Martin Eden - Giấc mộng khả ái của chàng văn sĩ nghèo
Được coi là một trong những nhà văn Mỹ có sức ảnh hưởng nhất, Jack London từ lâu nổi tiếng với những tác phẩm viết về thiên nhiên hoang dã và về cơn sốt vàng vùng Alaska như Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã, Nanh Trắng, Tình Yêu Cuộc Sống,... Mới đây, bản dịch mới của cuốn tiểu thuyết trứ danh Martin Eden lại được diện kiến bạn đọc Việt Nam. Ra mắt lần đầu năm 1909, Martin Eden là tác phẩm được đánh giá là xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Jack London, được báo Le Monde đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.
Xoay quanh hành trình từ đáy xã hội vươn lên để bước vào giai cấp thượng lưu của một người lao động nghèo, Jack London đã thành công kể lại cuộc đời của một con người vỡ mộng trước ranh giới lý tưởng và hiện thực, mông lung trong hành trình đi tìm bản ngã. Nhưng trên hết, đây còn là tác phẩm mô phỏng cuộc đời của chính Jack London, một con người luôn tin tưởng vào sức mạnh của tri thức và ngòi bút, muốn dùng những áng văn của mình để phơi bày những sự thật trần trụi của đời sống.
Hãy gặp Martin Eden: một thủy thủ, một thường dân, một người lao động mù chữ, kiểu người mà bạn có thể thấy ở bất cứ xó xỉnh khắp nước Mỹ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Anh là gương mặt điển hình của giai cấp lao động dưới con mắt Jack London: luôn mặc cảm vì thân phận thấp hèn, nhạy cảm và dễ xao động trước cái đẹp hào nhoáng, hào hiệp và đầy trượng nghĩa, và trên hết là hết mình trong tình yêu và tinh thần vượt khó. Với sự giúp đỡ của Ruth, mối tình đầu của anh, người phụ nữ thượng lưu đã thay đổi cuộc đời anh, anh điên cuồng tự học, đọc mọi thứ anh ta có thể đọc để trở thành một nhà văn, với hy vọng đạt được sự tôn trọng mà anh ta luôn tìm kiếm.
Những mâu thuẫn giai cấp là chủ đề xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Martin lớn lên trong tầng lớp lao động và tiếp tục trở thành thủy thủ. Để bước chân vào giai cấp thượng lưu, Martin buộc phải dấn thân vào con đường tự học, phải thay đổi bộ tịch, dáng vẻ, bề ngoài sao cho thật “khác biệt với đồng loại mình”. Thậm chí, chính anh đã không ít lần hắt hủi, coi khinh những người bạn cũng thuộc giai cấp lao động mà anh từng gắn bó. Tuy nhiên, khi càng gần tới đích, Martin lại cảm thấy mình xa rời với cuộc đời hơn.
Anh nhận thấy tầng lớp trên thật rỗng tuếch và giả tạo, họ dùng đủ mánh khóe để lừa lọc và bóc lột người lao động nghèo khổ, như cách bọn chủ bút cố ăn chặn tiền nhuận bút của anh. Tình yêu của anh với Ruth cũng trở nên mơ hồ và nhạt nhòa. Anh luôn băn khoăn rằng thực ra nàng yêu anh vì tình hay vì anh nổi tiếng và giàu có. Càng lún sâu vào cuộc đời phú quý, tam quan anh dần đổ vỡ, thế giới của anh đảo lộn, anh bị bỏ mặc và bơ vơ giữa hai con đường: hoặc trở về với giai cấp cũ để tìm thấy sự trong sạch và hướng thiện, hoặc trở thành một tay cự phú độc ác và gian trá như bao người.
Mặt khác, thông qua cuộc đời Martin Eden, Jack London còn bộc lộ những chiêm nghiệm, suy tư và những góc khuất của nghề cầm bút. Trong sự nghiệp của mình, nhà văn trẻ Martin đã gặp không ít khó khăn đến từ sự non yếu kinh nghiệm của mình. Vốn xuất thân từ giai cấp lao động, anh luôn khao khát được viết những tác phẩm CHÂN THẬT, TRẦN TRỤI về cuộc sống. Anh không ngần ngại phơi bày những điều người ta không bao giờ dám nói: cảnh bần hàn của người nghèo trong các khu ổ chuột, sự kinh hoàng của những chuyến đi biển, hay thậm chí không ngần ngại mỉa mai sự lố lăng và tha hóa của giới thượng lưu xung quanh anh.
Dẫu vậy, mặc cho trái tim có nhiệt huyết, có khát khao đến đâu, Martin vẫn bị hiện thực vả những cú thật đau đớn: bị các tờ báo từ chối, bị cắt xén nhuận bút, bị các chủ bút hành hạ lên bờ xuống ruộng. Tác phẩm tâm huyết thì bị cắt xén bừa bãi, bị ép phải tô hồng những điều mắt thấy tai nghe để chiều lòng đại chúng. Nhưng đau nhất, đớn nhất là khi giấc mơ nhà văn của anh không được ủng hộ. Ruth, bố mẹ Ruth và thậm chí cả người nhà anh đều một lòng từ chối, rũ bỏ anh, không ít lần khiến anh rơi vào mông lung và đã từng toan vứt bỏ giấc mơ của mình. Sau cùng, hiện thực, vẫn chỉ là một giấc mộng hão huyền khó có thể chạm tay tới
Martin Eden là hiện thân của Jack London, phản ánh chính kinh nghiệm đời văn cũng như phong cách văn chương của ông. Độc giả thấy ở Martin một kiểu nhân vật xuất hiện thường trực trong phần lớn tác phẩm của Jack London: Con người trăn trở bên lề lý tưởng và hiện thực. Thật vậy, đi theo dấu chân của Buck (Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã/Call Of The Wild), Elam Harnish (Từ Bỏ Thế Giới Vàng/Burning Daylight), Humphrey van Weyden (Sói Biển/The Sea Wolf), cuộc dấn thân vào thế giới thượng lưu của Martin Eden lại giúp chúng ta thêm thấu hiểu rằng con người nhạy cảm và mông lung thế nào trước hiện thực phũ phàng, rằng mỗi người nên thông cảm hơn trước sự sa ngã của thói tục. Nhưng cũng từ tiền đề đó, nhà văn lại có cớ để đi sâu hơn vào tâm lý và sự trưởng thành của của nhân vật. Sống thế nào cho phải? Lựa chọn nào đúng? Lựa chọn nào sai? Và có thực sai lầm không khi ta chọn sống vì chính ta, không lý tưởng, không tô vẽ như cuộc đời ta hằng mơ tưởng? Những câu hỏi đầy tính mâu thuẫn đó trở đi trở lại qua nhiều tác phẩm, tạo nên chiều sâu độc đáo trong những tác phẩm của ông.
Không chỉ vậy, Jack London còn có tài xây dựng cho các nhân vật của mình, những lập trường rất rõ ràng, những quan điểm rất khó lay chuyển, rồi cho họ một nét chấm phá bất ngờ. Và những nét ý nhị đó, bất ngờ làm sao, lại thuộc về chủ nghĩa lý tưởng. Như cách Buck cất tiếng hú mỗi đêm để tưởng nhớ một thời hạnh phúc bên người chủ Thornton Như Humphrey với trái tim vừa ghét vừa trân quý Sói Biển, kẻ thủ ác từng đày đọa và cũng là người thầy đã đưa hắn vào đời. Và Martin cũng vậy, dù ngoài mặt chối từ giai cấp của mình, nhưng đến cuối cùng những người anh tin yêu thật sự vẫn chỉ có họ. Và dù cho bao người, chê trách, ruồng rẫy, anh vẫn cứ là anh, vẫn tiếp tục mơ, tiếp tục vững tin vào con đường đã chọn, để rồi bước tới những chân trời mới mà chỉ mình anh xứng đáng thuộc về.
Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta đều có một chút gì đó giống anh chàng Martin Eden này. Hồi trẻ, ai mà chẳng mơ mộng những điều phi thực và hão huyền: trở thành một người nổi tiếng, cưới một anh chồng, một cô vợ lý tưởng, hay được tự do sống theo ý mình. Nhưng rồi, vẫn là bản thân của những năm tháng sau đó, lại ủ ê, rã rời, mệt mỏi với cuộc đời trưởng thành. Giấc mơ thì chẳng đạt được, công việc trong mơ cũng chẳng thấy, bạn bè thì đã rời đi theo tiếng gọi con tim còn mình thì ở lại với những chấp niệm ngày xưa. Những khát khao thuở xưa giờ thay bằng những tiếng thở dài hoài niệm một thời.
Nhưng dẫu buồn là vậy, thì giống như Martin Eden, chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa việc “buông bỏ” và “chấp nhận” trước hiện thực. Hoặc ta buông bỏ và để mặc cuộc sống xoay vần ta theo ý muốn, hoặc thừa nhận rằng chính bản thân đã tự đưa đẩy mình theo con đường này, để rồi cầm chắc niềm tin hơn và hạnh phúc với những gì mình đang có. Giống như cách Martin đã chọn “chấp nhận” để rồi trở thành một nhà văn thành đạt như ý nguyện của anh vậy.
Đánh giá: 5/5
26/4/2023
- 49
- 0Bình luận