logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

An Tư - Một Cuộc Đời Bi Kịch Bị Sử Sách Lãng Quên

An Tư, một tựa đề với chiếc bìa sách dễ khiến người đọc lầm tưởng đây sẽ là câu chuyện về một nàng liệt nữ xả thân đánh giặc vì nước. Nhưng không, theo sử sách ghi lại, An Tư công chúa vốn chẳng phải kiểu người có thể cầm gươm g.i.ế.t giặc như tấm gương Trưng Trắc, Trưng Nhị, cũng chẳng phải một nhân tài kiệt xuất có thể khiến kẻ thù phải thán phục trước tài cầm kỳ thi họa đỉnh cao. Nàng chỉ là một cô công chúa liễu yếu đào tơ đơn thuần, và là một nạn nhân chiến tranh, người phải chịu đựng nỗi đau và bị giày vò đến ch.ế.t vì nó. Đó cũng là cơ sở để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dựng lại bi kịch đời nàng trong cuốn tiểu thuyết An Tư (1944).

An Tư vẽ ra bức tranh lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần trong thế kỉ 13. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên tái hiện toàn cảnh những bi thương và thảm cảnh do chiến tranh mang lại cho người dân Đại Việt vào thời đó.

Đọc An Tư, mình được gặp lại những gương mặt muôn năm cũ mà mọi người con đất Việt đều tôn kính. Đó là một Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với tài thao lược quân binh phi thường, là một Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi trẻ tài cao, kiêu hãnh rước theo theo lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” mà chiến đấu với giặc, là Phạm Ngũ Lão – người thanh niên đam mê việc quân đến độ quân địch lấy giáo đâm vào chân mà ông cũng chẳng biết.

Và nếu việc khắc họa sống động những nhân vật lịch sử đã là một điểm sáng trong An Tư, thì tác giả cũng không ngần ngại tái hiện những sự kiện đã giúp họ đi vào lịch sử. Đọc An Tư, mình như được nhìn thấy trước mắt cả một không khí rợn ngợp hào khí những tiếng hô “Đánh! Đánh! Đánh!” vang tận trời xanh. Đó là nơi các nghĩa sĩ cùng đồng lòng một tiếng reo “Sát Thát!”. Hay như bài Hịch Tướng Sĩ trứ danh của Hưng Đạo Vương cũng được nhà văn khéo lén đan xen vào những đoạn thích hợp nhằm khêu gợi tính đoàn kết của toàn dân, toàn quân.

An Tư, tuy là nhân vật được đặt làm tựa đề sách, nhưng thực tế chỉ được nhà văn mượn tên để khắc họa bầu không khí hào hùng một thuở của cõi Đông A. Nhưng không vì vậy mà vai trò của nàng trở nên kém quan trọng. Giữa mây mù khói bụi của binh đao và khói lửa, Nguyễn Huy Tưởng vẫn tài tình làm dịu chúng đi bằng sự lãng mạn của cặp đôi An Tư và Chiêu Thành Vương Trần Thông. Đó là một mối tình “tự do thoát hẳn ra ngoài luân lý đạo Khổng” giữa hai người chị em họ - những con người “đã yêu nhau với tất cả bồng bột của thanh niên, với tất cả sức mạnh của dục vọng được hoàn toàn buông lỏng”. Trong chiến tranh vẫn thấy được hy vọng, và trong sự tuyệt vọng vẫn khao khát tình yêu, đó dường như là cách nhà văn giữ vững sự tin tưởng vào con người, vào tình yêu.

Tuy nhiên, trên cái nền lãng mạn còn là một bi kịch mà mình tin là ít người biết đến. Biết chắc rằng thân gái dặm trường sẽ không giữ được tiết trinh giữa vòng vây quân giặc, An Tư đã thuận theo ý Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mà nguyện lòng đi cống cho tướng giặc Thoát Hoan, như một nghĩa cử cao đẹp vì nước nhà. Thất thân cùng giặc, nhưng trinh bạch trong lòng, An Tư khóc cho thân mình nhơ nhớp, nhưng lòng nàng một tấm chân kiên hướng về Đại Việt, về ngày trở về ca khúc khải hoàn, về lời ước hẹn trùng phùng của người yêu dẫu có muôn trùng cách trở. Bi kịch đời nàng hiện lên giống hệt như đôi câu thơ trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:

“Khiển nhân tống An Tư công chúa

Vu Thoát Hoan, dục thư quốc nan dã”

Chỉ tiếc rằng, thế gian vốn chẳng dung tình ai. Người yêu nàng hy sinh trong chiến trận, bỏ lại một An Tư tuy còn sống nhưng nhưng lòng đã chết hẳn. An Tư đã tự lập nên một lời thề khác với tình nhân, rằng nếu chàng không còn, thì nàng cũng sẽ theo chàng về nơi chín suối. Đoạn kết là điều mình đã không hề lường trước: An Tư trầm mình xuống sông Cái, tự kết liễu cuộc đời, giữa ánh trăng bàng bạc, ôm muôn vàn nỗi nhớ, nỗi đau đeo bám của cuộc tình năm xưa. Kết cục này, dù khác với lịch sử, nhưng lại khiến mình cảm động trước tấm lòng của nhà văn vì đã giải thoát An Tư khỏi một cuộc đời bi kịch.

Một thân cành vàng lá ngọc lại sinh trong thời loạn lạc, đã không hèn nhát rút lui mà chấp nhận hy sinh danh tiết vì lợi ích nước nhà, ấy vậy mà lưu lại trong thiên sử lớn nhất của dân tộc chỉ bấy nhiêu chữ. Theo sử sách ghi lại, vào ngày đại thắng, vua Trần phong thưởng công thần cũng không nhắc đến An Tư, từ đó câu chuyện cuộc đời nàng trôi nổi theo dòng thời gian như một chiếc lông vô lực. Có ai ngờ, mấy trăm năm sau, như thể bắt được chiếc lông ấy, Nguyễn Huy Tưởng mới cho ra đời tiểu thuyết An Tư, gửi gắm chút lòng thành kính của hậu nhân với một trang liệt nữ hồng nhan bạc mệnh.

Có lẽ vì ban đầu cuốn sách được viết nhằm mục đích tuyên truyền nên văn phong của Nguyễn Huy Tưởng có phần hơi ... khuôn mẫu và dễ đoán, nhưng bù lại, chính điều đó lại giúp câu chuyện có tính gợi và truyền cảm hứng rất cao. Từng sự kiện, tính cách và bộ tịch của các nhân vật lịch sử đều được mô tả rất chi tiết và dễ hiểu. Nhà văn không bỏ qua dù chỉ một chi tiết nhỏ: từ không gian phòng ốc, cung điện, thắng cảnh nước non đến phục trang đương thời của thường dân và quý tộc Đại Việt. Thậm chí đến cả phe phản diện cũng được tác giả dành hẳn vài chương để đặc tả cảnh sống xa hoa và hoang d.â.m vô độ, như một chút gia vị để làm sống động hơn nguyên do đại bại của chúng. Một chút lãng mạn, hòa cùng chất bi ai, lại càng minh chứng một quan điểm: trong cảnh chiến loạn, bất kể ai dù giàu hay nghèo, dù là thường dân hay quý tộc, đều phải hứng chịu đau thương!

Hãy coi An Tư như một thước phim tài liệu không có nhân vật chính hay phụ, không có các tình tiết tạo drama hay cao trào, chỉ đơn giản là tua lại một giai đoạn lịch sử vừa đáng để nhớ, cũng vừa đáng để suy ngẫm về chiến tranh và nỗi đau mà nó mang lại.

ĐÁNH GIÁ: 4/5

30/3/2023

  • 21
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
35
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)