của mình, yêu quý đất nước Áo, nhưng lại căm thù nhà nước Áo”.

Trong kí ức của “tôi”, Wolfsegg vừa là chốn nuôi dưỡng tâm hồn nhưng cũng vừa là địa ngục bí bách. Mẹ là một người đàn bà nông cạn chỉ chăm chăm thỏa mãn chính bản thân mình, “một người đàn bà Quốc xã”. Cha là một người háo danh và nhu nhược, dù biết vợ ngoại tình nhưng vẫn chấp nhận cho qua. Anh trai là người thừa kế được nhào nặn đúng theo khuôn mẫu từ cha, coi Wolfsegg là toàn bộ lẽ sống. Hai đứa em gái là hai con búp bê chỉ biết vâng theo lời mẹ, luôn khinh khỉnh và đầy vẻ giễu cợt. Duy chỉ đứa con trai thứ là bà mẹ đã để vuột từ lúc lọt lòng, ánh nhìn thấu suốt của đứa trẻ báo rằng nó sẽ không thuận theo ý bà mong muốn.

“...đứng bên các cỗ quan tài, tôi không hề lạnh lùng, cũng không hề vô cảm, mà ngược lại, tuy tôi đứng trơ đuỗn và toàn thân bất động, tôi vẫn phải thú thật, lòng tôi rối bời, nếu từ này không quá xỏ xiên. Đứng bên thi hài bố mẹ tôi, tôi tự nhủ, chưa bao giờ tôi cầu mong bố mẹ tôi phải chết. Trong đầu tôi chưa từng bao giờ có ý nghĩ, ông bà phải chết; vâng, bây giờ đứng trước họ, tôi thầm nói với mình, đúng, tôi đã chửi rủa, đã xỉ vả ông bà, tôi khinh bỉ ông bà, không phải coi thường, mà khinh bỉ hẳn hoi và tôi hoàn toàn có cớ, hay như người ta nói - có cả lý cả tình - để khinh rẻ ông bà nhưng tôi không bao giờ mong ông bà chết đi. Cái chết của ông bà thật kinh khủng."

Mối quan hệ giữa tôi và các thành viên còn lại trong gia đình lúc nào cũng nằm bên bờ vực sụp đổ, và biến cố bất ngờ này buộc “tôi” phải quay lại đối diện với mớ bòng bong trong gia đình. Nhưng ba cái ch.ế.t dường như không thể hóa giải khúc mắc giữa họ, nó thậm chí còn đẩy người sống đến tình huống rối ren hơn. Mình đã khá bất ngờ với những chuyển biến tâm lý của “tôi”, nhất là lúc nhân vật này vừa trở về Wolfsegg. Thứ quyền lực đột ngột rơi xuống tay khiến “tôi” bối rối, dường như đã có lúc “tôi” trở nên giống với cha và anh mình khi tập quen với vai trò kẻ nắm quyền. Phần kết thì mình không spoil được đâu, nhưng thú thật là để đọc đến hết cũng là một sự nỗ lực to lớn đấy.

Thomas Bernhard không chỉ dùng giọng tự sự của Franz-Josef Murau để lên án khuôn khổ cứng nhắc của gia đình, mà đi xa hơn, ông lên án chế độ xã hội và chính quyền nước Áo. Thông qua Murau, Bernhard bày tỏ sự căm ghét của mình với chủ nghĩa Quốc xã và Thiên chúa giáo một cách không giấu giếm. Và đúng là mình thấy đúng là chẳng có từ nào hợp với giọng văn của ông hơn từ “cay nghiệt”. Phải thấy sự giễu cợt trong giọng kể của “tôi” thì độc giả mới hình dung ra được Thomas Bernhard coi khinh hai thứ ấy tới mức nào. 

Như mình có nói lúc đầu, đọc tiểu thuyết của Thomas Bernhard sẽ rất oải. Thường là do sự bí bách khi các chuỗi độc thoại cứ xuất hiện liên tiếp, và mang đến cảm giác đọc mãi mà vẫn chưa thấy nhân vật có hành động tiếp theo. Chưa kể đến việc Diệt Vong mang khá nhiều cảm giác tiêu cực, nên khi đọc một mạch dài sẽ hơi bị đuối. Tính ra thì mình đọc quyển này nhanh hơn Đốn Hạ, chắc vì có chút chuẩn bị tinh thần từ quyển trước. Nhưng nhìn chung thì vẫn là không dễ đọc đâu, còn nếu tò mò thì bạn vẫn có thể thách thức bản thân một chút. Đọc bốn trăm rưỡi trang của Thomas Bernhard coi vậy chứ ngang ngửa với dạo qua bảy trăm trang của Alexandre Dumas đấy.

Đánh giá cá nhân: 4/5 

Hoàng Linh 

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
23
hoanglinh.r
hoanglinh.rmột năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)