logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Dạ Khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của Kazuo Ishiguro

Dạ Khúc là tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Kazuo Ishiguro sau sáu tiểu thuyết dài (một trong số đó đã đoạt giải Man Booker), tập gồm năm truyện ngắn khác nhau kể về những giấc mơ gắn liền với âm nhạc. Vẫn là những câu chuyện được kể với chất giọng nhẹ nhàng pha chút day dứt của Ishiguro, dẫn độc giả vào những đêm miên man từ Venice, London đến tận miền Hollywood xa xôi.

Năm truyện ngắn không được đặt tên mà được kể tuần tự theo suốt hai mươi bảy chương của cuốn sách, kể về những nhân vật xa lạ gắn liền cuộc đời với âm nhạc. Nhưng nếu tựa sách làm bạn nghĩ đến những câu chuyện tình nên thơ thì hẳn bạn sẽ thấy hơi hụt hẫng (vì chính mình cũng thế). Ishiguro sẽ kể về những người đi tìm bình yên trong âm nhạc, họ theo đuổi và đắm chìm vào nó để tránh đi thực tế mệt mỏi. Họ có thể là một nghệ sĩ đã lỗi thời, một nhạc công đang học việc, một người trẻ đi tìm danh vọng, hoặc là những kẻ đã để cho giấc mơ âm nhạc ngủ quên.

Đêm đầu tiên là của anh chàng đệm guitar và một ca sĩ từng rất nổi tiếng, họ đệm đàn và hát trên chiếc thuyền dừng dưới bậu cửa sổ thành Venice. Tony Gardner đã ngân nga “Phoenix”, “I fall in love too easily” và “One for my baby” như một lời chia tay ngọt ngào cho người vợ Lindy Gardner. Cuộc hôn nhân của họ vẫn luôn hạnh phúc vì âm nhạc, nhưng nó không thể giữ họ ở bên nhau vì cuối cùng thì thứ họ theo đuổi vẫn là cái “danh tiếng” ngoài kia.

Tiếp theo là Raymond trong chuyến thăm gia đình Charlie và Emily, một câu chuyện sẽ cho độc giả thấy thực tế thường phũ phàng đến mức nào. Raymond đến vì lời thỉnh cầu của Charlie, người chồng mong Ray trở thành cây cầu hòa giải cho cuộc hôn nhân đang dần rạn nứt. Và hóa ra cách hòa giải của Charlie là cho Emily thấy một phép so sánh ích kỉ, anh ta muốn chứng minh rằng tâm hồn âm nhạc đẹp đẽ của Raymond là không đủ cho cuộc sống này. Một người chồng thành đạt dù có phạm chút sai lầm hẳn sẽ trở nên dễ tha thứ hơn khi so với ai đó vẫn để tâm trí bay bổng trên cao, vì khi người ta “mới có bốn mươi bảy tuổi” thì người ta cần nhìn về thực tế nhiều hơn.

“Đây là bản “April in Paris” của Sarah Vaughan thu âm năm 1954, với Clifford Brown thổi kèn trumpet. Thế nên tôi biết bài này khá dài, ít nhất phải tám phút. Tôi thấy vui lòng vì chuyện đó, bởi tôi biết rằng sau khi nhạc hết chúng tôi sẽ không còn nhảy nữa, mà sẽ vào nhà ăn cừu hầm. Và biết đâu đấy, Emily có thể xem xét lại việc tôi đã làm với cuốn nhật ký, và lần này quyết định rằng đó không phải là một tội lỗi vặt vãnh nữa. Làm sao tôi biết được? Nhưng ít nhất trong vòng vài phút nữa, chúng tôi vẫn an toàn, và chúng tôi đang nhảy dưới bầu trời đầy sao.”

Và kế đấy là một chàng nhạc sĩ trẻ đang tập tành sáng tác, đàn một bản tình ca dang dở cho một cặp nhạc công lớn tuổi đang đi nghỉ ở Herefordshire. Một anh chơi jazz lành nghề vừa thực hiện xong một cuộc phẫu thuật thẩm mĩ, chỉ bởi vì với cái nhan sắc cũ thì sẽ chẳng ai chịu nhìn đến tài năng xuất sắc của anh. Hay một cậu nhóc mười chín tuổi, say mê những buổi học với một người phụ nữ tự nhận mình là nhạc công “bậc thầy”, để rồi lại ôm những giấc mộng lớn lao hơn. Ấy đều là những con người ôm mộng tưởng lớn lao về nghệ thuật, nhưng mấy ai trong số họ chạm được đến ước mơ đâu?

Hầu hết các truyện đều có chung kiểu nội dung thiên về thực tế, tiết tấu chậm và thường pha chút giai điệu du dương, khá hay nhưng đối với cá nhân mình thì đây không phải là một tập truyện quá đặc sắc. Vì Tàn Ngày Để Lại đã mang đến cho mình nhiều mong đợi về văn phong đẹp đẽ của Ishiguro, vậy nên Dạ Khúc có làm mình hụt hẫng đôi chút. Nhận xét tổng thể thì đây vẫn là những câu chuyện đẹp, theo đúng với lời tựa “về âm nhạc và đêm buông”, nhưng hẳn là những cái “đêm” này mong manh quá nên không đọng lại nhiều cảm xúc với mình.

Thú thực thì sau lần đọc đầu tiên mình gần như quên luôn cả tập truyện, nhớ mang máng được một vài chi tiết ấn tượng thôi. Sau khi lướt lại lần hai (may là tập truyện này khá ngắn) với tốc độ chậm hơn thì cũng cảm được nhiều hơn những điều tác giả muốn truyền tải, tâm trạng của nhân vật cũng ở lại với mình lâu hơn. Mình nghĩ với bạn có gu đọc chậm rãi nhẹ nhàng thì đây sẽ là một quyển khá hay, vừa đủ để nhâm nhi trong một hai buổi cuối tuần mà không sợ nặng đầu. Còn lần sau thì chắc mình lại thử với truyện dài của Ishiguro thôi, vì với cách kể thư thả của ông thì mình thích nghe một câu chuyện hoàn chỉnh hơn là truyện ngắn.

Đánh giá cá nhân: 3.5/5

Hoàng Linh

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
51
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)