logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Từ Biệt Berlin: Christopher Isherwood và quyển nhật kí viết về trái tim nước Đức

Christopher Isherwood có mối tình đậm sâu với nước Đức, đặc biệt là Berlin, như một điều hiển nhiên mà dường như ai từng đọc tiểu thuyết của ông đều biết. Từ Người Chuyển Tàu đến Từ Biệt Berlin, tác phẩm nào cũng chất đầy nỗi vấn vương của chàng thi sĩ người Anh về bóng hình của một thuở Berlin. Ông viết về thành phố này như đang viết thư tay cho một người bạn cũ, kể câu chuyện về ngày tháng xa xưa khi họ còn ở cùng nhau. Từ Biệt Berlin (từng được gộp chung với Người Chuyển Tàu trong ấn bản The Berlin Stories ra mắt năm 1945) là những câu chuyện trong quãng thời gian trước khi nhân vật Christopher Isherwood rời khỏi Berlin. 

Nhấn mạnh là một nhân vật có tên trùng với tên tác giả thôi, nên các bạn đừng nhầm đây là tự truyện nhé. Anh chàng Isherwood này sẽ kể cho chúng ta nghe về Sally, về Otto, về Natalia, về Bernhard và về những con người anh đã từng gặp gỡ khi còn ở Đức làm việc. Họ là những người mà anh nghĩ rằng “khi họ ra đi, họ cũng đã mang giữ theo mình một phần của Berlin, một phần không bao giờ còn quay trở lại”. Isherwood luôn là một nhân vật được đặt trong vai trò người quan sát, từ căn hộ của cô Schroeder đến căn nhà ở đảo Ruegen, từ khu lụp xụp của gia đình Nowak đến cơ ngơi của gia đình Landauer.

Isherwood thuê một phòng trong căn hộ của cô Schroeder, người phụ nữ dễ mủi lòng thường gọi anh với cái tên Issyvoo. Ở đây anh sống với Bobby, cô Kost, cô Mayr, và sau này có cả Sally. Trong căn nhà này, họ mơ mộng về tương lai hạnh phúc, khi họ có thể giã từ cuộc sống khó khăn hiện tại. Ở đảo Ruegen thì Isherwood đưa ta đến gặp Peter và Otto, hai chàng trai đối lập trong một mối quan hệ kì lạ. Một tâm hồn bi quan đến cùng cực và một tâm hồn yêu thích sự tự do phù phiếm, ràng buộc với nhau bằng tiền và thứ tình yêu đầy ngột ngạt. Họ rời bỏ nhau đột ngột như cách họ đã đến với nhau vậy, Otto đã chạy trốn Peter trước khi cả hai chạm đến giới hạn tâm lý của mình.

Nhưng chí ít thì những ngày ở Ruegen mới chỉ là sự ngột ngạt về mặt tâm lý, nó còn chưa bằng một phần trong căn nhà của gia đình Nowak. Ở đó độc giả sẽ được nhìn thấy thế giới của tầng lớp nằm dưới đáy Berlin, nơi mà cả tinh thần và thể xác con người đều bị vắt kiệt.

“Nằm trên giường, trong bóng tối, trong góc bé tí của cái hang người khổng lồ gồm nhiều tòa chung cư, tôi có thể nghe thấy, chính xác đến kì quái, mọi thứ tiếng vọng lên từ cái sân bên dưới…Đâu đó ở phía bên kia sân, một em bé bắt đầu gào lên, một cửa sổ đóng sầm lại, một thứ gì đó rất nặng nề, nằm sâu trong hốc tường tận trong cùng của tòa nhà, đụng vào bức tường một tiếng thịch khô khốc. Thật là lạ lẫm, bí ẩn và kì quái, tựa hồ ngủ một mình trong khu rừng già vậy.” 

Có lẽ bạn sẽ thấy câu chuyện mình đang kể khá lan man, vì có quá nhiều nhân vật và địa điểm mà dường như không thực sự liên kết với nhau. Isherwood gặp hết người này đến người khác, chuyển từ chỗ ở này sang chỗ ở khác và cứ mỗi lần như thế là chúng ta sẽ lại có một câu chuyện mới. Lúc đầu mình cũng cảm thấy tác phẩm này khá rời rạc, nhưng sau khi đọc đến cuối sách thì mình chợt nhận ra hình như không phải thế. Mối liên kết giữa các nhân vật là Berlin, hay nói theo cách khác thì họ chính là một phần phản chiếu của Berlin.

Từ Biệt Berlin của Christopher Isherwood không phải là một câu chuyện có mạch truyện rõ ràng, vậy nên ta sẽ không thấy tác giả tập trung vào nhân vật nào quá lâu. Mỗi nhân vật xuất hiện trong Từ Biệt Berlin đều mang theo một nỗi ám ảnh riêng, họ mang từng chút gộp lại để Isherwood kể về nỗi buồn nước Đức. Có lúc đó là cảm giác trống rỗng của một kẻ giàu có, và cũng có lúc đó là giấc mộng của một kẻ vô danh. Mình thích cách Christopher Isherwood sắp đặt những nhân vật này xen kẽ cạnh nhau, khéo léo biến cuộc đời họ thành những mảnh ghép vừa đẹp để kể về Berlin ngày ấy.

Nếu ví Hoa Tím Ngày Xưa (Prater Violet, mình cũng có viết review về quyển này rồi) là một bộ phim lãng mạn buồn, Người Chuyển Tàu là một bộ drama thì Từ Biệt Berlin lại giống một tập phim tài liệu chân thực. Những thước phim ngắn sẽ đưa ta đi khắp tận cùng các ngõ ngách, để cho ta thấy được toàn cảnh thành phố mà Christopher Isherwood hết mực yêu thương. Mọi thứ được ghi lại theo cách khách quan và toàn vẹn nhất, với mô tả: “Tôi là cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư.”

Nói về mức độ yêu thích cá nhân thì mình vẫn thích nội dung của Người Chuyển Tàu hơn, nhưng về chiều sâu thì mình sẽ đánh giá Từ Biệt Berlin cao hơn một chút. Nhìn chung thì quyển nào mình cũng thấy đáng đọc cả, vì nếu đã thích Christopher Isherwood thì nhất định phải đọc The Berlin Stories.

Đánh giá cá nhân: 4/5

Hoàng Linh

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
33
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)