logo-maybe-vn
Mở app

Tại sao chúng ta lại thích hoài niệm (nostalgia)?

“Tôi còn trẻ nhưng chỉ thích nghe nhạc cũ”, “Sao người xưa nhìn ‘chất’ thế nhỉ?”, “Ngày xưa trẻ em còn… chứ không như bây giờ”, “Thế hệ 8X, 9X”... Lướt qua một vòng mạng xã hội, bạn sẽ gặp không ít bài đăng so sánh các thế hệ, cũng như nhắc về những thứ đã từng “hot” trong quá khứ như điện thoại cục gạch, blog360, yahoo messenger, sinh hoạt forum… với lượng tương tác cao cùng những comment đầy hoài niệm.

Tại sao dù cuộc sống ngày càng hiện đại, tiện lợi, sản phẩm làm ra ngày càng đẹp, đa dạng nhưng chúng ta cứ tương tư về những ngày xưa ấy? Các nhà nghiên cứu tâm lý đã thực hiện một số khảo sát để tìm hiểu về xu hướng này ở con người. Hóa ra cảm giác hoài niệm mang lại nhiều điều tích cực xét về tâm lý học, xã hội học.

Mang chúng ta lại gần nhau hơn

Như đã đề cập ở đầu bài viết, những bài đăng, hội nhóm được lập ra để ôn lại quá khứ như thế hệ 8X, 9X thường nhận được tương tác rất cao. Bởi vì chúng ta tìm được nơi mình thuộc về và có cả “đồng đội” ở đó, những người sinh cùng thời, có cùng trải nghiệm và tất cả thoải mái bàn luận về điều đó.

“Ngày xưa có ai để nick Yahoo thế này không?”, “Ai ngày xưa đi WC ở Diamond thì giờ cũng 2 đứa con rồi”, “Ngày xưa cứ 7h tối là ôm tô cơm coi phim này”... Chúng ta nhận ra  bản thân không lẻ loi mà có rất nhiều người trải qua cảm giác như mình, ở quá khứ lẫn hiện tại. Hoài niệm là một cảm xúc thống nhất.

Hoài niệm nhắc ta nhớ về danh tính

Trong một podcast chuyên đề về hoài niệm, giáo sư Krystine Batcho đã chia sẻ rằng, theo lập luận của bà, cảm giác hoài niệm giúp chúng ta nhớ về danh tính của chính mình.

Con người thay đổi theo thời gian và đó là những thay đổi đáng kinh ngạc. Ví dụ, bạn không còn giống bản thân bạn hồi năm 12 tuổi. Khi đưa ra so sánh về bản thân hiện tại khi đã đi làm với hồi học sơ trung, bạn thấy những khác biệt gì, nhìn chung bạn có phải một phiên bản tốt hơn? Điều gì bạn có thể học từ bản thân năm 12 tuổi? Điều gì bạn đã đánh mất hay sửa đổi? Nhớ về quá khứ giúp ta xâu chuỗi lại con người mình và hướng đến phiên bản ta muốn trở thành trong tương lai

Hoài niệm giúp ta vượt qua những thay đổi trong cuộc sống

Những cột mốc thay đổi quan trọng trong cuộc đời con người, dù tích cực hay tiêu cực, đều ít nhiều mang lại căng thẳng. Kết hôn/ly hôn, mất việc/sự nghiệp mới, chuyển nơi ở… Tất cả các loại thay đổi đều khiến con người cảm thấy phần nào mất kiểm soát, cảm thấy mọi việc có thể rơi ngoài tầm tay. Tức tương lai là không biết trước được, nhưng chúng ta đã biết con người mình là ai và mình đã từng ở đâu.

Ôn lại quá khứ nhắc chúng ta nhớ bản thân đã trải qua những cột mốc khác như thế nào. Ví dụ, không ngờ bản thân đã trải qua kỳ thi đại học vô cùng áp lực, hoặc những ngày đầu chuyển sang nước ngoài sống khó khăn như thế nào… Những ngày đó, đại học, hoặc thích nghi với cuộc sống mới dường như là tất cả những thứ bạn phải lo. Nhưng bạn đã vượt qua tất cả và chuẩn bị đối mặt với bước chuyển giao mới. Nói cách khác, hoài niệm là cách chúng ta đo lường mức độ phát triển của bản thân lẫn môi trường xung quanh.

Khi nào thì hoài niệm trở nên xấu?

Một phiên bản ác ma của hoài niệm, chúng ta có thể gọi vui là “ăn mày quá khứ”. Bạn sẽ nhận ra rằng, không phải ai cũng nhớ về quá khứ theo cách tích cực. Theo giáo sư Krystine Batcho, còn phải tùy thuộc vào trạng thái tinh thần và cuộc sống của người đó. Ví dụ, một người cảm thấy cuộc sống mình tồi tệ thì khi nhớ về quá khứ tươi đẹp chỉ khiến họ buồn bã hơn, hoặc quá khứ không hạnh phúc cũng khiến họ cảm thấy cuộc đời mình không phát triển.

Theo dữ liệu Batcho cùng các đồng sự thu thập được, trái với suy nghĩ của chúng ta, đó là con người không ai muốn sống mãi trong quá khứ cả. Họ có thể nhớ và muốn ghé thăm những ngày xưa ấy, nhưng họ sẽ không có mong muốn quay trở lại đời sống trước kia. Nếu một người bày tỏ ước muốn được quay về sống trong quá khứ, thì có lẽ họ đang phải đối mặt với hiện tại quá khó khăn, đến mức không chịu được. Những đối tượng này cần được cố vấn về mặt tâm lý. Chúng ta phải chú ý đến cảm giác mà hoài niệm mang lại, nếu việc hồi tưởng khiến bạn luôn cảm thấy buồn bã, thì bạn đang mắc một vấn đề khác.

Lời kết

Kết nối với quá khứ là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của chúng ta, đương nhiên mọi thứ luôn ở mức độ chừng mực. Hòai niệm chỉ lành mạnh khi nó mang lại giây phút vui vẻ giữa bạn bè, hoặc cho ta thêm hy vọng vào tương lai. Tránh khơi gợi những chuyện khó xử của người khác hoặc đắm chìm quá mức vào “Giá như…” mà quên mất điều cần làm ở hiện tại.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)